Nữ sinh vừa tốt nghiệp THPT giành giải Búp Sen Vàng 2015

(Dân trí) - Tối 2/8, bộ phim có chủ đề bạo lực gia đình của Phạm Thị Thu Lê (18 tuổi) đã giành một trong những giải thưởng cao nhất của Lễ trao giải phim Búp Sen Vàng 2015.

Với chủ đề Góc nhìn, những người trẻ yêu thích điện ảnh “Chúng ta làm phim – We Are Film Makers” đã thể hiện sự mới mẻ, thú vị của mình trong lăng kính về các đề tài xung quanh, vừa quen thuộc, gần gũi; vừa tinh tế, có chiều sâu.

Nữ sinh vừa tốt nghiệp THPT giành giải Búp Sen Vàng 2015 - 1

Các bộ phim năm nay, đúng như chủ đề gợi mở, đã mang đến cho người xem những góc nhìn đa chiều, phong phú và trung thực trong 15 – 20 phút phim. Đó là góc khuất về bạo lực gia đình vẫn hiện hữu trong cuộc sống đời thường (Mẹ con Hà – Phạm Thu Lê), là nỗi cô đơn trong cuộc sống hiện đại được thể hiện qua các câu chuyện khá lôi cuốn: sự ám ảnh về âm thanh từ đời sống hằng ngày vẫn tiếp nối đến khi bước sang một thế giới khác (Yên lặng – Dư Ngân Linh), cảm giác cô độc, bế tắc của một người phụ nữ (Chiều muộn – Nguyễn Hồng Bách), đến tình cảm thân thương khi hai người cô đơn thuộc hai thế hệ khác nhau chia sẻ hơi ấm (Người đan khăn – Đào Hương Anh)…

Ngược lại, theo chia sẻ của các “đạo diễn” trẻ, trải nghiệm làm phim đã giúp cho họ có được một cái nhìn rộng mở, sâu sắc hơn về cuộc sống và con người. Phim đã trở thành lăng kính hai chiều – cho người xem và người làm phim được nhìn, được cảm và được thấy.

Cô nữ sinh Phạm Thị Thu Lê nhận giải thưởng Phim tài liệu do BGK bình chọn.

Cô nữ sinh Phạm Thị Thu Lê nhận giải thưởng Phim tài liệu do BGK bình chọn.

Vượt qua 108 phim, “Mẹ con Hà” đã giành được giải thưởng Phim tài liệu do giám khảo bình chọn. Trong 23 phút khá ngắn ngủi, Phạm Thị Thu Lê đã mạnh dạn khai thác góc khuất của một đề tài vẫn được coi là “bức bối” của xã hội: bạo lực gia đình.

Phim được đánh giá cao bởi tính chân thực, cách làm nổi bật về những tổn thương và thiếu thốn trẻ em phải chịu đựng, nhưng ánh lên một cách đẹp đẽ là sự hồn nhiên và vô tư của cô bé Hà.

Mặc dù tất bật với kì thi quốc gia, Thu Lê vẫn rất thành công khi hoàn thành bộ phim đầu tay xuất sắc của mình và ghi dấu ấn với những người có chuyên môn trong ngành cùng khán giả.

 

Nhóm thực hiện bộ phim "Ngày mai" nhận giải từ BTC.

Nhóm thực hiện bộ phim "Ngày mai" nhận giải từ BTC.

“Ngày mai” - bộ phim của Phạm Lê Dung, đã được trao giải Phim truyện do giám khảo bình chọn.  Bộ phim thể hiện sự ngây ngơ nhưng trong sáng của tình cảm học đường, đậm chất phim đầu tay của các đạo diễn trẻ.

Cốt truyện khá đơn giản, nói về nữ sinh tin lời bói toán của bạn cùng lớp, đã cố gắng thực hiện một nụ hôn với người bạn con trai thân thiết của mình, từ đó, nhiều tình huống vui nhộn đã xảy ra.

Hai bộ phim khác cũng để lại nhiều dư âm, đã được khán giả bình chọn ở từng hạng mục: “Dành tặng ông Điều” (phim tài liệu, của Nguyễn Hiền Anh), “Văn minh xí xổm” (phim truyện, của Hoàng  Quốc Nhật). Trong đó, phim “Văn minh xí xổm” rất được lòng người xem, bởi cách kể chuyện hài hước nhưng rất duyên dáng, gần gũi đời thường mà cũng rất thâm thúy, mang tính xã hội cao.

Ngoài ra, những giải thưởng phụ được trao cho các bộ phim: Phim tài liệu đầu tay xuất sắc nhất: “Dành tặng ông Điều” (Nguyễn Hiền Anh), Phim truyện đầu tay xuất sắc nhất: “Làm bố” (Hà Minh Tiến). Đặc biệt là năm nay, có hạng mục phim của học sinh cấp II (dành cho học viên lớp Teen Film Maker): “Đậu du kí” – lớp T7.

Búp Sen Vàng là giải thưởng điện ảnh trẻ thường niên dành cho cộng đồng Chúng ta làm phim, được tổ chức bởi Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh thuộc Hội điện ảnh Việt Nam, quy tụ những bộ phim xuất sắc nhất qua các khoá học và dự án làm phim trong năm.

Năm nay là mùa Sen vàng thứ 6, chứng kiến số lượng phim tăng đột biến: 108 phim tài liệu và 17 phim truyện. Không chỉ tăng về số lượng, Búp sen vàng năm nay cũng trưởng thành, được đánh giá cao về chất lượng: khai thác tỉ mỉ và dẫn dắt khéo léo hơn những năm trước. Sau quá trình chọn lọc, 10 phim tài liệu và 10 phim truyện nổi bật, xuất sắc nhất được lọt vào danh sách đề cử của lễ trao giải.

 

Hoàng Dung