Nữ sinh miền Tây phải lòng môn nghệ thuật "báu vật đất phương Nam"
(Dân trí) - Mai Thị Tú Hảo - sinh viên giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu năm 2022 là một trong số ít Gen Z theo đuổi đờn ca tài tử, loại hình nghệ thuật được coi là "báu vật đất phương Nam".
Mai Thị Tú Hảo vừa vinh dự được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tuyên dương là 1 trong 100 học sinh, sinh viên GDNN tiêu biểu năm 2022.
Từ tiếng đàn của ông nội
Hồi nhỏ, Mai Thị Tú Hảo ở với ông nội. Hoạt động giải trí duy nhất của hai ông cháu là đàn và hát. Tuổi thơ của cô chìm trong tiếng đàn, lời ca của nội.
Đó là năm Hảo lên 7 tuổi, một hôm khi ông đang đàn thì bỗng dưng cô bé cất lời ca. Một bài đờn ca tài tử rất dài mà được nghe ông hát mỗi ngày, Hảo thuộc từ lúc nào không hay, lại hát đúng trường canh (nhịp). Từ đó, Hảo bắt đầu say mê loại hình nghệ thuật này, dù chưa biết chữ.
Tháng 8 vừa qua, Tú Hảo đã tốt nghiệp lớp Diễn viên Sân khấu Kịch hát - Khoa Sân khấu, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, nhận bằng Giỏi. Sau 15 năm từ ngày biết hát, Tú Hảo đã diễn và hát khắp các sân khấu trong Nam, ngoài Bắc. Đặc biệt, cô còn là chủ nhân của tấm Huy chương Vàng (HCV) Festival Đờn ca tài tử cấp Quốc gia năm 2022.
Tú Hảo quê ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Cô gái sinh năm 2000 cho biết, ở quê ai cũng biết hát, dùng đờn ca tài tử và cải lương để sinh hoạt vào cuối tuần. Tuy nhiên, ngoài Tú hảo, lớp trẻ quê hương không để tâm đến các loại hình nghệ thuật này.
Ông nội của Hảo là một nhạc công, Ngày nào, ông cũng tập đàn, nghe các nghệ sĩ Cải lương hát. Thấy Hảo còn nhỏ đã biết vào đúng nhịp điệu, ông quyết định dạy cháu hát và đưa đi tham gia sinh hoạt đờn ca tại các câu lạc bộ trong xã, huyện rồi tỉnh.
"Hai ông cháu ở nhà không biết làm gì ngoài đờn và hát. Đờn ca tài tử và cải lương như sợi dây kết nối giữa em và nội. Hồi đó, mọi người thường tập trung tại nhà nội để uống trà, thách đố nhau ca hát. Em cũng bắt chước hát theo, học từ bài nhỏ đến bài lớn. Cô chú khen em hát hay nên em càng khoái học", Hảo nói.
Ngày còn nhỏ, khi đang chơi với bạn bè trong xóm mà nghe thấy tiếng đàn của nội là Hảo lập tức chạy về hát. Cô bé rủ bạn bè hát cùng nhưng các bạn đều lắc đầu, đa phần không thích nghe.
"Dù các bạn không ủng hộ nhưng em không lạc lõng. Cả nhà em không ai theo nghiệp của nội, biết em thích ca hát như vậy, ba mẹ rất ủng hộ. Lúc đó em đã nghĩ, lớn lên, em sẽ theo nghệ thuật", Hảo cho biết.
Năm 11 tuổi, Tú Hảo đã giành giải Nhất cuộc thi Đờn ca tài tử 6 tỉnh thành khu vực phía Nam. Sau cuộc thi, cô bé đã được Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Vĩnh Long nhận làm cộng tác viên, đưa đi giao lưu khắp các tỉnh.
Bỏ ước mơ trên bục giảng để theo sân khấu
Tốt nghiệp THPT, Tú Hảo quyết định chọn ngành Sư phạm Âm nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. Mục tiêu của cô khi ấy không phải dạy ở một trường đại học, cao đẳng danh giá mà là về địa phương dạy. Hảo muốn truyền tình yêu âm nhạc đến các em nhỏ ở quê vốn ít được tiếp xúc với âm nhạc dân tộc.
Tuy nhiên, Tú Hảo vừa học sư phạm vừa nhớ cảm giác đứng trên sân khấu. "Em thấy mình không thoát khỏi con đường làm diễn viên cải lương, đờn ca tài tử", Hảo nói.
Kết thúc năm nhất, nữ sinh nghe tin nhà trường mới mở chuyên ngành Diễn viên Sân khấu Kịch hát. Sau vài đêm suy nghĩ, cô quyết định "rẽ" sang ngành này. Cô không bảo lưu mà bỏ hẳn ngành Sư phạm Âm nhạc.
