Nữ sinh “khóc thét” vì bị quấy rối trên xe buýt
Chiếc xe buýt đang rầm rập chạy trên đường chuẩn bị về bến, bỗng trên xe, một thiếu nữ bỗng kêu thét lên vì bị quấy rối. Đối với nhiều nữ sinh Hà Nội, phải đi xe buýt vào những giờ cao điểm tan trường đang là cả một nỗi kinh hoàng.
5h chiều, tại một bến xe buýt trên đường Giải Phóng (Hà Nội), mặc cho hàng trăm phương tiện đang chen chúc nhau trên mặt đường ngược xuôi, hàng chục nam sinh, nữ sinh ĐH Bách Khoa vẫn đứng kín trên đường dài cổ chờ xe buýt. Lượng người đứng chờ mỗi lúc một đông.
Đứng chờ tại điểm này, PV chứng kiến mỗi lượt xe buýt chuẩn bị về bến, hàng chục người chạy theo ra sức chen nhau để kiếm một chỗ trên xe. Vừa chạy khỏi bến 2 phút, đang trên cầu vượt Giải Phóng, nhiều người đi trên chiếc xe buýt tuyến 03 giật thót mình trước tiếng ré của một cô gái.
“Chắc là lại bị mấy thằng đểu quấy rối đấy!”, Thanh, nữ sinh ĐH Bách Khoa ngồi cạnh chúng tôi cho biết. Theo Thanh, vào các giờ cao điểm, các nữ sinh đi buýt rất hay bị những người khác giới “quấy rối tình dục”.
Theo nữ sinh viên năm thứ 3 này, thường thì vào các giờ cao điểm, tuyến xe buýt nào cũng chật cứng. Lợi dụng tình cảnh này, những người đàn ông có “máu dê”, thậm chí có cả một số nam sinh đã xán đến chỗ có những nữ sinh đứng để “sờ mó”, quấy rối tình dục.
“Xe cả trăm người đứng như “thích cánh” vào nhau, nhiều lúc cho tay lên rồi muốn thò xuống còn khó nên mặc dù bị quấy rối, nhiều nữ sinh cũng chỉ biết đứng yên rồi kêu thét”, Thanh cho biết.
Ngồi cạnh Thanh, Huyền (ĐH KHXH&NV) kể, cũng đã vài lần cô chứng kiến cảnh các bạn nữ bị quấy rối khi đi xe buýt giờ tan tầm.
Cô nữ sinh năm thứ 2 Khoa Xã hội học này cho biết, bạn bè cùng lớp phần lớn đều ở quê ra thành phố đi học, vì thế nếu trọ gần trường chi phí chỗ ở sẽ rất cao. Để tiết kiệm, họ thường phải tìm điểm trọ ở những nơi xa trường, có khi cách trường cả 10km, vì thế xe đạp không thể đi được đành chấp nhận đi xe buýt.
Huyền kể về trường hợp của cô bạn L.A, cùng lớp, một lần đi xe buýt bị quấy rợn quá nên đã quyết định từ giã xe buýt, chấp nhận cảnh lóc cóc đạp xe hơn 10 km để đến trường. Đến giờ nhìn thấy xe buýt, L.A vẫn không hoàn hồn.
Lần ấy, L.A đi trên tuyến 26 vào giờ tan tầm, xe kín cả chỗ đứng. Đã cố tình chen vào đứng cùng các bạn nữ nhưng rồi L.A lại bị đẩy xuống dưới, lọt thỏm giữa đám đông toàn là con trai. Chưa được một phút, cô đã thấy đằng sau mình có… “cảm giác lạ”, mỗi lúc một táo tợn, khiến L.A kinh hoảng.
M, sinh viên ngành Kế toán cũng đã một lần rơi vào hoàn cảnh… khắc cốt ghi tâm vì gặp phải “dê cụ” khi đi xe buýt. Hôm đó, M đi trên tuyến 02, đang đứng thì phía sau, một cánh tay thò sâu vào… cạp quần cô.
Đang trên xe buýt giờ cao điểm, đứng còn phải co chân chứ chưa nói việc tránh chỗ khác, M không dám phản ứng vì sợ mọi người để ý. Nghiến răng chịu đựng, về đến nhà là M nằm khóc như mưa.
Nhà ở xa cách trường 20 chục cây số, đi xe đạp là chuyện không tưởng với M nên hàng ngày cô vẫn phải sống chung với nỗi sợ hãi. Từ một cô gái yêu đời, hoạt bát M trở nên lo lắng, hay cáu bẳn và có triệu chứng trầm cảm.
M tâm sự: “Như phản xạ, lên xe buýt là em cứ co rúm người lại, mắt lúc nào cũng lấm la lấm lét nhìn xem chỗ nào ít đàn ông đứng thì len tới chỗ đó. Nếu có buộc phải đứng chỗ nam giới thì cũng chọn chỗ các bạn nam sinh viên để đứng”.
Lý giải về việc không thể không nên xe buýt mặc dù trên xe đã rất đông người, Thanh, SV ĐH Bách Khoa cho biết, nếu không lên xe về ngay sẽ mất vài tiếng chờ xe và phải 7-8h tối mới có thể về nhà nên cứ có xe buýt dù phải chen nhau, cũng phải chấp nhận.
“Phải lên xe buýt vào giờ cao điểm tan tầm đối với nhiều nữ sinh chúng em là cả một cực hình. Nhưng nếu không lên sẽ phải chờ vài tiếng đồng hồ mới có xe ít khách cho nên dù biết là có thể bị “lợi dụng” nhưng chúng em vẫn phải chấp nhận liều”, Thanh nói.
Theo Tùng Nguyễn
Vnmedia