Nữ sinh xinh đẹp bình về “điểm nóng” trên facebook 2012
(Dân trí) - Với Nguyễn Lan Chi, cô nữ sinh Á khôi 2 Duyên dáng Hà thành, cho rằng những điểm nóng trên facebook như chửi bậy, nói xấu, đăng ảnh nhạy cảm… chỉ xuất hiện ở một bộ phận giới trẻ tuy nhiên cần phải lên án mạnh mẽ, nghiêm khắc.
Sở hữu gương mặt xinh đẹp, Nguyễn Lan Chi dường như được chú ý nhiều hơn sau khi trở thành Á khôi 2 Duyên dáng Hà thành. Cũng từ cuộc thi tài sắc dành cho nữ sinh cấp 3 này, danh sách kết bạn trên facebook của cô gái đang theo học trường Phạm Hồng Thái (HN) này tăng vọt thậm chí tới ngưỡng cho phép (hơn 4.900 bạn).
Với lượng bạn bè “ảo” khổng lồ như vậy, bên cạnh việc nắm bắt, chia sẻ thông tin, Lan Chi biết khá rõ những vấn đề đang tồn tại trên facebook hiện nay như chửi vậy, nói xấu, đăng ảnh nhạy cảm.
Hãy cùng nghe Lan Chi chia sẻ quan điểm của mình về những vấn đề nổi cộm của giới trẻ trên facebook năm vừa qua.
Năm 2012 xuất hiện không ít bạn lên facebook để chửi bậy, nói xấu, phân biệt vùng miền, đăng ảnh nhạy cảm và dường như chiều hướng này vẫn còn tiếp tục trong những tháng đầu 2013. Em có nghĩ đây là tình trạng đáng báo động hay chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”?
Các thành viên trên facebook có thể không thích phong cách, tính cách của ai đó, hoặc nhiều bạn trẻ hâm mộ quá mức thần tượng của họ và đi nói xấu thần tượng của người khác. Một số khác chỉ đơn giản là khó chịu về một câu nói, một cử chỉ, cũng không thiếu người người chỉ hùa theo do a dua, muốn thế hiện.
Theo Chi, những câu chuyện đáng buồn trên facebook năm qua chỉ là hiện tượng con sâu làm rầu nồi canh vì họ có thể chưa nhận thức chín chắn hay hùa theo số đông, muốn thế hiện mình. Mặc dù vậy, ít hay nhiều thì vấn đề này cũng cần báo động và giải quyết ngay từ bây giờ.
Trong danh sách bạn khổng lồ của mình, em đã lần nào bắt gặp những câu chửi thề hay nói xấu của bạn mình?
Thỉnh thoảng em cũng bắt gặp những câu chửi thề và gần đây dường như số lượng của những câu như vậy ngày càng nhiều hơn. Lý do các bạn đưa ra thường là để xả stress hay giải tỏa bức xúc của mình.
Trong trường hợp đó, trước hết em bày tỏ thái độ không đồng tình của mình về những câu chửi thề, nói xấu đó, sau đó có thể hỏi thăm và giúp đỡ giải quyết vấn đề bức xúc của bạn đó nếu có thể.
Là một nữ sinh cấp 3 và vẫn có những suy nghĩ bồng bột, Lan Chi đã bao giờ đăng tải những câu nói “khó nghe” và gặp phải sự phản ứng của người khác?
Đã có một lần vì căng thẳng và bức xúc, em viết một dòng không hay trên facebook. Ngay sau đó, một người bạn đã vào nhắc nhở và giải thích vấn đề cho em, rằng việc viết như vậy không hay trên facebook, hơn nữa cũng khiến người khác có cái nhìn thiếu thiện cảm về mình.
Nhờ đó em cũng nhận thức ra được sự bồng bột của mình và từ đấy biết suy nghĩ chín chắn hơn trước những câu nói của mình trên facebook.
Em đã bao giờ là nạn nhân từ facebook chưa? Ví dụ như bị hội anti, bị nói xấu hay đơn giản là bị gắn vào những câu/hình ảnh không hay…
Việc bị tag vào những câu không hay thì hầu hết tất cả những ai sử dụng facebook đều từng gặp phải rồi. Ngoài ra cũng thật may mắn vì em chưa bị trở thành nạn nhân của facebook bởi những page anti hay bạn bè nói xấu…
Những câu chửi, ảnh nhạy cảm… của bạn trẻ trên facebook, liệu đó là mặt trái của sự hội nhập hay là do nhận thức của cá nhân?
Theo Chi thì do cả hai. Một phần do sự hội nhập trào lưu hay xu hướng của thời đại mới nhưng cũng một phần do nhận thức cá nhân chưa hiểu rõ hoặc hiểu sai về sự hội nhập đó nên vô tình làm xấu đi hình ảnh của chính mình và của cả lớp trẻ.
Em giải thích thế nào về sự hiện diện của những hội “vô thưởng vô phạt” (ví dụ hội “khó đỡ những người khó đỡ”, hội phát cuồng về một điều hay cá nhân nào đó)? Với em, đó là sự lãng phí thời gian hay là cách giúp bạn trẻ xả stress?
Trên facebook hiện nay xuất hiện rất nhiều loại hội, nhóm. Mọi người tham gia vào hội vì cùng sở thích, quan điểm hay đơn giản vì cái tên trang đó hay, độc. Có rất nhiều hội giúp chúng ta chia sẻ những kinh nghiệm hay, việc làm có ích, giúp ta xả stress một cách lành mạnh, vui vẻ sau một ngày làm việc và học tập vất vả.
Bên cạnh những hội, nhóm rất đáng khuyến khích đó cũng có nhiều bạn lập nên các hội anti, hay để nói xấu, bêu riếu một người, vấn đề nào đó. Những hội đó không những làm xấu đi hình ảnh, thậm chí là xúc phạm người khác mà còn làm xấu đi hình ảnh của cả một cộng đồng facebook. Theo em những hội như vậy chính là sự lãng phí thời gian một cách vô ích.
Vừa qua, trường Lương Thế Vinh có quy định về việc sử dụng facebook. Em có đồng ý với quy định đó không? Bản thân Chi có nghĩ rằng trường mình cũng có quy định tương tự?
Như em được biết, trường Lương Thế Vinh gần đây đã đưa ra những quy định cấm trên facebook dành cho học sinh. Theo em những quy định này rất có lý vì sẽ giúp cho mình suy nghĩ kĩ hơn trước khi đăng tải bất cứ thứ gì lên facebook tránh trường hợp có những phát biểu mất văn hóa hay gây mất đoàn kết…
Bản thân em thì nghĩ rằng trường mình cũng nên có những quy định riêng cho học sinh về việc sử dụng facebook.
Ở mức độ rộng hơn, theo em nên có giới hạn đăng tải nào cho bạn trẻ trên facebook không?
Theo em, việc đăng tải trên facebook tốt hay không tốt chính là do sự nhận thức của từng người. Em nghĩ sẽ không cần phải giới hạn bất kì đăng tải nào cho bạn trẻ nếu như gia đình và nhà trường quan tâm nhắc nhở giúp con em họ có những hiểu biết rõ ràng hơn về văn hóa ứng xử trong thực tế cũng như trên facebook.
Cám ơn Chi về cuộc trao đổi này.