Nữ sinh Thủ đô mở lớp miễn phí về phòng chống xâm hại tình dục
(Dân trí) - Hiện nay lớp học phòng chống xâm hại tình dục trẻ em của nữ sinh Trương Minh Huyền có hàng trăm học sinh. Tại đây, các em được dạy những kỹ năng để nhận biết sự riêng tư của thân thể, cách phòng chống kẻ gian, tìm kiếm sự giúp đỡ trong các tình huống khẩn cấp...
Trương Thị Minh Huyền (sinh ngày 12/06/1996), đang là sinh viên năm 3 ngành Công tác xã hội – Khoa Tâm lý – Giáo dục Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Huyền cũng là Uỷ viên Ban chấp hành Đoàn thanh niên trường Đại học Thủ đô Hà Nội, nguyên Bí thư LCĐ Tâm lý – Chính trị, Bí thư Chi đoàn Công tác xã hội – K4. Cô được nhận bằng khen Sinh viên 5 tốt của Hội Sinh viên Việt Nam và danh hiệu Bí thư Chi đoàn giỏi Thủ Đô năm 2017.
Học ngành Tâm lý mới biết từng bị “khủng hoảng tuổi vị thành niên”
Minh Huyền sinh ra trong một gia đình truyền thống, có một người anh trai. Bố của em là một chiến sĩ công an hình sự đã về hưu. Huyền cho rằng, tính cách của em chịu ảnh hưởng nhiều từ bố. Hai bố con Huyền rất hợp nhau.
Cô nói: “Bố là người đi trước, có nhiều kinh nghiệm, va vấp trong cuộc sống xã hội, vì thế có nhiều chuyện, bố chia sẻ, tâm sự và giúp mình hiểu rõ hơn về những lĩnh vực mình chưa biết. Gia đình cũng là lẽ sống của mình, mọi sự cố gắng, nỗ lực dĩ nhiên một phần là vì chính bản thân mình, và về cơ bản là vì bố mẹ. Vì trước khi bước vào ngưỡng cửa học cao đẳng, cuộc sống của em rất khác. Em sống có lý tưởng hơn, có ý nghĩa hơn từ khi em học lên”.
Hồi học cấp 3, Huyền từng không thích đi học, cảm thấy chán ghét việc suốt ngày bị mọi người xung quanh nhắc đến việc học. “Ngày mình thi đại học, mình đã biết chắc chắn mình sẽ trượt đại học, và mình đã trượt thật.
Thực ra, mình biết mình đã sai lầm từ khoảng nửa năm cuối lớp 12, nhưng đã lỡ không học rồi, nên mình quyết định cứ kệ, đến đâu thì đến. Hồi ấy bố mẹ khổ sở vì mình lắm. Rồi ngày mình biết điểm thi đại học, mình quyết định sẽ bỏ hết tất cả sách vở, cũ mới cũng bỏ hết. Sau đó mình đi mua sách vở mới, bắt học đúng nghĩa với từ “học””.
Đó là thời điểm có ý nghĩa thay đổi cuộc đời Huyền và cũng mang lại niềm vui cho cha mẹ của bạn. Huyền nói với bố mẹ rằng: “Năm sau con sẽ đỗ đại học”. Thế nhưng, đúng thời điểm đó, Huyền biết bản thân được 19 điểm thi cao đẳng. Vậy là cô quyết định vào học ngành Công tác xã hội trong Khoa Tâm lý – Giáo dục trường Cao đẳng Sư Phạm Hà Nội (bây giờ là Đại học Thủ đô Hà Nội).
“Khi ấy mình nghĩ chỉ đơn giản là cũng đi học cho đỡ phí điểm thôi, rồi nếu thấy không ổn, mình sẽ thi lại. Bố cũng đồng ý với mình. Nhưng rồi ngày đầu tiên đi học, mọi thứ trong cuộc sống của mình có lẽ đã bước sang một con đường mới, hoàn toàn mới.
Gọi nôm na, nó giống như là “Nếu bạn cứ đánh giá trí thông minh của một con cá thông qua việc nó leo cây, thì suốt đời nó sẽ sống trong mặc cảm về sự ngu dốt”. Mình như được “thả” vào đúng vùng đất để mình sống.”, Huyền hào hứng kể.
Cô lại nói thêm: “Cả năm lớp 12, mình viết không hết mực 2 cái bút, còn lên Cao đẳng, một kỳ học mình viết hết một hộp bút mới. Sách vở ngày xưa luôn được giữ như mới, thì bây giờ sách cũ đi ngần ấy. Vì ngày xưa có học đâu, bây giờ thì học rồi. Đến trường, đến lớp với em lúc này là niềm vui, là cuộc sống tươi đẹp nhất.
