Những tấm giấy kể chuyện
(Dân trí) - Ngày 29/12/2018, tại một góc của Vivo City, quận 7, TP Hồ Chí Minh, xuất hiện một tấm bảng nhỏ. “Ưu tiên của bạn trong năm mới là gì?” - tấm bảng hỏi.
Hai bên của tấm bảng, các nhà tổ chức đã để sẵn những tấm giấy dán. Nam dùng giấy màu xanh. Nữ dùng giấy màu hồng. Họ sẽ dùng những tấm giấy để thể hiện sự ưu tiên, hay là mối bận tâm của mình trong năm mới. Trên tấm bảng là bốn lựa chọn: Thời gian cho gia đình; Sức khỏe của bản thân; Ước mơ của bản thân và Tài chính cá nhân.
Ngày hôm sau, tấm bảng tiếp tục xuất hiện tại Landmark 81, quận 1 – một trong những địa điểm nhiều người qua lại nhất thành phố.
Đã có tổng cộng một nghìn ba trăm sáu mươi người dừng lại, và dán những tấm giấy màu lên bảng. Hầu hết trong số họ là những người đã có gia đình.
Hơn ba mươi phần trăm đàn ông dán tấm giấy của mình lên ô “Ước mơ của bản thân”. Đó là điều mà cánh mày râu muốn “ưu tiên” nhất trong năm mới.
Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc những người đàn ông này đang hành động vì ước mơ bản thân. Ngược lại: hầu hết đều ngập ngừng khi được phóng viên chặn lại hỏi “Ước mơ của anh là gì?”. Hầu hết họ đều đang tập trung cho việc kiếm tiền lo cho gia đình, đang trăn trở về sức khỏe của người thân, còn ước mơ chỉ là… ước mơ.
“Chung quy lại thì mọi người cũng đi làm để kiếm tiền. Không ít bạn bè tôi phải hi sinh lý tưởng, đam mê để đảm bảo cuộc sống gia đình không bị xáo trộn” - anh Bùi Thanh An, một người đi ngang Landmark 81 tâm sự khi được hỏi về những kế hoạch - “ Càng lớn tuổi, đàn ông lại càng bị gánh nặng nhiều hơn về trách nhiệm”.
Những tấm sticker dán trên bảng, dưòng như đại diện cho những điều họ chưa thể làm được trong năm cũ.
Hơn ba mươi phần trăm những người phụ nữ dán lên ô “Sức khỏe”. Nếu tính tổng số cả nam và nữ, thì “Sức khỏe” cũng là điều mà các thành viên trong gia đình ưu tiên nhiều nhất. “Chúng tôi không sợ gì ngoài việc một sớm thức dậy không còn người thân bên mình. Công danh sự nghiệp mất đi có thể tìm lại được nhưng nếu một người thân trong gia đình ra đi thì đó là những mất mát vĩnh viễn”, vợ chồng anh Phạm Quyết Chiến, ngụ tại Đồng Nai tâm sự.
Ngày quan tâm
Tấm bảng đó là một phần của “Ngày Quan tâm” - một chương trình do Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Câu hỏi lớn được các nhà tổ chức đặt ra: Những thành viên trong gia đình hiện đại đã thực sự thấu hiểu và chia sẻ hết các áp lực của nhau?
Tại Vivo City và Landmark 81, trong hai ngày 29 và 30/12, hơn 3.000 người đã tham gia vào các hoạt động của “Ngày Quan tâm”. Những hoạt động khiến các thành viên trong gia đình thêm gắn kết, và nhiều người tự vấn bản thân đã hiểu hết nửa kia của đời mình?
Tại một góc của sự kiện, hai thành viên trong gia đình sẽ được chia đôi bởi một vách ngăn. Ở mỗi bên, họ sẽ được trao một tờ giấy, trên đó có 15 lựa chọn về “Nỗi sợ”. Người đàn ông sẽ tự lựa chọn 5 nỗi sợ của họ. Người phụ nữ sẽ chọn các nỗi sợ mà họ cho rằng thuộc về nửa kia của mình. Trong đó, có những lựa chọn vui, như sợ gián, sợ ma, sợ thứ hai và sợ béo. Nhưng cũng có những nỗi sợ rất nghiêm túc: sợ cô đơn, sợ thất nghiệp, sợ bệnh tật,…
Một trăm ba mươi lăm cặp đôi đã tham gia trò chơi. Chỉ có một cặp trả lời đúng được cả 5/5 nỗi sợ của đối phương, chỉ có mười cặp chọn được trùng khớp 4/5 nỗi sợ. Tức là chỉ có chưa đến 7% số người tham gia tự tin nói rằng họ “hiểu nhau” ở nghĩa tương đối, trong khía cạnh của những nỗi sợ.
Các gia đình tham gia chương trình
Có tới hơn 20% số người tham gia chơi không trả lời được đúng 3/5 nỗi sợ mà người đàn ông trong đời mình đang mang.
“Chúng tôi không có nhiều cơ hội để lắng nghe và chia sẻ thẳng thắn với nhau dù ngồi chung mâm cơm hàng ngày” - chị Trần Thu Trang, một người tham gia sự kiện chia sẻ - “Những dịp như thế này là cơ hội để chúng tôi gắn kết và chia sẻ nhiều hơn”.
Và như tên gọi của sự kiện, “Ngày Quan tâm” dành một không gian quan trọng để những người tham gia trực tiếp chia sẻ sự quan tâm đến những người thân của mình bằng một hoạt động tình cảm xưa cũ: Viết thư tay.
Những lá thư sẽ được viết ngay tại sự kiện, và được MB Ageas Life gửi đến tận tay người nhận.
Tại sự kiện, năm trăm sáu mươi hai lá thư đã được viết và gửi đi. Đó là những lời chúc năm mới đơn giản; là những tâm sự thầm kín; hay là những chia sẻ nặng lòng.
Anh Nguyễn Thanh Giang trải lòng: Mình không có ba mẹ từ nhỏ, được dì Ba nuôi từ nhỏ đến lớn. Dì Ba bị bệnh tim nên cũng không thể sinh con, hai dì cháu nương tựa vào nhau và coi nhau như mẹ con. “Điều khiến mình lo lắng nhất bây giờ chỉ là bệnh tim của Má. Chỉ biết chúc má thật nhiều sức khoẻ”, Thanh Giang nói về bức thư gửi đến người thân của mình.
“Chính tôi cũng không nhớ lần cuối mình chia sẻ thành thật những lo toan với người thân là khi nào. Chính sự kiện làm tôi giật mình nhớ lại điều đó” - anh Minh, một thành viên trong ê-kíp tổ chức Ngày Quan tâm tâm sự - “Tôi nghĩ rằng câu hỏi: Bạn có biết người thân của mình đang sợ gì? ‘à một câu mà mỗi người nên hỏi ngay từ lúc này”.
Việt Anh