Những việc part-time “hot” nhất mùa hè

Cùng theo chân bốn bạn trẻ để xem nghề chuyển hàng bằng xe đạp, dạy bellydance, làm nhân viên rạp chiếu film và làm “thầy giáo” ở trung tâm thể hình có gì thú vị nhé?

Chuyển đồ kiểu “Premium Rush”

 

Bắt đầu từ câu chuyện diễn viên chính trong phim Premium Rush phóng như bay trên đường phố New York để chuyển hàng bằng xe đạp fixie, Trung Anh (sinh viên năm 2, Học viện Tài chính) dần hình thành ý tưởng cho công việc chuyển hàng bằng xe đạp.

 

Anh chàng liền mở một facebook kêu gọi các bạn cùng sở thích, lập ra một đội chuyên chuyển hàng bằng fixie. Hiện giờ đội của Trung Anh có 5 thành viên và đã hoạt động được hơn 1 tháng. Lịch làm việc của các bạn ấy khá đều đặn: 1 tuần 3 buổi, mỗi buổi 1-2 tiếng, đội sẽ chia nhau ra đi chuyển các đơn hàng.

 
Trung Anh - Một ngày làm việc của người vận chuyển
Trung Anh - Một ngày làm việc của "người vận chuyển"
 

Trung Anh tâm sự: "Chuyển hàng bằng xe đạp là một nghề rất thân thiện với môi trường. Tuy nhiên xe fixie mảnh khảnh nên chuyện thủng lốp, xịt xăm đội mình gặp như cơm bữa.

 

Nhớ nhất là chuyến đi thứ hai của nhóm đến Đại Mỗ- Xa La- Vân Đồn. Đường rất xa, chúng mình đã phải search bản đồ rồi hỏi đường rất nhiều, một thành viên còn bị hỏng xe nên mất cả buổi mới đến được Đại Mỗ".
 

Trừ tiền "nước phí" sau mỗi chuyến chuyển, mỗi tháng trung bình Trung Anh "bỏ túi" từ 500K đến 1 triệu. Nhưng điều lớn hơn mà anh chàng này nhận được khi "làm nghề", đó là khả năng làm việc nhóm, khả năng ứng biến tình huống, kỹ năng giao tiếp với mọi người- từ chú xe ôm tới cô bán nước.

 

"Mọi người đều tận tình chỉ đường cho tụi mình một cách nhiệt tình và còn nhắc nhở chúng mình đi đường cẩn thận. Ngoài ra, đạp xe hàng ngày cũng giúp mình rèn luyện sức khỏe và xả stress rất hiệu quả". Trung Anh chia sẻ.

 

Cô giáo dạy múa bụng

 
Hải Anh - Cô giáo xinh đẹp với bộ môn bellydance
Hải Anh - Cô giáo xinh đẹp với bộ môn bellydance
 

Hải Anh (ĐH Kinh doanh Công nghệ) mất tới hai năm luyện tập bellydance và bollywood (một điệu nhảy của Ấn Độ) để đạt đến trình độ trở thành giáo viên.

 

Hiện tại bạn đang dạy tại một trung tâm với chuyên môn chính là Belly dance. Hải Anh phụ trách 4 lớp, mỗi lớp khoảng 20 người ở các độ tuổi khác nhau.

 

Với thời gian dạy 12 tiếng/tuần, thu nhập trung bình của Hải Anh là 5 triệu đồng.  Chia sẻ về công việc của mình, Hải Anh cho biết ngoài việc được thỏa mãn đam mê nhảy belly, cô nàng còn được giao lưu với nhiều người cùng sở thích, được đi biểu diễn ở rất nhiều nơi.

 

Theo Hải Anh, để trở thành một giáo viên dạy bellydance, bạn cần phải có sự đam mê, kiên trì luyện tập và có chút “nhạc cảm” để bắt nhịp dễ hơn với những bước nhảy rất uyển chuyển và gợi cảm của môn này.

 

Nhân viên rạp chiếu phim “pro”

 

Phương Anh (ĐH Thăng Long) đã trở thành nhân viên của một rạp chiếu film được hơn nửa năm. Một nhân viên part-time sẽ được huấn luyện rất kỹ càng để làm được cả 3 vị trí: bán vé, soát vé và bán đồ ăn.

