Nữ sinh nhà ba đời sư phạm "quay xe" phút chót vì… dỗi
(Dân trí) - Lớn lên trong gia đình truyền thống sư phạm, học chuyên Anh nhiều năm, được định hướng thành giáo viên ngoại ngữ nhưng Phạm Thùy Dương "bẻ lái" sang ngành Kế toán - Kiểm toán của ĐH Ngoại thương.
Phạm Thùy Dương là cựu học sinh K50 trường THPT Chuyên Ngoại ngữ trực thuộc trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên ngành Tiếng Anh. Hiện nữ sinh là tân sinh viên khóa 60 của trường Đại học Ngoại thương, khoa Kế toán - Kiểm toán theo định hướng ACCA.
"Quay xe" vào Ngoại thương vì… dỗi
Mối duyên đến với ngôi trường danh giá của Thùy Dương khá tình cờ, khi cô vốn ấp ủ ước mơ trở thành một nhà giáo để nối nghiệp gia đình. "Phiếu điền nguyện vọng Đại học của em cũng đặt nguyện vọng 1 là sư phạm. Em chỉ nộp vào ngành Ngôn ngữ Anh - ĐH Ngoại thương như một lựa chọn dự phòng để trở thành giáo viên.
Tuy nhiên, hồ sơ của em lại không hợp lệ, phải điền lại từ đầu. Em hơi "dỗi" và nản, có linh cảm không tốt. Đúng lúc này, em được một người quen của gia đình tư vấn vào Ngoại thương nên nghe theo luôn. Gia đình và mọi người xung quanh đều thấy em có chút vội vàng, thiếu kiên định khi thay đổi nguyện vọng nhanh như thế. Nhưng em tin rằng, sự "quay xe" phút chót của mình là chính xác, giống như một cái duyên tình cờ nhưng hứa hẹn một thế giới mới mở ra trước mắt vậy" - Thùy Dương cho biết.
Tuy xác định tập trung cho việc học, cân bằng giữa các môn học và cải thiện điểm số để có học bạ đẹp, nhiều cơ hội nhưng nữ sinh không phải một người "mọt sách".
Những hoạt động của Thùy Dương:
Thành viên CLB CNNShine - CLB hoạt động xã hội của THPT Chuyên ngoại ngữ.
Thành viên Ban Nội dung trong chương trình âm nhạc Chrono, ủng hộ lợi nhuận cho Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung Ương.
Tham gia vào chương trình Ten Plus của THPT Chuyên Ngữ năm 2019 - vai trò Trưởng nhóm định hướng.
Người mẫu của CLB Lamode của trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, tham gia vào Showcase Mộng Liên Thời.
Những trải nghiệm trong việc hoạt động ngoại khóa như vậy giúp Thùy Dương tích lũy được kha khá kiến thức, kinh nghiệm như được học hỏi trong môi trường chuyên nghiệp, năng động, hài hước, trẻ trung, tài năng. Bên cạnh đó, nữ sinh có cơ hội phát triển được kĩ năng làm việc nhóm nhiều hơn, cách làm một leader, nhận được sự tín nhiệm, sự chuyên nghiệp và nghiêm túc khi hoàn thành công việc.
Tin vào "luật hấp dẫn"
Hiện tại, Thùy Dương mới bước vào năm học đầu tiên ở cấp Đại học, lại phải học online chứ chưa thực sự tận hưởng cuộc sống sinh viên nên cô chưa có dự định cụ thể về ngành nghề trong tương lai. Mục tiêu của nữ sinh là cố gắng đạt thành tích tốt với chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán mà mình đã chọn, theo kịp lực học của các bạn đồng môn và không gặp quá nhiều áp lực học tập.
Nguồn cảm hứng trong cuộc sống của nữ sinh 2003 đến từ gia đình, thầy cô và bạn bè. Thùy Dương bộc bạch: "Bố mẹ em là thế hệ phụ huynh cũ kiểu mẫu, thường so sánh em với "các con nhà người ta", nhưng em biết là bố mẹ rất thương và ủng hộ tất cả các quyết định của em. Nếu bị mắng "căng thẳng" quá, anh trai em sẽ trở thành cảm hứng tiếp theo.
Em cũng may mắn có các cô chủ nhiệm ở lớp cấp 3 rất xì-tin, suy nghĩ và cách làm việc rất hợp phong cách lũ học trò chúng em, thân thiết, gần gũi. Một cô dạy tiếng Anh, là người đã tạo động lực, khuyến khích em rất nhiều trong học tập để đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc - điều mà từ trước em chưa bao giờ dám nghĩ tới. Cô chủ nhiệm thứ 2 của em lại là người tận tâm, không để bất kì một học sinh nào bị bỏ lại phía sau".
Ngoài những tấm gương quanh mình, Thùy Dương cũng thường tìm ý tưởng, động lực mới qua việc tận hưởng không gian, đồ uống tại quán café yêu thích, tái tạo năng lượng và tinh thần qua việc quan sát dòng chảy của cuộc sống.
Hiện nay, dịch bệnh căng thẳng khiến cho cuộc sống của không chỉ các sinh viên mà toàn xã hội đã thay đổi. Trước đây, nữ sinh thường xuyên phải dậy sớm để đi học, gặp gỡ bạn bè và khám phá. Nhưng dịch bệnh bùng ra khiến cô phải hoãn nhiều kế hoạch, dự định sau khi hoàn thành kì thi tốt nghiệp THPT như đi du lịch, học những điều mới, tìm một công việc part-time,…
Đối với Dương, đợt nghỉ dịch này có thể là cơ hội tốt hơn để nói chuyện nhiều hơn với bố mẹ sau khoảng thời gian dài căng thẳng vì học tập, tự học thêm một ngôn ngữ mới, cũng như thả mình vào những thú vui như ngủ nướng, cày phim, thử nghiệm làm những món ăn mới mùa dịch như tokbokki từ cơm nguội hay dalgona coffee.
"Mỗi chúng ta cần tuân theo đúng quy định của nhà nước đề ra để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là những người trẻ như chúng em, mỗi người đều nên tạo ra những ảnh hưởng tích cực trên mạng xã hội để chúng ta sớm có thể quay trở về cuộc sống bình thường.
Có một câu nói trong cuốn "Nhà giả kim", rằng: "Nếu bạn thật sự khao khát, mong muốn điều gì đó, thì cả vũ trụ sẽ hợp lực lại để giúp bạn đạt được điều đó". Em rất tin vào luật hấp dẫn, đó chính là kim chỉ nam giúp em vượt qua khá nhiều kì thi, thử thách và deadline, và bây giờ cũng giống như "thần chú" tinh thần trong giai đoạn giãn cách xã hội. Em mong là dịch bệnh sẽ sớm kết thúc để em có thể gặp các bạn mới sớm hơn, bắt đầu cuộc sống đại học một cách thực thụ và nền kinh tế đất nước được phục hồi" - Thùy Dương chia sẻ.
Cựu nữ sinh chuyên Ngữ cũng hài hước cho biết việc đầu tiên cô làm sau khi hết giãn cách đó là... đi ăn một bát bún riêu thật to để thỏa nỗi nhớ nhung. Sau đó, có thể là du lịch cùng gia đình, bạn thân, học thêm một lĩnh vực mới như ngôn ngữ hoặc lái xe. Quan trọng nhất, cô mong có thể sớm trở lại trường với tư cách là một tân sinh viên và gặp gỡ các thầy cô, các anh chị và các bạn ở ngôi trường giàu truyền thống ĐH Ngoại thương.