Những sinh viên ngại “xê dịch”

(Dân trí) - Họ không muốn thay đổi môi trường sống, họ ngại va chạm. Cả tuần chỉ có một buổi sáng tập thể dục, cả tháng không có thêm một con đường nào khác ngoài con đường từ nhà tới trường và từ nhà tới quán game…

Đủ kiểu ngại xê dịch

 

Trâm - sinh viên năm thứ 3, ĐH KHXH&NV thuê nhà ở đường Bưởi. Cô chỉ làm một tuyến xe buýt số 27 từ nhà đến trường và từ trường về nhà. Một tuần 5 buổi đi học, thời gian còn lại là ở nhà. Trâm bảo: “Mình thích ở nhà một mình, thích ngủ “nướng” vào buổi sáng”.

 

Ngoài thời gian học buổi chiều ở trường, cô chỉ ngủ và xem tivi. Ngay đến chàng người yêu từ Hải Phòng lên chơi dịp Noel cũng “phải”… ở nhà. Trâm đưa ra lý do: “Em ở nhà quen rồi, giờ ra đường khó chịu lắm. Vả lại ngoài đường có gì hay đâu, toàn người và bụi thôi!”

 

Hằng, sinh viên Học viện Ngân hàng, ở nội trú từ năm thứ nhất. KTX nằm trong khuôn viên trường. 7 giờ vào lớp thì 7 giờ kém 10 mới tỉnh giấc, đánh răng rửa mặt, vội vàng phi tới lớp nhưng vẫn muộn. Học xong, ăn cơm, lại ngủ. Ít đi cũng thành quen, khi có sinh nhật hay đến nhà họ hàng chơi, cô “đấu tranh” mãi mới bước chân ra khỏi cổng trường.

 

Trường X. được xem có phong trào Đoàn, Hội sôi nổi, tổ chức nhiều hoạt động lý thú bổ ích. Thế mà Thanh vẫn thờ ơ, “thà ở nhà ngủ, nhất định không tham gia mấy trò nhí nhố đó” - Thanh nói. Lớp giao lưu đá bóng, diễn văn nghệ với các Khoa trong trường, không bao giờ có mặt Thanh đi cỗ vũ. Lý do cô đưa ra chỉ là: Ngại đi!

 

Loan thì có kiểu làm tiểu luận chẳng giống ai. Trong khi bạn bè cặm cụi lên thư viện đọc sách, tìm tài liệu hay vào mạng tìm thông tin số liệu mới. Loan vẫn ung dung, đủng đỉnh… đi chơi. Không chịu suy nghĩ, không cần bỏ công, bỏ sức mà vẫn “copy - paste” từ những bài khoá trước một cách ngon lành. Đến ngày, Loan có bài nộp, đủ trang, đủ cả nội dung lẫn hình thức…

 

Sức ì + lười =…

 

Những sinh viên ngại “xê dịch” - 1

Tham gia hoạt động xã hội là cơ hội để các bạn trẻ thể hiện mình. (Trong ảnh: Một nhóm tình nguyện viên APEC của Học viện Quan hệ quốc tế - Ảnh: Tiền Phong).

 

Việt Nam đã gia nhập vào biển lớn WTO, đòi hỏi tư duy chúng ta cần thay đổi. Thay đổi để phù hợp với xu thế mới, thay đổi để tiến bộ, và hơn hết thay đổi để tồn tại. Phải thừa nhận rằng trong xã hội hiện nay có nhiều kiểu “ì” nhiều kiểu “lười” khác nhau, từ người già đến người trẻ. Tuy nhiên có lẽ sức ì trong tư duy là điều đáng sợ nhất và nó đang hiện hữu trong một bộ phận thanh thiếu nhiên, đặc biệt là trong sinh viên.

 

“Phong cách” làm tiểu luận như Loan chẳng qua chỉ để đối phó với thầy cô giáo. Còn những gì thu nhận được chắc chắn chỉ là con số 0. Nhịp sống cứ lặp đi lặp lại. Đi học, ăn và ngủ. Hằng phân bua: Căng-tin ở trong trường, KTX lại gần lớp. Có cửa hàng tạp phẩm trước sân KTX, muốn mua gì ra đó mua, chẳng phải đi đâu xa. Thế nên khi hỏi Trường ĐH Y ở đâu, Hằng lắc đầu, bảo không biết. (Thực tế trường Y cách Học viện Ngân hàng chỉ dăm trăm mét). Cô chỉ biết con đường trước cổng trường mang tên Chùa Bộc, còn khi nào đi đâu cũng phải hỏi bạn bè từng “đường đi nước bước” và không quên mang theo tấm bản đồ phòng thân, lỡ… lạc đường.

 

Với Trâm, hình như ở nhà một mình trở thành sở thích tối thượng của cô. Là một cử nhân báo chí, thế mà Trâm “ngại” đi, “ngại” tiếp xúc với người khác, thậm chí “ngại” đọc sách, báo. Có tivi cũng chỉ để xem phim, ca nhạc. Lớp thường xuyên thảo luận, Trâm cũng im bặt, không ý kiến, không tranh cãi. Hết giờ thì về. Nhà báo tương lai mà không chịu tiếp nhận thông tin, tiếp cận kiến thức thực tế thì lấy tư liệu đâu để viết bài, và khi tranh luận thì lấy đâu lý lẽ thực tiễn để thuyết phục người khác…

 

Cũng vậy, Thanh cũng không mấy dịp tham gia các hoạt động lớp tổ chức. Tới năm thứ 2 Thanh vẫn chưa thuộc hết tên các bạn trong lớp. Đợt diễn văn nghệ thi đua chào mừng ngày thành lập trường, lớp đoạt giải nhì, Thanh vẫn không hay biết. Ngoài thời gian học ở trường, Thanh chỉ biết “đốt” thời gian chết nơi quán net, chát chít và gửi thư. Bạn bè rủ đi học thêm ngoại ngữ, cô bảo ngại học. Bạn cùng phòng rủ đi xem ca nhạc ở KTX, cô cũng lười. Thế là cứ ở nhà, buồn thì ra quán net. Cuộc sống đơn điệu trôi…

 

Bắt mạch “bệnh ì”, “bệnh lười” không khó nhưng tìm cách chữa trị không dễ chút nào. Không ít sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường đã trở thành ông chủ, bà chủ, mỗi tháng kiếm tiền trăm, tiền triệu. Đó là những người đã vượt qua sức ì của chính bản thân họ để thành đạt và được nhiều người biết đến.

 

Còn bạn thì sao? Phải chăng những sinh viên như Trâm, Hằng, Loan, Thanh và còn nhiều sinh viên khác nữa đang tự “kéo” mình tụt hậu vì căn bệnh nhạy cảm và dễ lây nhiễm: “bệnh ì” và “bệnh lười”?

 

Hà Lâm