Nữ sinh Ngoại thương và bí quyết học giỏi cả tiếng Anh, tiếng Pháp

Đinh Phương Nhung

(Dân trí) - Nữ sinh Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ hành trình chinh phục hai ngoại ngữ Anh - Pháp và bí quyết biến ngoại ngữ trở thành một phần trong cuộc sống của mình.

Nguyễn Minh Hạnh là sinh viên năm thứ 4 của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Dù đã sở hữu cho mình nhiều thành tích "khủng" như đạt IELTS 7.5, giành Huy chương Đồng cấp Quốc gia kỳ thi Olympic Tiếng Anh trên Internet và hai giải ba môn Tiếng Anh cấp Thành phố Hà Nội, Hạnh vẫn lựa chọn thử thách mình bằng việc chinh phục tiếng Pháp và đạt được thành tích B1 theo bài test đầu ra tại trung tâm đang theo học.

Nữ sinh Ngoại thương và bí quyết học giỏi cả tiếng Anh, tiếng Pháp - 1
Nắm vững nhiều ngoại ngữ đem đến cho Hạnh nhiều cơ hội (Ảnh: NVCC)

Hạnh chia sẻ, việc nắm vững hai ngoại ngữ đem lại cho bạn nhiều cơ hội và sự tự tin trong cuộc sống nói chung và công việc nói riêng.

"Việc càng biết nhiều ngoại ngữ lại càng đem lại nhiều lợi thế cho mình. Nó giúp mình trở nên tự tin hơn khi đi nước ngoài và có thêm được nhiều lợi thế trong việc tìm kiếm một việc làm ở những công ty yêu cầu ngoại ngữ nhiều", cô cho biết.

Khi nào là thời điểm thích hợp để học ngoại ngữ thứ 2?

Dựa trên kinh nghiệm gần 15 năm học ngoại ngữ của mình, Hạnh đưa ra ba tiêu chí để tìm ra "thời cơ" thích hợp: "Thứ nhất là nên bắt đầu khi mình có đủ thời gian dành cho việc học ngoại ngữ.

Học ngôn ngữ đòi hỏi phải đầu tư thời gian cho nó rất nhiều nên không thể học nửa vời theo kiểu "buổi đực buổi cái" được. Ít nhất, vào khoảng thời gian đầu mới làm quen với ngôn ngữ mới, chúng ta nên dành nhiều thời gian cho nó để vượt qua sự bỡ ngỡ ban đầu.

Mình bắt đầu học ngoại ngữ tiếng Pháp là vào mùa hè, thời điểm mình đang có rất nhiều thời gian để học. Vậy nên, khi mình đã bước vào năm học và bắt đầu đi làm thì việc dành ít thời gian hơn cho tiếng Pháp cũng là một trở ngại của mình.

Thứ hai, mình luôn đặt mục tiêu thật rõ ràng và phù hợp trước khi bắt đầu. Cá nhân mình có ý định đi du học Châu Âu và mình biết tiếng Pháp rất phổ biến ở đó.

Đồng thời, tiếng Pháp có cùng hệ chữ với tiếng Anh nên sẽ dễ dàng hơn để tiếp cận. Bên cạnh đó, mình cũng cảm thấy tiếng Pháp rất trữ tình và lãng mạn nữa.

Điều cuối cùng, mình cho rằng việc học ngoại ngữ nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Mình bắt đầu học thêm tiếng Pháp vào năm thứ 2 Đại học và cá nhân mình  thấy như thế là hơi muộn".

Nữ sinh Ngoại thương và bí quyết học giỏi cả tiếng Anh, tiếng Pháp - 2
Hạnh luôn đặt rõ mục tiêu cho mình khi bắt tay vào học ngôn ngữ mới (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ thêm về thời điểm thích hợp để học thêm một ngoại ngữ mới, Hạnh cho rằng nên học vững ngoại ngữ thứ nhất ở một mức độ nhất định rồi mới nên bước sang ngoại ngữ thứ 2: "Vững ở một mức độ nhất định nghĩa là bạn không cần phải quá giỏi ngoại ngữ đầu tiên nhưng ít nhất bạn cũng đã nắm được những cái cơ bản của nó.

Điều này sẽ giúp bạn khi bắt đầu với ngoại ngữ thứ 2 sẽ không bị nhầm lẫn hay rối loạn. Bản thân việc làm quen với một ngôn ngữ mới đã rất khó khăn rồi".

Đứng trước câu hỏi "Có nên học cùng một lúc 2 hay nhiều ngoại ngữ không?", Hạnh trả lời: "Có thể, nếu bạn không phải làm việc gì khác ngoài việc học ngoại ngữ.

Nếu bạn còn phải tham gia những hoạt động khác trong cuộc sống thì chỉ nên lựa chọn theo đuổi một ngoại ngữ thôi, nếu không thì sẽ rất dễ nản và vất vì học ngoại ngữ vốn là một điều rất khó khăn".

Biến việc sử dụng ngoại ngữ trở thành một phần của cuộc sống

Nắm vững hai ngoại ngữ trong tay nhưng Minh Hạnh không vì học ngoại ngữ này mà quên ngoại ngữ kia: "Mình đã học tiếng Anh từ rất lâu rồi nên nó đã ngấm vào tư duy của mình. Có thể trong đời sống có những lúc mình quên tiếng Anh nhưng không phải do có sự "chen ngang" của tiếng Pháp".

Nữ sinh Ngoại thương và bí quyết học giỏi cả tiếng Anh, tiếng Pháp - 3
Hạnh tự tin vào khả năng cân bằng ngôn ngữ của mình (Ảnh: NVCC)

Để đạt được đến trình độ đó, Hạnh luôn biến ngoại ngữ thành một phần trong hoạt động sống thường ngày của mình: "Từ việc học tập, làm việc đến giải trí mình đều sử dụng tiếng Anh. Ngoài học tiếng Pháp, mình cũng có đi dạy IELTS và dạy tiếng Anh.

Thêm vào đó, trong quá trình học tập trên trường và đi làm mình cũng thường xuyên sử dụng tiếng Anh rất nhiều nên nó giống như một phần trong cuộc sống thường nhật của mình vậy. Đó giống như một hình thức luyện tập ngoại ngữ mà không nhất thiết phải ngồi vào bàn học và làm bài tập".

Tuy cảm thấy thiếu thời gian cho việc học tiếng Pháp là một trở ngại nhưng Hạnh không cảm thấy quá khó khăn trong việc phân bổ thời gian giữa các công việc khác nhau: "Mình đã cố định thời gian biểu cho từng đầu mục công việc và luôn cố gắng biến ngoại ngữ trở thành một phần trong thời gian biểu của bản thân.

Việc "ham" nhiều thứ cùng một lúc sẽ dễ dẫn đến tình trạng quá tải nhưng quan trọng là bản thân biết thích nghi và cân đối sự ưu tiên cho từng đầu việc.

Đồng thời, mình cũng đặt thời gian biểu nhất định. Mỗi ngày cố gắng dành 10 - 20 phút để luyện tiếng Pháp trên các ứng dụng trên điện thoại hoặc nghe tiếng Pháp thụ động để làm quen".