“Nỗi niềm khó tỏ” của những bí thư Đoàn năng nổ

(Dân trí) - Là những thủ lĩnh nhiệt tình trong công tác Đoàn thể, các bí thư thường được gọi là “con dâu trăm họ”. Cũng bởi lẽ đó mà họ có những cảm xúc, nỗi niềm khó tỏ cùng ai.

Bí thư chi đoàn HV Báo chí và Tuyên truyền Đào Hồng Hạnh

“Nỗi niềm khó tỏ” của những bí thư Đoàn năng nổ

 
Gần 2 năm đảm nhiệm vị trí bí thư, chuyên ngành Xuất bản, công việc của Hồng Hạnh là phụ trách mảng hoạt động Đoàn của lớp và liên chi. Làm vị trí đặc thù, Hạnh cũng có nhiều lúc phải chịu ấm ứu trong lòng, khi bị các bạn hiểu nhầm: “Đợt vừa rồi trường mình có quy chế điểm cộng (điểm rèn luyện của sinh viên) mới, thay đổi khác hẳn với mọi năm.
 
Bí thư là người chịu trách nhiệm tính và vào điểm cho các bạn trong lớp, chi đoàn. Nhiều bạn không tham gia đủ hoạt động hoặc không nhiệt tình nhưng lại muốn điểm cộng cao, có những bạn mất học bổng chỉ vì điểm rèn luyện, cho nên mình gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân bằng và xét điểm cho thành viên, thậm chí còn bị hiểu nhầm là ích kỷ, không cộng điểm cho các bạn”.

Cũng vì là cán bộ lớp, bí thư chi đoàn mà Hạnh phải làm rất nhiều việc cho lớp, cho trường nhưng không phải mọi người đều biết và hiểu tất cả mọi việc. “Trong khi các bạn được ở nhà nghỉ ngơi, thì chúng mình phải phải làm việc, lên kế hoạch cho các chương trình, sự kiện. Nhưng đôi khi vì không thấy được nên khó tránh khỏi những lời trách lầm, khiến bản thân tủi thân như: “chỉ được cái nói, chứ có thấy làm gì đâu”, Hạnh nói.

Bí thư chi đoàn khoa Thể dục thể chất- trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Thanh Hiếu

“Nỗi niềm khó tỏ” của những bí thư Đoàn năng nổ

Tự nhận mình là người “ham vui”, Thanh Hiếu (SV năm thứ tư, khoa Giáo dục Thể chất) có mặt ở tất cả các hoạt động của khoa, của trường: mùa hè xanh, tiếp sức mùa thi, văn nghệ, cuộc thi khác... Nhưng kỷ niệm đầu tiên, đồng thời cũng là ấn tượng nhất đối với anh chàng điển trai này là chuyến mùa hè xanh năm thứ 2 đại học.

Hiếu cho biết: “Tiếp xúc với các em nhỏ, mình cảm thấy yêu và vững tin hơn với nghề sư phạm khi được gọi là “thầy”. Mỗi sáng, các em lại gõ cửa để lên lớp học từ rất sớm. Đặc biệt, lúc mình chuẩn bị lên xe về thành phố, các em đã ôm chặt mà khóc rất nhiều, bảo thầy ở lại. Mùa hè xanh đó chính là động lực để mình trở thành một giáo viên tương lai trong hôm nay”.

Theo Hiếu, điều khó khăn nhưng không thể giải quyết được khi làm bí thư, chính là thái độ miễn cưỡng, thiếu nhiệt tình của các thành viên trong lớp, trong khoa trước một hoạt động.
 
“Thậm chí nhiều lúc mình cảm thấy bất lực, không thể nói và làm được gì. Nhất là mỗi lần vận động, đăng ký đông nhưng khi diễn ra thì số lượng vô cùng ít. Bởi vậy mà mình phải ra nơi nhiều sinh viên, mời họ vào tham dự. Nhiều người nói mình “khùng”, rảnh hơi, trong khi đó, Hiếu làm mọi thứ cũng để cho sinh viên tham gia thôi, chứ bản thân chẳng được gì ngoài hai chữ “kinh nghiệm”.

