Nữ sinh Úc trải nghiệm du lịch thợ xây ở Việt Nam
Những ngày này, hàng chục học sinh trung học từ Australia đã du lịch đến cù lao An Bình (Long Hồ, Vĩnh Long) xây nhà cho người nghèo. Tiền xây nhà do chính họ làm thêm và gom góp.
Sáng 2/12, ông Trần Văn Hưng, 79 tuổi ở ấp Phú An 2, xã Bình Hòa Phước (Long Hồ, Vĩnh Long), dậy rất sớm. Ngồi chờ cho trời sáng hẳn, ông nhờ mấy người hàng xóm dỡ căn nhà lá rộng 12 m2, cột đã mục. Ông dừng tay kể, vợ chồng ông ở nhà lá từ nhỏ, sinh được 9 người con, nay đã có gia đình nhưng đều nghèo.
Cuối đời, vợ của ông là bà Nguyễn Thị Khoa, 78 tuổi, lại bị bệnh tim, nên vợ chồng ông chỉ mong được ở căn nhà lá không dột đến lúc chết, ngờ đâu mới đây ông được thông báo sẽ có đoàn học sinh từ nước ngoài đến xây nhà tường cho. Ông lén chùi nước mắt, cả đêm qua vợ chồng ông không ngủ được.
Dỡ xong nhà rồi, vì căn nhà nhỏ xíu dỡ cũng nhanh, bà con hàng xóm bàn với ông Hưng đi mua chịu vật liệu để tụi học sinh đến đỡ công việc. Họ tới cửa hàng vật liệu xây dựng đầu xã mua chịu xi măng, cát, đá, sắt...
Vì biết đoàn học sinh từ nước ngoài sẽ cho ông 30 triệu đồng nên chủ cửa hàng vật liệu xây dựng không ngại ngần, còn nhiệt tình giúp ông chọn thứ thích hợp. Mấy người hàng xóm lại cho ông Hưng mượn thêm 10 triệu đồng để chuẩn bị một số thứ khác. Dự kiến ngôi nhà mới của vợ chồng ông dài 13 m, rộng 4,5 m, tường xây, mái tôn, nền lát gạch.
Làm thợ xây thứ thiệt
Gần tối thì đoàn học sinh người Australia ào đến nhà ông Hưng bằng xe ôm. Cùng đi với 13 học sinh còn có 2 thầy cô giáo và 2 phụ huynh; họ đến từ trường trung học Rockhampton Grammar (Queensland, Australia).
Hôm sau, đúng 7 giờ sáng, đoàn học sinh với giáo viên và phụ huynh Australia chia thành 3 nhóm bắt tay xây nhà. Nhóm thứ nhất gồm những anh chàng cao to đi xúc cát, đá để trộn hồ, bê gạch. Nhóm thứ 2 chặt gạch và nhóm thứ 3 toàn con gái cầm bay xây nhà. Ông Hưng thuê một thợ chính và hai thợ phụ trong ấp để vừa làm vừa hướng dẫn các học sinh.
Nữ sinh Alexandra Barlon 15 tuổi, cao 1,5 m, nhỏ nhất trong nhóm khiến mọi người chú ý. Cô có gương mặt đẹp thánh thiện, nước da trắng hồng, bận quần cộc, đi giày ba ta. Barlon xây thoăn thoắt, lấy cán bay gõ gõ cho gạch bám hồ rồi nheo mắt ngắm theo sợi dây cước ra vẻ rành nghề lắm.
Thợ xây Nguyễn Văn Thắng khen: “Cô này chỉ hướng dẫn chục phút đã xây được. Khéo lắm”. Xây một lúc, Alexandra Barlon nhảy xuống bê gạch, hồ, rồi lại leo lên giàn giáo xây tiếp. Barlon nheo mắt cười: “Tôi chỉ có 3 ngày thôi, phải làm hết tốc lực”.
Trong nhóm nam, anh chàng cao to Tom Houlihan thật năng nổ. Tom Houlihan quỳ xuống đất, dùng búa và một thanh sắt để chặt gạch làm đôi. Khoảng tiếng đồng hồ, anh đã chặt xong đống gạch. Rồi Houlihan chạy tới xúc cát, đá trộn bê tông, xách hồ.
Một loáng đã thấy Houlihan cùng với bạn Josh Scheidler hùng hục vác hai khúc gỗ từ nhà hàng xóm về làm giàn giáo. Chỉ nghỉ giải lao hai lần, mỗi lần 10 phút, họ làm việc đến 11 giờ 30 phút, nghỉ ăn trưa. Dưới cái nắng chang chang, công việc tiếp tục lúc 13 giờ 30 phút đến 5 giờ chiều.
Cũng hình thức du lịch thiện nguyện này, giữa tháng 11, nhóm học sinh trường trung học Molong Central (Australia) đã xây nhà cho ông Lê Văn Lẫm ở ấp Hòa Thuận, xã Hòa Ninh (Long Hồ, Vĩnh Long). Ngôi nhà tường 50 m2 có 3 phòng, thay căn nhà lá đã mục nát. Ông Lẫm 64 tuổi, có 10 người con, 8 đã có gia đình riêng và đều nghèo, ông sống cùng vợ và hai đứa con phải bỏ học từ năm lớp 5 để đi làm thuê nuôi cha mẹ.
