Những nút “Tạm dừng” bất ngờ của teen

Bạn đã phải rất cố gắng để có được một tấm vé vào trường chuyên của tỉnh hay một trường đại học danh tiếng của cả nước?

Bạn lao đầu vào học chỉ muốn mau chóng ra trường để có thể kiếm tiền tự nuôi sống chính mình và phụ giúp bố mẹ? Đa số trong chúng ta đều như vậy.

 

Thế nhưng, hiện nay có một xu hướng mới nổi lên trong cộng đồng teen chúng ta, “phá tan sự yên bình” đó, điều mà chúng ta có thể gọi là những nút PAUSE (tạm dừng) trong cuộc sống. Rốt cuộc, chúng là gì?

 

Khi được hỏi rằng bạn nghĩ sao về hiện tượng rất nhiều bạn sinh viên quyết định bảo lưu kết quả học tập để tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, để học thêm một môn học mới mẻ, để đi làm kiếm tìm chút kinh nghiệm trước khi học tiếp, hoặc chỉ đơn giản là để đi du lịch nhằm “đổi gió”…, phần lớn các bạn sinh viên đều nói rằng đó là điều hết sức bình thường.

 

Theo Mai Lan (ĐH KHTN), “trước đây, nếu bạn bảo lưu kết quả khi quá trình học tập vẫn đang ở guồng quay của nó, mọi người xung quanh sẽ nhìn bạn với ánh mắt có đôi chút kì thị.

 

Nhưng thời đại đó đã qua rồi, mọi người quen dần với những ngã rẽ bất ngờ của teen. Có thể bởi teen thời nay đã năng động hơn, quyết đoán hơn, và bản lĩnh hơn”. Hãy cùng tớ lắng nghe tâm sự của những người trong cuộc nhé!

 
Những nút “Tạm dừng” bất ngờ của teen  - 1
 

Nghỉ học giữa chừng đi học Hán ngữ

 

Nói là nghỉ học chứ thực ra Ly Ly (TCNH - ĐHKT) chỉ bảo lưu kết quả hai năm đầu tiên ở trường của bạn ấy để lên đường sang Trung Quốc tham gia một khóa học ngắn hạn về Hán ngữ mà thôi.

 

Chia sẻ về quyết định này, Ly nói: “Tớ tìm kiếm cơ hội này trên mạng và rất may mắn đạt đủ các tiêu chuẩn của nó sau gần một năm học thêm ngoại ngữ ở ngoài (bật mí là ở trường, cô bạn này được dạy tiếng Anh chứ không phải tiếng Trung đâu nhé).

 

Mình chỉ báo với những đứa bạn thân thiết về quyết định này nên nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi ngày 30/6 tớ vẫn còn thi môn cuối ở trường mà ngày 6/7 đã vi vu tận Trung Quốc.

 

Tớ học về tài chính, hoàn toàn không có liên quan tới Hán ngữ hay văn hóa Trung Hoa, điều mà tớ sẽ được học trong khóa học ngắn hạn này. Nhưng tớ thực sự thích nó, tớ nghĩ đơn giản, thích thì phải làm ngay, thế thôi. Vì đôi khi, cơ hội chỉ đến với mình một lần duy nhất!”

 

Kiếm tìm kinh nghiệm để học tốt hơn!

 

Đó là mục đích của Nhung (CĐ Du lịch) khi cô bạn tạm khép lại năm học đại cương ở trường đại học để phiêu du cùng các chuyến đi. Với vốn tiếng Anh khá ổn, cách nói chuyện thân thiện và đặc biệt là vô cùng năng động, Nhung nhanh chóng tìm được cơ hội trở thành cộng tác viên cho một công ty du lịch.

 

Nhiệm vụ của cô bạn này những ngày đầu khá đơn giản, chỉ là đi theo các anh chị đã có kinh nghiệm để học tập. Sau hơn 1 tháng “thử việc”, Nhung chính thức được nhận vào làm, cô bạn được nhiều đoàn khách yêu quí và phản ánh lại tình cảm họ dành cho cô với ban giám đốc.

 

“Tớ còn được giám đốc đề nghị kí hợp đồng dài hạn sau khi tốt nghiệp cơ đấy. Hợp đồng 1 năm của tớ ở đây sắp kết thúc rồi, tớ sẽ quay về với công việc học tập ở trường, nhưng tớ vẫn sẽ duy trì lịch làm việc part-time với công ty, sẽ tham gia dẫn các đoàn khách đi tour nếu không trùng lịch học. Đi làm, tớ biết mình đã chọn đúng ngành, tớ vào học với rất nhiều hứng khởi”, Nhung nói.

 

Bỏ học chỉ để…đi chơi!

 

Vân Anh (Thanh Trì, Hà Nội) đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi cố gắng thuyết phục ba mẹ cho phép cô bạn bảo lưu kết quả với lý do đưa ra là…đi chơi. Sau bao nhiêu năm miệt mài đèn sách, sau rất nhiều kì vọng của bố mẹ, cô bạn đã đỗ vào trường ĐH Ngoại Ngữ. Thế nhưng, ngay sau đó, cô bạn lại quyết định tạm gác lại tất cả những thành công đã có được để lên đường đi phượt.

 

Vân Anh đã kể với tớ về hành trình “năn nỉ, ỉ ôi” xin phép bố mẹ của cô nàng: “Tớ tin là không chỉ bố mẹ tớ, mà bất kì bố mẹ nào cũng sẽ khó lòng mà đồng ý với lý do như thế. Nhưng tớ thấy mình thực sự cần được nghỉ ngơi, không phải kì nghỉ vài ngày mà là một năm để lấy lại tinh thần.

 

Tớ biết sau khi kết thúc một năm “lang thang”, tớ sẽ trở thành kẻ xuất phát chậm hơn mọi người, nhưng làm sao biết hết được những điều tớ sẽ học được trên hành trình tớ sẽ đi. Tớ nói với bố mẹ như thế và cuối cùng, trước sự cương quyết của tớ, bố mẹ cũng phải đầu hàng cô con gái cứng đầu, tất nhiên là không quên đính kèm hàng tá lời dặn dò rồi”.

 

“Tạm dừng” hay “Nghỉ hẳn”?

 

Đó là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Trong cuộc sống mỗi người, chúng ta đều cần những khoảng lặng, những khoảng dừng lại bất ngờ để có thể vững vàng đi tiếp. Đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của bạn. Chính vì thế, hãy cân nhắc trước khi quyết định bất kì điều gì bạn nhé!

 

Theo Mực Tím