 

Tùy theo sự phân công của người quản lý, các nhân viên part-time sẽ biết mình được làm ở vị trí nào. Ngoài ra bạn có thể thông báo trước lịch làm việc của mình một tuần và chủ động về mặt thời gian.

 

Phương Anh- Nhân viên dễ thương ở một rạp chiếu film
Phương Anh- Nhân viên dễ thương ở một rạp chiếu film

 

Tuy nhiên, nhân viên ở rạp cũng phải tuân thủ  một số quy định trong giờ làm việc hết sức nghiêm ngặt: nhân viên không được phép mang theo bất kỳ đồ dùng cá nhân gì khi vào ca làm (kể cả điện thoại, ví tiền), đi muộn 1 lần bạn sẽ bị dính 1 warning (cảnh báo), bị 3 lần warning bạn sẽ phải nghỉ việc, trong lúc đông khách thậm chí bạn không được nói chuyện với các "đồng nghiệp"...

 

Tuy nhiên, Phương Anh chia sẻ, đó là những quy định rất cần thiết, thể hiện một môi trường làm việc chuyên nghiệp. Cũng nhờ những quy định này mà Phương Anh rèn được sự tập trung và có trách nhiệm với công việc.

 

Là một nhân viên, Phương Anh còn có cơ hội rèn luyện khả năng tiếng Anh khi giao tiếp cới khách nước ngoài, được gặp gỡ rất nhiều người nổi tiếng đi xem phim. Cô bạn đã từng tận tay bán vé cho ca sĩ Uyên Linh, soát vé cho diễn viên Vân Trang và Lý Nhã Kỳ.

 

Trong quá trình làm việc, phải gặp gỡ rất nhiều khách, đôi khi Phương Anh cũng gặp phải nhiều tình huống khó xử như trường hợp khách mua vé ghế này nhưng lại đòi ngồi ghế khác. Sau nhiều lần như thế, cô nàng còn rèn được cả sự bình tĩnh để luôn giữ thái độ tôn trọng khách hàng.

 

Mỗi tháng Phương Anh kiếm được khoảng 1.5 triệu, ngoài ra cuối tháng còn được nhận staff voucher (thẻ quà tặng dành cho nhân viên) để đổi thành vé xem phim.

 

Dạy thể lực với thu nhập “khủng long”

 
Trường Thi - Chàng giáo viên “cơ bắp” của lớp thể lực
Trường Thi - Chàng giáo viên “cơ bắp” của lớp thể lực
 

Sau hơn một năm luyện tập chăm chỉ về thể hình, Trường Thi (ĐH Sân khấu Điện ảnh) được nhận vào làm ở trung tâm. Chuyên môn chính của Thi là hướng dẫn người tập ở lớp học đạp xe.

 

Thời gian làm việc 20 tiếng/1 tuần, Thi nhận được mức lương khá cao đối với nghề part-time: từ 15 đến 20 triệu/tháng. Tuy nhiên, cường độ làm việc rất cao và tốn nhiều thể lực.

 

Thi chia sẻ: "Mỗi ca tập của mình trong vòng 45 phút. Mình phải đạp xe gần như liên tục để mọi người làm theo. Lần đầu mới dạy, cường độ căng hơn mình nghĩ nên mình đã bị chuột rút.

 

Đau muốn khóc luôn nhưng vẫn phải tươi cười cổ vũ và động viên mọi người. Giờ thì quen hơn, ngày mình có thể dạy 2 ca. Tuy nhiên sau mỗi ca làm việc, mình phải bù năng lượng bằng 6 suất gà rán thì mới đủ".

 

Thi cũng cho biết, tuy công việc làm cậu mất sức nhiều và thương xuyên phải duy trì phong độ tập luyện và ăn uống nhưng Thi rất vui bởi công việc này không bị gò ép về thời gian, không quá căng thẳng. Ngày nào Thi cũng được nghe nhạc và tập luyện, lại được mọi người gọi là "thày" rất chi là oai nhé!

 

Theo Thanh Hải – Anh Đức

Hoa học trò