Mình được đứng trước tất cả mọi người để nói những gì em nghĩ, nói về quan điểm cuộc sống, nói về những vấn đề của xã hội, để một ngày nào đó, với tư cách là một nhân viên công tác xã hội, mình có thể bảo vệ được những người yếu thế trong xã hội.
Mỗi giờ lên lớp, mình lại học tập được rất nhiều điều mà các thầy cô dạy bảo, trường học cho mình cảm giác thật sự đây là ngôi nhà thứ hai. Cũng từ lúc đi học, mình mới biết quãng thời gian cấp 3 đã trải qua gọi là “khủng hoảng tuổi vị thành niên”. Và thật may mắn vì mình đã bước qua được giai đoạn khủng hoảng ấy”.
Bên cạnh đó, Huyền cảm thấy may mắn vì gặp được những người bạn tốt ở giảng đường. Huyền sống tích cực và mở lòng hơn. Vì thế sau 3 tháng học với kỳ đại hội chi đoàn đầu tiên, cô được bầu làm Bí thư Chi đoàn. 1 năm học sau, Huyền tiếp tục được “thăng chức” với vai trò Bí thư Liên Chi đoàn và được giới thiệu vào BCH Đoàn trường.
Ý tưởng mở lớp dạy Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em
Ngành công tác xã hội mà Huyền theo học hướng đến rất nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội. Mà theo quan điểm của cô thì trong xã hội ai cũng là đối tượng yếu thế, không phải cứ người nghèo mới là yếu thế, người giàu có khá giả cũng cũng có điểm yếu. Đặc biệt, Huyền có nguồn cảm hứng bất tận với đối tượng là trẻ em.
Huyền giải thích: “Mình chưa lấy chồng nên chưa có con, nhưng mình có ít nhất 5 đứa cháu và trong đó có 3 cháu gái. Mình yêu trẻ em”.
Huyền nhận thấy việc dạy kỹ năng phòng chống xâm hại cho trẻ em là một trong những điều trẻ em cần nhất. Cô nói: “Gần đây, vấn đề xâm hại trẻ em gây ra nhiều nhức nhối, bức xúc và đau đớn cho xã hội với hàng loạt vụ việc được đưa ra ánh sáng. Và đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hậu quả nặng nề của nó có lẽ mình không nhắc tới nữa, vì chúng ta ai cũng biết.
Nguyên nhân cũng vậy, có rất nhiều nguyên nhân, và một nguyên nhân duy nhất – đó cũng là nguyên nhân mà mình có thể giải quyết được với trí tuệ và trái tim của mình: đó là dạy kỹ năng phòng chống xâm hại cho trẻ em. Quãng thời gian này cũng là quãng thời gian mình đang đi thực tập 3 chuyên ngành về Công tác xã hội nhóm và Phát triển cộng đồng.
Thời điểm khi các vụ án nhức nhối ấy được phát hiện, mình đã trao đổi và chia sẻ với một người bác làm trong ngành công an để hỏi ý kiến và xin lời khuyên của bác, bác cũng ủng hộ, cho mình lời khuyên và nói việc dạy trẻ như vậy là rất tốt, cần nhân rộng mô hình hơn nữa nếu em có khả năng.
Sau đó, mình đề xuất hoạt động tại cơ sở phường nơi mình thực tập và nhanh chóng được đồng ý. Và mình bắt đầu mở lớp dạy phòng chống xâm hại cho gần 300 học sinh khối 6 tại trường THCS Giáp Bát từ đó”.
Minh Huyền phân tích rằng lớp dạy kỹ năng phòng chống xâm hại khác với việc dạy giáo dục giới tính. Nội dung bài dạy được Huyền tự tay soạn từ nhiều nguồn tài liệu. Cô dạy trẻ em những điều đơn giản nhất vì trẻ chưa có khả năng tiếp thu và nhớ được những điều phức tạp. Huyền cố gắng bắt đầu bài giảng một cách khéo léo, hết sức tránh trường hợp “vẽ đường cho hươu chạy”. Với tùy từng lứa tuổi, nội dung bài dạy và các hoạt động phải khác nhau sao cho phù hợp.
