“Nữ đại ca” 14 tuổi

Cô bé ấy là một nữ soái của nhóm giang hồ nhí dưới gầm cầu Long Biên (Hà Nội), từng gây khiếp đảm cho dân buôn tại chợ đầu mối này.

Đường đến giang hồ

 

Cô bé ấy có tên đầy đủ là Lê Thị Hoa. Trẻ đi bụi kiếm sống quanh khu chợ đầu mối ấy thường gọi cô bé là Hoa "đen" bởi nước da cô đen nhẻm, kết quả của những tháng ngày phơi mặt ngoài đường. Sở dĩ tôi tìm gặp cô bé bởi thời gian gần đây, dân buôn đường dài cùng các tiểu thương trong chợ vô cùng bức xúc vì liên tục bị đám choai choai nhảy hàng, chôm tiền, điện thoại…

 

Nhiều vụ, biết rõ đối tượng là ai nhưng chẳng ai dám dây bởi đám tiểu yêu ấy có đến mấy chục đứa. Động vào bầy ong ấy, chắc chắn việc buôn bán của mình sẽ chẳng có một ngày yên ả. Chưa gặp, tôi cứ nghĩ Hoa là đứa nanh nọc, khó gần. Thế nhưng, khi gặp rồi thì lại thấy cô bé dễ mến, thân thiện như bao đứa trẻ tuổi 13, 14 khác. Hoa kể, em sinh ra và lớn lên ở bãi nổi Phúc Xá. Nơi ấy, trên mái nhà bè xộc xệch, em chẳng còn ai thân thích ngoài bà mẹ kế mưu sinh bằng nghề gánh hàng thuê.

 

Bố Hoa quê ở Hải Dương. Mưu sinh, ông lên Hà Nội, sống dặt dẹo nơi bãi giữa sông Hồng. Tại đây, như bao mảnh đời phiêu bạt ông dính vào vòng xoáy tù tội. Một lần ra tù, muốn thành người tử tế, ông lấy vợ. Vợ cả của ông (mẹ của Hoa) cũng là một người coi "tù là nhà lệnh tha là phép". Hai người lấy nhau, có với nhau 2 mặt con rồi cứ thay nhau khăn gói vào tù.

 

Hoa kể, mẹ em đi trại từ khi em còn bé xíu. Bởi thế, bây giờ, nếu có vô tình gặp lại, Hoa cũng chẳng thể nhận nổi người đã dứt ruột đẻ ra mình.Tuổi thơ của Hoa gắn chặt với bãi nổi, với xóm liều, với những mảnh đời sống như sự tồn tại. Hoa bắt đầu cuộc sống "sói hoang" khi bố đi thêm bước nữa. Hoa bảo, em thấy thiếu tình yêu từ chính những người thân yêu nhất của mình. Ra tù, bố em đổ bệnh, suốt ngày nằm một chỗ. Mẹ kế bởi bận mưu sinh nên em như bị bỏ rơi. Hụt hẫng, em thấy chán cuộc sống gia đình. Em đi bụi.

 

Hoa có đông bạn. Chúng sàn sàn tuổi em và đến từ khắp nơi. Đứa không gia đình. Đứa thì có nhà cao cửa rộng nhưng không thích thì bỏ hết mà đi. Chúng gặp nhau như có hẹn từ trước. Hoa bảo, em chính thức thành "công dân lang thang" ở khu gầm cầu ấy từ năm 2005. Khi ấy, em mới 12 tuổi. Đồng đảng của Hoa lúc đông nhất lên tới gần 50 đứa. Một lũ lau nhau nên chúng sinh tồn bằng nghề móc túi và cướp giật.
 

“Nữ đại ca” 14 tuổi - 1

“Nữ đại ca” nhí ngày nào, giờ đã thay đổi... 

 

"Luật sinh tồn"

 

Đã có một thời gian, những người qua cầu Chương Dương, Long Biên khi vắng vẻ đã vô cùng sợ hãi bởi sự hoạt động liều lĩnh của nhóm tội phạm nhí nơi đây. Qua cầu, nếu sơ sảy là ngay lập tức, điện thoại, ví tiền bị đám tiểu yêu không biết từ đâu bổ nhào ra giật mất. Khi mọi người còn chưa kịp định thần thì chúng đã vọt lên thành cầu rồi nhảy tõm xuống sông mất hút. Các xe hàng về chợ đầu mối Long Biên cũng vậy. Xe vừa đỗ bến thì cả chục đứa choai choai như ong chẳng biết từ đâu nhào ra, lao lên thùng xe, lên ca bin. Đứa nào vồ được thứ gì thì vồ, rồi chuyền tay nhau, rồi ù té chạy. Chủ hàng, lái xe đuổi được đứa này thì đứa kia ập đến, xâu xé cho kỳ được.

 

Lấy được thứ gì là chúng đem bán rẻ cho mấy hiệu cầm đồ hay mấy bà buôn hàng ngay tại chợ. Có tiền, chúng chia nhau ăn chơi. Hoa bảo, tuy nhóm đông, nhưng đoàn kết lắm. Và, luật bất thành văn, nếu còn tham gia hội vô gia cư thì không được ăn mảnh, không được chành choẹ, đánh nhau vì tiền...

   

Băng "Hồng Hài Nhi" của Hoa tác yêu tác quái ở khu vực cầu Long Biên suốt mấy năm trời. Cuối 2007, đầu năm 2008, mấy đứa thủ lĩnh, trong đó có Hoa lần lượt bị công an bắt. Đứa tội nặng thì đi trại giam, đứa tội nhẹ, ít tuổi thì vào trường giáo dưỡng. Đứa lọt sổ thì ù té đi nơi khác, hoặc tìm đường trở về với gia đình. Hoa thì đi Trường giáo dưỡng số 2 Ninh Bình.

 

Theo Nông Thôn Ngày Nay/Zing