Nỗi ám ảnh của bạn trẻ ngày cuối năm

(Dân trí) - Khi cái Tết đang ngày càng cận kề, bên cạnh niềm vui, háo hức chào đón năm mới, nhiều bạn trẻ lại rơi vào tình trạng âu sầu, ảo não và không kém phần thấp thỏm, lo âu bởi những vấn đề “tưởng như muôn thuở”.

Cuối năm, mọi người thường có suy nghĩ thu hồi, đòi lại tiền đã cho vay mượn nên thời điểm này Quân (trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh) khá “đau đầu”, khó xử. Cậu mượn bạn học cấp 3 của mình một khoản tiền lên tới 1 triệu đồng – kết quả phát sinh của các cuộc ăn nhậu đãi bạn bè tới phòng chơi.

 

Quân cho biết: “Trong năm đã có mấy lần bạn ấy hỏi nhưng mình không có nên khất lần mãi. Giờ đây mình cũng không dư dả gì nhưng cuối năm rồi, phải trả cho bạn ấy tiêu pha. Đều đang đi học, bạn ấy giúp được như thế là quý lắm rồi, mình luôn rất trân trọng và cảm kích”.

 

Với khoản tiền cũng tương đối lớn, Quân không dám lên tiếng xin bố mẹ, đành tự mình xoay xở. Cậu liên hệ, hỏi vay gần hết danh bạ bạn bè trong điện thoại nhưng  mọi người hầu hết đều là sinh viên, không có thu nhập, có dành dụm được một chút cũng chỉ đủ cho dịp Tết. Vì quá bí bách, Quân đã nghĩ đến việc cầm đồ giấy tờ xe máy.

 

Quân chia sẻ: “Trước đây, mình chưa từng cầm đồ, thậm chí còn chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ làm như thế, nhưng hiện tại là tình thế bắt buộc, không thể xử lý khác hơn. Mình không muốn bố mẹ tra hỏi, cho rằng đi học xa lây nhiễm tính xấu, trở thành người chơi bời, hư hỏng.

 

Năm mới sắp đến mà bản thân lại gia tăng gánh nặng cho gia đình, khiến người thân lo lắng, mình sẽ thấy có lỗi. Hơn nữa, việc bố mẹ răn đe, la mắng cũng khiến mình cảm thấy mệt mỏi. Giờ mình chỉ còn nghĩ ra cách cầm đồ, ngoài Tết đi làm thêm đủ tiền sẽ chuộc nó ra”.
 
Nỗi ám ảnh của bạn trẻ ngày cuối năm
Tình trạng ăn tiêu quá đà khiến nhiều bạn trẻ ngậm ngùi tìm đến hiệu cầm đồ trước ngày về Tết. (ảnh minh họa)

 

Cũng là chuyện tiền bạc, nhưng vấn đề khiến Ninh (21 tuổi, Thanh Hóa) gặp phải lại là tình trạng rỗng ví. Sau ngày Valentine, cậu bạn đã tiêu hao một số tiền khá lớn vào việc mua quà và một số chi phí khác trong buổi tối hai người hẹn hò.

 

“Thực sự giờ mình đang khá ảo não vì không biết kiếm đâu ra tiền để đủ chi tiêu cho dịp Tết này. Chưa nói đến việc đổ xăng, nạp thẻ điện thoại, chuyện đi liên hoan lớp cũ hay vào quán hát karaoke với bạn bè cũng chiếm một khoản lớn. Đâu thể “mặt dày” lánh đi để người khác trả tiền được, bạn bè chơi bao năm trời, lần sau sao dám nhìn nhau chứ?”, Ninh nói.

 

Vì năm nay Tết muộn nên các trường đại học gần như đã xong xuôi kỳ thi học kỳ. Tuy nhiên, với những sinh viên năm cuối như Yến (trường ĐH Thành Tây), việc ăn Tết lại có vướng bận “thường trực” trong lòng: kết quả thực tập, khóa luận tốt nghiệp.

 

Yến bày tỏ: “Kết quả thực tập quan trọng nên mình rất lo lắng sẽ không hoàn thành tốt vào thời gian cuối, sau Tết. Hiện tại vừa lo chuẩn bị đón năm mới, mình lại vừa nóng ruột không yên”.

 

Khi mọi người gần như đã gác hết sách vở để quây quần bên gia đình, tập trung “ăn chơi” với bạn bè, Ngọc (trường ĐH Ngoại thương TP.HCM) lại đang vùi đầu vào khóa luận của mình.

 

“Vì đề tài vướng mắc khá nhiều vấn đề nên mình cứ thấp thỏm không yên, chẳng còn tâm trạng để đón Tết nữa. Lẽ ra giờ này đã có thể buông xuống, tận hưởng không khí sôi nổi cuối năm thì mình lại như bà già, phải dành thời gian để tìm kiếm thêm tài liệu và gỡ rối sản phẩm của mình từng chút một”, cô bạn cho biết.

 
Các bữa gặp mặt tất niên khiến nhiều bạn nam phải xanh mặt vì bia rượu liên tục. (ảnh minh họa)

Các bữa gặp mặt tất niên khiến nhiều bạn nam phải "xanh mặt" vì bia rượu liên tục. (ảnh minh họa)
 

Đối với nhiều bạn trai, Tết là dịp để thoải mái hết mình với những cuộc vui không giới hạn bên bạn bè, mà không bị quản lý quá mức chặt chẽ hoặc lo thiếu tiền chi trả bàn nhậu. Tuy nhiên, với Tú (23 tuổi, cựu SV trường ĐH Kinh tế Quốc dân), Tết lại là nỗi ám ảnh vì rượu chè liên miên. Vì xót con, mẹ Tú khuyên nhủ, cằn nhằn không ngừng để hạn chế uống rượu.

 

Tú chia sẻ: “Tửu lượng mình kém, hơn nữa lại không có chút hứng thú với việc uống rượu. Bình thường tớ không muốn đụng, cho dù là nửa giọt. Chỉ khi nào trong lòng vui vẻ, thoải mái, mình mới tự nguyện nâng 1,2 ly chúc tụng bạn bè. Nhưng Tết thì khác, mình muốn chối cũng không được”.

 

Tú nghĩ đến Tết năm ngoái, không chỉ bị bạn bè kéo lê la từ nhà này sang nhà khác, cho đến khi Tú say khướt mới được tha. Chưa kịp về đến nhà, cậu bạn đã nôn thốc tháo, hơn nữa đầu đau như “búa bổ”, khiến da dày quặn lên từng hồi. Mỗi lần tỉnh dậy, mình còn cho ra cả mật xanh, mật vàng, đầu đau như “búa bổ”.

 

Hai ngày sau đó, cứ ngửi đến mùi rượu là mình cảm thấy quay cuồng, không ăn uống được bất cứ thứ gì. Lúc đó mới thấm “cái cực” của đàn ông say rượu, thật không dễ chịu, sung sướng gì!”.

 

Trong khi đó, Tú lại thường xuyên có tính cả nể bạn bè. Mỗi năm một lần, cả nhóm bạn mới có cơ hội gặp gỡ với nhau đầy đủ như thế, Tú cho rằng không thể thoái thác bớt lời mời tụ tập được.

 

Không từ chối là một chuyện, nhưng để cải thiện sức khỏe của mình cũng là điều Tú đang lưu ý, cân nhắc. Hiện tại, Tú đang nghĩ cách để hạn chế xuống mức thấp nhất sự ảnh hưởng của rượu đối với cơ thể, tránh tình trạng sức khỏe, cơ thể sút giảm, rệu rã như trước kia.

 

Hoài Thư