Hiếu cho rằng, con trai thiếu chu đáo, tỉ mỉ và mềm mỏng hơn con gái, nên nhiều lúc Hiếu cũng gặp không ít khó khăn nhưng nếu đam mê và cố gắng, công việc sẽ suôn sẻ, thành công.

Bí thư lớp Tiếng Pháp thương mại, trường ĐH Ngoại thương Bùi Trang

“Nỗi niềm khó tỏ” của những bí thư Đoàn năng nổ

Trang thường vận động các bạn hòa nhập vào các hoạt động do nhà trường tổ chức, đồng thời cũng đứng ra tổ chức, tham gia một số chương trình văn nghệ cho các dịp ngày lễ. Theo Trang, việc khó khăn nhất là sắp xếp được thời gian học tập và Đoàn thể hợp lý. Bạn thường xuyên đi sớm về muộn làm chương trình, đồng thời còn phải quan tâm, động viên từng người.

“Lúc mình ốm cũng không dám kêu, sợ các thành viên mất tinh thần. Tuy nhiên, khoảng thời gian đầu, công việc dày đặc, áp lực, tránh không khỏi tình trạng cáu gắt, nói nặng lời mọi người. Dần dần, mình cũng cư xử mềm mỏng hơn nhưng nhìn chung, Trang rất mong mọi người hiểu, thông cảm, đồng thời phối hợp và hỗ trợ để hoàn thành tốt được công việc đã được giao”.

Kinh phí Đoàn trường yêu cầu thu từ các sinh viên cũng là lý do khiến Trang rơi vào tình trạng “khó xử”: “Đối với không ít người, “cứ thấy mặt bí thư” là nhìn thấy hai chữ “nộp tiền”, nên nhiều lúc mới đứng lên, chưa kịp phổ biến vấn đề đã bị chê trách. Đây là quy định của nhà trường, mình chỉ chịu trách nhiệm thu và nộp lên. Nhưng đôi khi vẫn phải năn nỉ, nhắc nhở mọi người nhiều lần”, Trang bày tỏ.

Bí thư chi đoàn HV Tài chính Nguyễn Thiên Trang

“Nỗi niềm khó tỏ” của những bí thư Đoàn năng nổ

Trang tham gia khá nhiều hoạt động, tổ chức cùng một lúc, nhưng nhờ vậy, khả năng quản lý thời gian của bạn cũng tốt hơn, đồng thời con người cũng trở nên tự tin, hoạt bát và trưởng thành. Cảm thấy vinh dự và tự hào khi làm bí thư, tuy nhiên, Trang cũng không tránh khỏi những khó khăn, khi làm “dâu trăm họ”.

“Mình phải gắn kết tốt được các thành viên, bởi mỗi người học ở hội trường, thời gian khác nhau. Nhiều khi những hoạt động mình phổ biến, không được các thành viên ủng hộ, hoặc bác bỏ, vừa giận, vừa tủi thân. Đâu thể làm vừa lòng hết mọi người bởi mỗi người một ý”.

Với những nỗ lực của mình, vừa qua, Trang được tuyên dương Bí thư chi Đoàn giỏi Thủ đô năm 2014, đồng thời khen thưởng ở khoa, bí thư chi đoàn có thành tích tốt năm 2012-2013. Vừa là bí thư Đoàn giỏi, Trang đồng thời cũng là sinh viên có thành tích tốt, thường xuyên đạt danh hiệu sinh viên giỏi, được học bổng của trường.

Trang chia sẻ bí quyết: “Đặc điểm của hình thức tín chỉ là thời gian lớp học ngắn, trường lại hơn 2 tháng đã kết thúc học phần, nên Trang học và ghi chép ngay từ đầu. Đến khi thi, chỉ cần đọc lại và ghi nhớ ý chính. Còn hoạt động Đoàn thì Trang luôn cố gắng hoàn thành nhanh nhất và đảm bảo chất lượng công việc, không để hôm sau mới làm”.

Hoàng Dung