“Ví dụ trẻ khi lên 3 tuổi chúng ta đã có thể dạy trẻ về việc cấm không cho ai động chạm vào vùng kín. Đối với trẻ em cấp 1, thì có thể dạy các em sâu hơn về các báo động ví dụ như 5 báo động chống xâm hại: báo động nói, nhìn, chạm, ôm và báo động 1 mình. Đối với trẻ em cấp 2, lớp 6 - 7 chẳng hạn, thì cũng vẫn những báo động ấy, nhưng có thể dạy sâu hơn nữa, vì nhận thức của các em lúc này đã tốt hơn rất nhiều”, Huyền cho biết.
Tuy nhiên, với tất cả trẻ em đều được dạy chung là các em tuyệt đối không ở một mình, không mở cửa cho người lạ, không nhận quà từ người lạ khi không có sự đồng ý của bố mẹ, không đi chơi một mình, kể cả ở trường học, không đi vệ sinh một mình, tóm lại là không một mình.
Ở độ tuổi khủng hoảng vị thành niên, các em cảm thấy mình đã lớn và những nhắc nhở của bố mẹ là thừa, hay thậm chí có nhiều bạn khi bị bố mẹ mắng, các em thậm chí buồn chán, tức giận bỏ ra ngoài đi lang thang 1 mình. Đó là những miếng mồi béo bở cho những kẻ xấu.
Có nhiều hơn 1 trường hợp về việc cãi nhau với bố mẹ, bỏ ra ngoài một mình, bị người lạ dụ dỗ và bị cưỡng hiếp. Đây là bài học cảnh tỉnh chung cho người lớn. Và khi các em nhận thấy không thoải mái, sợ hãi vì bất kỳ hành động của ai, các em biết lên tiếng với những người đáng tin cậy: Đó là bố mẹ, ông bà hoặc người thân cận.
Trong trường hợp không thể nói với người thân, các em có thể tìm cách gọi tới đường dây nóng của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em là số 18001567. Điều này, người lớn cũng cần lưu ý, bởi vì việc nói ra với các em cũng không phải điều dễ dàng, một phần vì sự đe dọa của kẻ xâm hại, một phần vì trong cuộc sống hằng ngày.
“Nhiều em cũng gặp khó khăn trong việc giao tiếp chia sẻ với chính bố mẹ, không dám nói với bố mẹ nên cũng rất khó khăn. Khi gặp vấn đề, đừng đòi hỏi hay hét lên rằng “Tại sao con không nói?”, mà thay vào đó hãy đặt câu hỏi “Điều gì khiến con không dám nói?”.
Cảm xúc của trẻ em là rất rõ ràng và chúng ta không nên xem nhẹ điều đó. Trẻ rất rõ ràng trong việc quý ai, không thích ai, thích hay không thích làm gì. Vì thế, hãy chỉ quan tâm về việc tạo cơ hội cho trẻ nói hay thì bắt trẻ phải nói”, Huyền chia sẻ.
Bên cạnh đó, có thể dạy cho các em biết một số điều bất di bất dịch, đó là thân thể con là của con và không phải là của một ai khác, dạy trẻ về quyền của trẻ em…
Sau khi tổ chức buổi dạy, Minh Huyền còn quay lại vài clip đăng lên trang mạng xã hội cá nhân để giúp cho nhiều người có thêm kiến thức phòng chống xâm hại trẻ em. Điều này đã giúp ích cho nhiều phụ huynh có con nhỏ. Thêm vào đó, Huyền cũng không ngại trả lời những thắc mắc của mọi người liên quan đến vấn đề này.
Qua lớp học này, Huyền mon muốn rằng: “Mình mong muốn đóng góp một chút công sức nho nhỏ của mình để bảo vệ trẻ. Vì trẻ em là tương lai của đất nước, trẻ có điều kiện phát triển tốt, thì sau này xã hội sẽ tốt đẹp, mà xã hội tốt đẹp, thì trẻ em trong xã hội ấy lại được bảo vệ để phát triển tốt đẹp, đó là một vòng tròn đẹp đẽ lặp lại và Việt Nam khi ấy sẽ càng phát triển mạnh hơn nữa. Chỉ cần nghĩ đến điều ấy thôi cũng làm mình cảm thấy hạnh phúc”.
Huyền cũng muốn sau khi ra trường có điều kiện để được nghiên cứu sâu hơn, được chia sẻ nhiều hơn để ngày càng chuyên nghiệp hơn, vì cô cho rằng mô hình hiện tại vẫn còn nhiều khiếm khuyết nên cần được nhiều góp ý để không chỉ ý nghĩa mà còn thiết thực, phù hợp và có hiệu quả.
Mai Châm
Ảnh: NVCC