Đoàn làm nhà cho ông Lẫm có 24 người, gồm 20 học sinh, 2 thầy cô giáo và 2 phụ huynh. Để tiết kiệm chi phí, làm ngôi nhà thật đẹp, thầy trò quyết định làm luôn một số việc mà trước đó dự kiến thuê. Joel Andrew dẫn đầu nhóm bạn nam nhảy lên xuồng chèo ra đầu Cầu Xây cách nhà khoảng 500 m để chở gạch. Thỉnh thoảng Joel Andrew lội xuống bùn ngập gần đến đầu gối hì hục đẩy xuồng.
Còn Tegan Victoria cùng nhóm bạn nữ đẩy xe cút-kít chở cát, xi-măng trên con đường rộng chỉ 1 m, ngoằn ngoèo, vắt qua những chiếc cầu hẹp không có lan can. Đẩy một lúc, mặt ai cũng đỏ phừng phừng, mồ hôi đầm đìa. Một nhóm khác hì hục xúc đất san nền nhà. Sau 4 ngày, thầy trò trường Molong Central chia tay.
Ông Lê Văn Lẫm nghẹn ngào: “Tôi không ngờ cuối đời cũng được ở nhà tường”. Ông Nguyễn Văn Hoặc, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, tấm tắc: “Học sinh du lịch làm nhà cho bà con nghèo như thế này thật có ý nghĩa xã hội to lớn”.
Học trải nghiệm và sẻ chia
Học sinh trung học nước ngoài du lịch xây nhà cho người nghèo ở ĐBSCL có từ 3 năm trước, bắt đầu ở tỉnh Bến Tre, đến nay đã xây được 10 căn nhà. Để có chuyến du lịch thiện nguyện 3-4 ngày tới Việt Nam, hai năm qua, mỗi học sinh trường Molong Central đóng góp mỗi tháng 100 USD, trong đó một nửa tiền do các em làm thêm.
“Để kiếm tiền, chúng tôi thuê mặt bằng bán bánh biscuit, đồ uống, thức ăn nhanh, bồi bàn... Các khoản chi tiêu cá nhân cũng được dành dụm”, nữ sinh Somma Jane kể. Nửa còn lại gia đình các em đóng góp.
Ngoài hình thức góp tiền như thế, 13 học sinh trường Rockhampton Grammar còn mở một tiệm rửa xe trước cổng trường (nhà trường hỗ trợ dụng cụ), làm thứ bảy và chủ nhật. Wade Whitshire, một trong những thành viên của nhóm, cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi thu được khoảng 200 USD, nộp hết cho thủ quỹ của trường để dành dụm”.
Những ngày ở Việt Nam, ngoài giờ xây nhà, Merissa Jane Reid thường theo Võ Nhật Minh, 13 tuổi, con trai của chị Kim Đan (cho học sinh ở nhờ) đi câu cá trên con rạch quanh co trước nhà. Joel Andrew Goff, Alexander David Ball, Braeden Colefax thì lần đầu tiên biết đi chân trần đá bóng trong vườn nhãn với trẻ con ở ấp, nơi có những bộ rễ nhãn trồi lên xù xì chỉ chực kéo chân ngã.
Buổi tối, hoạt động không thể thiếu là học sinh nước ngoài dạy tiếng Anh cho trẻ em trong ấp. Ngày 20/11 vừa qua, cả đoàn đang xây nhà cho ông Lẫm đã ngừng lại để đến trường tiểu học Trần Văn Ba tặng hoa thầy cô giáo, tặng quà và chơi trò chơi dân gian Việt Nam với các học sinh.
Học sinh Australia rất ngạc nhiên khi chiều chiều, hàng xóm mang chuối, mít, khoai thơm ngon sang đãi. Ông bà Ba Trác thì mua tặng một thùng đậu hũ non để bọn trẻ chấm đường ăn cho mát ruột.
“Chúng tôi chỉ ngán giặt bằng tay áo quần lấm bùn”, Emily Elizabeth Hogan bộc bạch. Dì Bảy cho học sinh ở nhờ thương tụi trẻ quá, liền gom hết áo quần tự mình giặt, phơi. Thầy Andrew Robert của trường Molong Central biết chuyện tỏ ra không hài lòng, nói phải để cho học sinh rèn luyện tính tự lực.
Ngày chia tay, cả đoàn khách du lịch, bà con lối xóm, ai cũng khóc. Emily Elizabeth Hogan ôm lấy dì Bảy nghẹn ngào: “Dì Bảy trẻ mãi nhé, khỏe mãi nhé. Chúng con sẽ trở lại thăm dì”.
“Chúng tôi muốn con mình du lịch như thế này để được trải nghiệm, yêu thương, sẻ chia một cách tự nhiên với mọi người, nhất là những người nghèo. Trở lại Australia, chúng tôi sẽ vận động nhiều gia đình cho con sang Việt Nam du lịch kiểu này”, ông Mark Dooley, một phụ huynh của trường Rockhampton Grammar nói.
Theo Thanh Chương
Tiền phong