Nữ sinh trường Báo mở lớp Việt Nam học tại đảo Síp

(Dân trí) - Trong chuyến thực tập tại đảo Síp, Bùi Ngọc Vũ Huyền Thương, cô sinh viên năm cuối Học viện báo chí và Tuyên truyền đã mang hình ảnh một Việt Nam mới mẻ đến với bạn bè quốc tế.

Họ và tên: Bùi Ngọc Vũ Huyền Thương.

Tên thường gọi: Bùi Hà Linh

Ngày sinh: 12/3

Sở thích:nấu ăn, nhảy, vẽ, chơi với trẻ con, kết bạn và đi du lịch.

Mục tiêu: Mới được đến 3 đất nước và đang cố gắng để hành trình của mình tiếp tục.

Hoạt động tiêu biểu: tham gia tổ chức chương trình Tình nguyện cho Hòa bình Việt Nam, chương trình Clean up the World của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam.

“Vietnamese classes” tại đảo Síp

Sau khi vượt qua 4 vòng thi (khả năng làm việc nhóm, khả năng làm việc độc lập và hai vòng phỏng vấn), Huyền Thương chính thức có mặt trong đoàn thực tập tới đảo Síp. Công việc chính của cô bạn tại đây là marketing cho một trường đại học và chính phủ Síp.

Nữ sinh Bùi Ngọc Vũ Huyền Thương

Nữ sinh Bùi Ngọc Vũ Huyền Thương

Ngoài những công việc tập thể, học hỏi kinh nghiệm về marketing, Huyền Thương còn tranh thủ thời gian, mở ra các lớp “Việt Nam học” để đưa hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Thương kể: "Khi đến đảo Síp, ban đầu nhiều người nghĩ mình là người Trung Quốc, mọi người nói chuyện với mình về Trung Quốc và nền văn hóa Trung Quốc. Mình phải nói rõ là mình tới từ Việt Nam.
 
Điều mình buồn nhất là bạn bè quốc tế vẫn nghĩ rằng Việt Nam là đất nước của chiến tranh, nghèo đói. Trong đầu mình đã đau đáu câu hỏi: Tại sao người Trung Quốc đưa được văn hóa của họ ra thế giới rộng lớn mà nước mình thì không? Từ đó, mình quyết định mở lớp Việt Nam học ngay tại đảo Síp".
 
Và lớp học của cô thu hút được rất nhiều bạn bè đến tham gia tìm hiểu.

Nữ sinh Bùi Ngọc Vũ Huyền Thương

 
Tại những lớp học này, cô bạn mặc áo dài, treo cờ Việt Nam, tổ chức dạy nấu các món ăn truyền thống của quê hương; làm các slide show trình chiếu về địa lý, văn hóa, con người, thắng cảnh của đất nước.
 
Qua buổi học, Thương nhận được những lời khen ngợi từ bạn bè quốc tế về áo dài Việt Nam. Bị thu hút bởi lớp học của cô gái Việt, các đài truyền hình, báo chí đảo Síp đến phỏng vấn Linh, nhiều người dân đã làm quen và ngỏ ý muốn Thương tư vấn để đi du lịch tại Việt Nam.
 
Không chỉ có các hoạt động tại lớp học, ngay cả khi xuống phố, Huyền Thương cũng tranh thủ “khoe” đất nước mình với bạn bè, cô chia sẻ: “Khi xuống phố cùng mọi người mình thường mang theo những món quà tặng nho nhỏ như chuồn chuồn tre.
 
Các bạn nước ngoài đều rất thích thú khi nhìn thấy con chuồn chuồn tre thăng bằng của mình và ai cũng nói đó là một sản phẩm quá thông minh. Hẹn một ngày sẽ sang thăm Việt Nam và mua chúng về”.

Những thu hoạch “nho nhỏ” sau chuyến đi

Nữ sinh Bùi Ngọc Vũ Huyền Thương

Trở về sau chuyến thực tập tại đảo Síp vào năm ngoái, Thương tâm sự: “Thu hoạch lớn nhất của mình là biết suy nghĩ tích cực hơn. Quả thực trước chuyến đi mình đã từng nghĩ Việt Nam còn nhiều điều tiêu cực, nhưng khi đi rồi mình nhận ra ở đâu cũng còn những hạn chế nhất định; điều quan trọng là mình phải biết hành động cho đúng. Sau chuyến đi, mình cảm thấy tự hào và yêu đất nước nhiều hơn”.

Chuyến đi này giúp cô hiểu và yêu hơn đất nước mình, cô gái này còn có thêm được một “đại gia đình đa sắc tộc” sau chuyến đi đến đảo Síp. Thương chia sẻ: “Dù là đến từ rất nhiều nơi khác nhau trên thế giới nhưng bọn mình luôn chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn.
 
Và điều hạnh phúc hơn là trong gia đình ấy, mọi người đã đón nhận mình, đón nhận Việt Nam với suy nghĩ rất tích cực”.
 
Thương nhận xét rằng con người ở đâu cũng có những mặt trái và những mặt tốt đẹp. Quan trọng là chúng ta biết phát huy mặt tốt, và làm cho những người ở những đất nước khác biết đến và hiểu về những mặt tốt đẹp ấy.
 
Tình yêu nước nằm ở trong tim mỗi người, nằm ở ý thức và nhận thức đúng đắn, tích cực của mỗi người chứ không phải là việc lên án hành vi của nhau.

Thương chụp ảnh cùng Tổng thống CH Síp

Thương chụp ảnh cùng Tổng thống CH Síp

Không dừng lại ở đó, thu hoạch “nho nhỏ” của cô nữ sinh Báo chí còn là cuộc gặp mặt trực tiếp với Tổng thống CH Síp, Thương kể lại: “Đó là một cuộc gặp rất đặc biệt, mình đã mặc chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam và được chia sẻ rất nhiều điều thú vị trong cuộc nói chuyện với Tổng thống. Đặc biệt, mình rất ấn tượng khi ông nói rằng: “Việt Nam – đất nước rất nổi tiếng đã đánh bại nước Mỹ trong cuộc chiến tranh nhiều năm trước”.

Thương cho biết trong tương lai cô sẽ: “Tiếp tục theo đuổi công việc truyền thông và kết hợp với việc làm tình nguyện, làm các công tác xã hội. Mình rất muốn được kết hợp hai công việc đó lại với nhau vì một bên làm đam mê còn một bên là niềm yêu thích của mình; cả hai sẽ bổ trợ cho nhau để mình có thể làm tốt”.

Một con đường rất dài đang mở ra trước mắt với cô nữ sinh năng động của trường Báo chí. Với những kinh nghiệm đã tích lũy được sau mỗi chuyến đi, mỗi hoạt động cùng với niềm đam mê truyền thông, chúc cho Huyền Thương sẽ sớm thực hiện được ước mơ của mình và tiếp tục “đưa” Việt Nam đến nhiều hơn với bạn bè thế giới.

Hồng Minh