"Trước đó em chỉ hát theo bản năng, truyền miệng chứ chưa được học bài bản, chuyên nghiệp. Nếu học đại học ngay, em sợ sẽ bị ngợp. Vì vậy, em xác định học cao đẳng trước để cứng nghề, rồi học đại học sau vẫn kịp", Hảo cho biết.
Hảo "rẽ" từ bục giảng sang sân khấu với vốn kiến thức ca hát từ nhỏ, cô chỉ cần học sâu hơn về bản chất của từng thể loại. Ngoài ra, nữ sinh phải học kỹ thuật biểu diễn và vũ đạo, đây là hai môn hoàn toàn mới mẻ với cô. Hảo học thêm bằng cách tham gia các câu lạc bộ sân khấu, đờn ca tài tử, kịch ngắn, các cuộc thi... Qua đó, nữ sinh học từ những người đạo diễn sân khấu.
Điểm mạnh của Hảo là khả năng ghi nhớ và vững trường canh. "Em may mắn được nội chỉ dạy nên rất chắc nhịp, cùng lắm là em hát dở chứ không bao giờ sai nhịp", Hảo nói.
Sang năm 2 cao đẳng, Tú Hảo đã được làm diễn viên chính thức tại Trung tâm VHNT tỉnh Vĩnh Long. Từ đó, nữ sinh thường xuyên di chuyển giữa Cần Thơ và Vĩnh Long để vừa học vừa đi diễn.
Tú Hảo không bỏ lỡ cơ hội biểu diễn nào. Cô cộng tác với các trung tâm văn hóa, những đoàn cải lương, dạy các em nhỏ hát dân ca, hát tại các điểm du lịch để lan tỏa đờn ca tài tử. Loại hình nghệ thuật này chủ yếu biểu diễn lưu động. Sân khấu đơn giản, có khi là xe tải dựng lên tại các địa điểm như bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Giăng, thậm chí Hảo trải chiếu hát.
"Mọi người nghe tên Cải lương hay đờn ca tài tử thì có vẻ nhàm chán, nhưng khi được xem tận mắt một buổi biểu diễn thì lại rất thích thú. Đặc biệt là người nước ngoài, họ chăm chú nghe, lấy máy ra quay phim rồi vỗ tay. Có khi em hát giữa trời mưa mà khán giả vẫn đứng xem, nhiều người nép vào hiên và trông ra", Hảo nói.
Đôi khi do mất tập trung, Hảo hát sai lời. Bằng kinh nghiệm đi hát nhiều năm, cô có thể ứng biến chế lời ngay trên sân khấu mà khán giả, thậm chí đạo diễn cũng không nhận ra điểm sai.
Ngoài ra, nữ sinh còn được nhà trường kết nối biểu diễn tại các hội nghị, hội diễn. Tháng 4/2022, tại Festival Đờn ca tài tử cấp Quốc gia, Tú Hảo giành HCV đầu tiên trong sự nghiệp. Đó là kết quả của nhiều ngày tháng tập luyện. Có thời gian, suốt 2 tuần liên tục, ngày nào sau giờ học ở trường, nữ sinh cũng từ Cần Thơ về Vĩnh Long để tập hát, ghép chương trình tại Trung tâm VHNT.
Ngày Hảo đứng trên sân khấu thi tốt nghiệp, cô bất ngờ khi nhìn xuống thấy ông nội ngồi ở dưới. Ông xem cháu gái diễn một vở cải lương, rồi bật khóc. Trước ngày thi, ông bị bệnh nên Hảo không nghĩ ông sẽ tới.
Hôm đó, Hảo diễn vai bé Ba, một nhân vật khùng trong vở Đời như ý. "Em bất giác nhìn xuống và thấy nội khóc quá trời. Nhưng em đang phải nhập vai nên đã cố kìm nén cảm xúc. Em chỉ nghĩ mình phải thi thật tốt để nội thấy em đang tiếp bước ông", Hảo tâm sự.
Những thành tích nổi bật của Tú Hảo:
- HCV Festival Đờn ca tài tử cấp Quốc gia năm 2022 do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL tổ chức.
- Giải Nhất tiết mục tại Liên hoan Văn nghệ quần chúng "60 năm sáng mãi trang sử vàng" lực lượng Cảnh sát nhân dân năm 2022.
- Giải Nhất tại Hội thi Tuyên truyền giới thiệu sách do BCH Đoàn TNCSHCM Khối Cơ quan dân chính Đảng TP Cần Thơ tổ chức.
- Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cấp Thành phố năm 2021.
- HCV Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử.