Nụ cười "đốn tim" của chàng lính chữa cháy 9X

(Dân trí) - Tích cực tham gia trong các cuộc chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, Đoàn Khánh Linh còn sở hữu nụ cười đốn tim các cô gái. Chàng thiếu úy này cũng là gương mặt duy nhất của PCCC Nghệ An được vinh danh tại lễ tuyên dương thanh thiếu niên tiêu biểu Nghệ An vào dịp 26/3 tới.

Nụ cười đốn tim của thiếu úy phòng cháy chữa cháy Đoàn Khánh Linh.
Nụ cười "đốn tim" của thiếu úy phòng cháy chữa cháy Đoàn Khánh Linh.

Gia đình không có ai công tác trong ngành công an nhưng từ nhỏ, Đoàn Khánh Linh (SN 1991, quê huyện Tân Kỳ) đã nuôi ước mơ trở thành một chiến sỹ cảnh sát nhân dân. Đi nghĩa vụ, được phân công vào Phòng cảnh sát PCCC cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Nghệ An, Khánh Linh bén duyên với nghề đối mặt với “giặc lửa” từ đó.

Đến bây giờ, sau 7 năm trong nghề, Linh vẫn nhớ như in trận chiến với giặc lửa đầu tiên trong đời. “Đó là Tết năm 2010, Tết đầu tiên trong đời lính, lại được phân công ở lại trực Tết tại đơn vị (lúc đó Linh đang ở đội PCCC trung tâm).

Sáng mùng 1 Tết nghe còi báo động vang lên inh ỏi. Cháy trạm biến áp điện! Vừa mặc trang phục chữa cháy vừa thấy hồi hộp pha lẫn một chút lo lắng. Ngồi trên xe rồi đầu cũng chỉ kịp nghĩ lúc tiếp cận với đám cháy mình sẽ làm như thế nào thôi. Nhờ được luyện tập các phương án chữa cháy nhuần nhuyễn trước đó nên “cuộc chiến” chỉ diễn ra trong vòng 2 phút”, Linh nhớ lại.

Trận cháy chợ Vinh tối ngày 20/6/2011 thực sự là một cuộc chiến cam go, nguy hiểm mà Linh và các đồng đội phải trải qua. Đội của Linh được giao phụ trách dập lửa ở khu vực bán sơn, khống chế đám cháy không lan sang khu vực bán vải. Dưới nhiệt độ khủng khiếp của đám cháy, sơn bị đốt nóng, chảy lênh láng cả nền nhà, “đốt” chảy cả ủng nhựa mà lính phòng cháy đang mang.

“Lúc đó cháy rất dữ dội, chủ hàng xót của, cứ đứng trước họng phun chỉ phun chỗ này, phun chỗ kia. Mình chữa cháy phải đúng phương án chỉ huy đưa ra nên không thể làm theo họ được, tôi phải nhờ các anh công an phường đưa chủ hàng ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Lần đó người dân vào hỗ trợ, kéo ống nước, nâng vòi phun cùng lính cứu hỏa nên ngọn lửa cũng được khống chế, không lây sang các khu vực chứa hàng khác”, Linh kể.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch Nước, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường trao Huân chương dũng cảm cho Đoàn Khánh Linh.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch Nước, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường trao Huân chương dũng cảm cho Đoàn Khánh Linh.

Làm lính chữa cháy, đối mặt với hiểm nguy là chuyện thường. Dù mặc quần áo chuyên dụng nhưng mặt, tay chân dính vài vết bỏng cũng không có gì là lạ. Thậm chí, có những lúc cổ họng cháy khô, mặt bị khói, lửa “hun” như tôm luộc phải lấy ngay nước từ vòi phun ra, phả vào mặt hay ngậm vào miệng để hạ nhiệt dù nguồn nước có thể là nước sông, nước ao.

Đoàn Khánh Linh sau đó được chuyển công tác về Phòng PCCC số 5, đóng tại Đô Lương. Sáng ngày 10/6/2015, Phòng Cảnh sát PCCC số 5 nhận được tin báo, một người đàn ông bị rơi vào hang đá trên núi thuộc địa phận xóm 16, xã Trù Sơn (Đô Lương).

Từ chân núi lên khu vực bị nạn khoảng 2km, đội phải vác theo dụng cụ thiết bị cứu hộ cứu nạn vượt dốc tiếp cận. Chiếc hang mà nạn nhân rơi xuống có độ sâu khoảng gần 100m, nhưng nạn nhân mắc kẹt ở độ sâu 30m so với mặt đất.

Cái khó là thành hang có nhiều vỉa đá nhô ra, địa chất không ổn định, không loại trừ dưới hang có khí độc, trong khi đó Phòng PCCC số 5 mới được trang bị duy nhất 1 mặt nạ phòng độc nên buộc phải đu dây xuống hang cứu người bị nạn. Đoàn Khánh Linh xung phong nhận nhiệm vụ xuống hang cứu người.

“Càng xuống sâu, miệng hang càng hẹp dần. Tụt xuống độ sâu khoảng 30m tôi phát hiện nạn nhân đã bất tỉnh, thở thoi thóp. Tôi cởi mặt nạ phòng độc mang cho nạn nhân. Lúc này nạn nhân bị gãy xương nhiều chỗ, bản thân tôi cũng bị ảnh hưởng bởi khí độc tích tụ dưới hang nên quyết định phải nhanh chóng đưa nạn nhân lên mặt đất.

Tôi buộc nạn nhân vào trước người mình, ra hiệu cho đồng đội và người dân ở trên kéo lên. Miệng hang hẹp nên phải cẩn trọng nhích từng tý, hai cánh tay gồng chống vào vách đá để tránh va đập cho người bị nạn nên bản thân tôi bị nhiều vết cứa của đá vào tay, chân”, Linh nhớ lại.

Đối mặt với hiểm nguy, có thể tôi không làm tròn chữ hiếu với mẹ nhưng nếu chọn lại tôi vẫn là người lính phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
"Đối mặt với hiểm nguy, có thể tôi không làm tròn chữ hiếu với mẹ nhưng nếu chọn lại tôi vẫn là người lính phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ".

Sau gần 1 tiếng vật lộn với độ cao 30m, cùng với sự hỗ trợ của đồng đội và người dân, Đoàn Khánh Linh đưa được nạn nhân Đàm Văn Tâm (SN 1971, trú xã Mỹ Sơn) lên mặt đất. Mặc dù bị thương nặng nhưng nhờ được cứu chữa kịp thời nên nạn nhân giữ được tính mạng và đã bình phục.

Đoàn Khánh Linh được Chủ tịch Nước tặng Huân chương dũng cảm, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm và Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn tặng Giấy khen.

“Bố tôi mất sớm, một mình mẹ buôn bán tạp hóa nuôi tôi. Làm người lính phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ sẽ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm đến tính mạng, có thể tôi sẽ không làm tròn chữ hiếu với mẹ nhưng nếu chọn lại tôi vẫn là người lính PCCC, cứu nạn cứu hộ.

Mỗi vụ cháy được khống chế, tính mạng và tải sản của người dân được đảm bảo an toàn là động lực để tôi và những người lính cứu hỏa nói chung vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ của mình”, thiếu úy Đoàn Khánh Linh tâm sự.

Hoàng Lam - Vương Linh