Nỗi lòng bạn trẻ mưu sinh ngày Tết
(Dân trí) - Tết là một dịp để mọi người sum vầy cũng như “xả hơi” sau một năm vất vả thì không ít bạn trẻ lại tranh thủ những ngày này làm thêm. Hầu bao nặng ký hơn nhưng họ phải từ bỏ niềm vui sum vầy với gia đình.
Tết năm nay của Cúc là những ngày rong ruổi bán đồ chơi trẻ em.
Cúc quê ở Tây Ninh, cách TP.HCM chưa đến 200 cây số. Chuyện tàu xe không phải là lý do cô không về Tết như bao người ở xa. Nhưng Cúc bán hàng ở siêu thị, tối 29 Tết mới nghỉ, mùng 4 đi làm lại, về rất cập rập nên cô quyết định ở lại mua đồ chơi trẻ em đi bán.
“4 năm mình ăn học trên thành phố bố mẹ đã vất vả quá rồi. Sắp tới ra trường nếu chưa xin được việc, cứ ngửa tay xin tiền suốt lại sợ bố mẹ lo. Nên giờ mình phải tích cóp sẵn một ít vốn để mấy tháng đầu ra trường “cầm hơi”, Cúc chia sẻ.
Chưa bao giờ xa nhà ngày Tết, Cúc lo lắng nhất là giờ phút giao thừa. Nhưng rồi, hôm đó Cúc cũng đi bán hàng, lại bán đắt nên đến tận 4 giờ sáng mới về phòng trọ. “Về đến nơi mình lăn ra ngủ, tỉnh lúc nào mà buồn. Sáng mùng Một nhìn ở khu trọ vắng hoe, thấy trống vắng kinh khủng. Rồi lại tất bật bên đồ ra lên xe đi”.
Cách điểm Cúc bán hàng không xa, cậu thanh niên tên Thái Văn Chí, quê ở Đồng Tháp cũng đang hồ hởi giới thiệu các về các hoa văn hình xăm cho khách. Chí làm công nhân giày da, quanh năm giam mình trong nhà máy, lại tăng ca cũng không thu xếp về quê được.
Gác niềm vui ngày Tết, Chí mong muốn kiếm thêm ít tiền để biếu bố mẹ.
Cả năm xa nhà, chờ giây phút sum vầy với gia đình cuối cùng Chí ở lại TP.HCM đi dán hình xăm cùng với ông anh họ. “Lúc ông anh rủ em mừng lắm! Em làm ăn lương cả năm mà chẳng dư đồng nào làm quà bố mẹ. Giờ có việc trong mấy ngày Tết rồi mùng 6 về quê biếu bố mẹ một ít để ông bà mừng, ngày 8 quay lại đi làm”.
Cậu thanh niên tỏ ra rất khấp khởi khi công việc này đưa lại thu nhập cả trăm ngàn đồng ngày, gấp nhiều lần tiền lương ở nhà máy. “Tết nhưng anh em chẳng dám chi tiêu gì nhiều vì ai cũng tiết kiệm để gửi tiền về nhà. Chỉ mua mấy cái bánh tét ăn với đậu phậu, trứng… vì mấy ngày này mà ra quán ăn thì đắt đỏ lắm!”.
Cũng là cảnh Tết xa nhà nhưng không may mắm như Cúc, Chí… với Nguyễn Thị Thương, quê ở Nga Sơn (Thanh Hóa) thì về quê là cả một ước mơ mà bao năm xa nhà cô chưa thực hiện được. Vào TPHCM kiếm sống từ năm 15 tuổi, đến nay đã 4 năm, Thương chưa một lần gặp lại bố mẹ. Chừng ấy thời gian, cô gái trải qua đủ nghề như công nhân, nhặt rác… và giờ đang là “bà chủ” của xe hàng rong bán bắp luộc.
Chàng thanh niên này đứng bán bóng ngay trong đêm 30 Tết.
Ngày thường, Thương bán hàng ở khu vực công viên Lê Văn Tám, mấy hôm nay cô đổ về đường Lê Lợi, khu vực đường hoa Nguyễn Huệ bán hàng. Có tối bán được cả trăm bắp ngô, tiền kiếm được cũng khá nhưng nỗi buồn vẫn chùng trong mắt cô gái.
“Quê em khổ lắm, chẳng có việc gì làm mà bố mẹ lại đều đã lớn tuổi. Anh chị em ở quê cũng khổ. Năm nay, việc của em ổn định hơn nên tính Tết sẽ về thăm nhà nhưng rồi mẹ báo tin, anh trai em bị tai nạn phải vào viện, cần rất nhiều tiền. Thế là, em lại ở, chứ về quê vừa tốn kém mà mất cả tuần lễ kiếm tiền nữa ”, Thương cho hay về hoàn cảnh của mình.
Đêm giao thừa Thương nghỉ bán, cùng mấy người lao động xa nhà như mình ở khu trọ trên đường Bạch Đằng (Q. Bình Thạnh) tổ chức ăn uống. “6 chị em đều sống xa nhà, em trẻ nhất còn chị lớn tuổi nhất 33 tuổi, chưa ai chồng con gì hết. Vừa nhớ gia đình, vừa thấy tủi thân thế là ôm nhau khóc cho đến sáng. Sáng mùng Một, người đi bán hàng, người đi nhặt rác, mắt ai cũng sưng húp”.
Thân gái một mình bán hàng đêm hôm, Thương cho hay sợ nhất là những khi về muộn bị bọn thanh niên chọc ghẹo. “Nhiều hôm khi bọn chúng phóng xe đi, em đứng lại uất ức đến mức gục đầu vào xe hàng mà khóc. Thấy tủi nhục quá!”. Thương cũng bày tỏ, muốn tìm một người để chia sẻ, một bờ vai tin cậy nhưng với công việc của cô, đó không phải là điều dễ dàng. Nhìn dáng cô gái liêu xiêu đẩy xe hàng, khản giọng “Bắp luộc đê!” trong dòng người chơi tết tấp nập mà thấy đắng lòng.
Khi mọi người đang sum vầy, vui chơi, ngoài kia không ít bạn trẻ đang lầm lũi “cày bừa” vì mưu sinh cũng như để vun vén cho những dự định của mình. Mong rằng, sau này Tết này Cúc sẽ tích cóp được tiền “cầm cự” khi ra trường, Chí sẽ có một món quà nhỏ biếu bố mẹ. Và Thương, năm tới sẽ có thể về thăm nhà cũng như gặp được một bờ vai vững chãi để cô bớt cô độc trên con đường của mình.
Bài và ảnh: Hoài Nam