Nữ sinh và nhật kí một ngày làm... mẹ

“Một ngày làm mẹ, để biết thương các em nhỏ, để hiểu thế nào là tình cảm của người mẹ dành cho con…”

Đó là một căn phòng nhỏ xinh 40m2 đang náo loạn bởi tiếng khóc, tiếng la hét của chừng 36 em nhỏ. Đang lớ ngớ giữa phòng thì tớ mém té xỉu khi thấy cái đầu to gần bằng...chiếc tivi. Em bé bước đi khó nhọc trên đôi chân khẳng khiu, dang hai tay đòi bế. Phải mất mấy giây để tự dỗ mình đừng khóc, tớ vội đưa tay bế em vào lòng...

 

Hôm nay, tớ làm bảo mẫu cho những bé thiểu năng ở trung tâm Tam Bình (quận Thủ Đức, TPHCM).


Nữ sinh và nhật kí một ngày làm... mẹ  - 1


 

7g

 

Nhiệm vụ đầu tiên là giao ban nhận ca, để biết được tình hình sức khỏe của từng bé sau đêm qua. Cô bảo mẫu trực ban đêm sau khi dặn dò tớ kĩ lưỡng còn cẩn thận đi vòng quanh bên các giường, nhìn các bé rồi mới vẫy tay ra về.

 

7 - 8g

 

Nhiệm vụ của tớ chỉ thực sự bắt đầu khi các bé thức dậy. 6 cô bảo mẫu tắm cho 36 em nhỏ. Tớ phải gồng mình và tập trung cao độ, vì rất khó giữ thăng bằng khi bế những bé có cái đầu nặng ì và phần thân yếu ớt. Các bé mất khả năng phản ứng với môi trường bên ngoài, nên khi thay tã hay tắm rửa dưới nước các bé cũng nằm im không nhúc nhích, không biết sợ hãi, không biết thích thú...

 

10g - 11g

 

Đến giờ ăn trưa mới thực sự nhiêu khê. Cô Kim Trang, phó khoa Khuyết Tật cho biết: “Các em không có ý thức về việc ăn uống”. Không thể bảo các em “há mồm to ra nào” hay “Nuốt giỏi đi” như mẹ vẫn chăm em út ở nhà. Mà phải tìm đủ mọi cách đưa thức ăn vào miệng từng đứa, và phải nắm được thói quen của mỗi bé để... tùy cơ ứng biến. Chưa kịp tiếp thu kinh nghiệm của các cô thì bé Liêm bất ngờ đổi ý, không chịu nuốt cơm nữa mà phun thức ăn vào mặt tớ, dỗ mấy cũng không há miệng ra. Đôi mắt Liêm vẫn ngờ nghệch, vô hồn và không ý thức được mình vừa làm gì.

 

11g30

 

Giờ nghỉ trưa của các bé, tớ cùng các cô ngồi xếp tã cho từng em. Do bệnh tật nên các em ở đây phải mặc tã mỗi ngày. Thỉnh thoảng nghe những tiếng khóc ré lên, những tiếng rên khó nhọc hay tiếng đập giường rầm rầm của những đứa trẻ không làm chủ được hành vi của mình. Bỗng dưng, tớ có cảm giác nhồn nhột sau gáy, một bàn tay đang sờ lên tóc, thì ra là Liêm.

 

Các cô bảo mẫu giải thích: “Liêm rất thích ngắm tóc dài và thường hay liếm tóc các cô!”. Chưa kịp quay lại nhìn Liêm thì tớ lại có cảm giác khác, nhanh như sóc, tớ bị Hiệp giật mạnh xuống đất, rồi em ấy di chuyển từ trên mặt tớ xuống đến chân. Tớ được giải thích: “Các bạn bị não mà, không biết làm chủ cảm xúc của mình đâu!”.

 

Thế cho nên mỗi phản ứng dù là nhỏ nhất của mỗi bé cũng làm các cô hạnh phúc đến độ rơi nước mắt. Như bé Ngọc hôm bập bẹ nói tiếng “má ơi” làm các cô vui khôn xiết. Còn bé Liêm thì lại khá nhạy cảm với âm nhạc, dù nói gì Liêm cũng không hiểu, nhưng cứ nghe “Ồ sao bé không lắc...” là Liêm lại lắc lư cái đầu. Không ai biết được đó là thành quả của ròng rã nhiều tháng trời, các cô phải thay phiên nhau hát để Liêm... lắc lư cái mình theo điệu nhạc.
 
Nữ sinh và nhật kí một ngày làm... mẹ  - 2

Giọt nước mắt của Bảo đã làm tớ dùng dằng...

 

Cô Trang tâm sự: “Đôi khi phải để các con của mình ở nhà thiệt thòi một tẹo, để bù đắp cho những đứa nhỏ ở trung tâm. Vì tụi nhỏ sinh ra đã phải chống chọi với bệnh tật. Và cũng ít có bé nào chịu đựng đau đớn được hơn 10 năm...”.

 

Buổi chiều, trong lúc đang thu dọn giỏ xách để “tan ca”, tớ nghe một cô nói khẽ: “Biết mẹ Vân sắp về Bảo khóc rồi nè!” Tớ ngạc nhiên tìm đến chỗ Bảo ngồi, từ đôi mắt nhỏ xíu, một dòng nước mắt chảy ra trên khuôn mặt bị biến dạng vì bệnh tật của em đã làm tớ dùng dằng không muốn về... Một ngày thôi mà tình cảm mẹ con đã gắn bó như thế. Huống hồ chi các cô, có người đã gắn bó với trung tâm, với những mảnh đời bất hạnh gần 10 năm trời, thì tình mẹ con làm sao mà không thắm thiết được?

 

Một ngày làm mẹ, để biết thương các em nhỏ, để hiểu thế nào là tình cảm của người mẹ dành cho con và để biết cúi đầu thầm cảm phục những con người nhân từ nguyện dành trọn cuộc sống mình để chăm sóc, an ủi những đứa bé tội nghiệp.

 

Bích Vân (Lớp 11A4 THPT Hiệp Bình - Thủ Đức, TP.HCM)

Theo Mực Tím