Những nữ sinh vác bụng bầu lên giảng đường

Sống thoáng, sống thử... và hậu quả là nhiều nữ sinh viên làm mẹ từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Những ông bố, bà mẹ “bất đắc dĩ” này đang đẩy tương lai của mình thành vô định.

Bụng bầu theo chồng không đám cưới

 

Phải vất vả lắm, cô gái có dáng người thấp bé với cái bụng chửa vượt mặt mới đẩy được cánh cửa phòng trọ để tôi bước vào. Căn phòng rộng chưa đầy 15m2, ẩm thấp, tồi tàn chính là tổ ấm nhỏ bé của hai vợ chồng cô cậu sinh viên này.

 

Vũ Ngọc T. kể, cô sinh năm 1993, quê Tuyên Quang, hiện là sinh viên năm thứ ba Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội. Chồng T. là Hoàng Đình H, quê Phú Thọ, cùng tuổi với T, đang học tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, nhưng đành phải bỏ giữa chừng để đi làm kiếm tiền nuôi vợ sắp sinh.

 

“Chúng em quen và yêu nhau từ cuối năm 2012, rồi dọn về ở chung với mục đích tiết kiệm chi phí sinh hoạt vừa có điều kiện chăm sóc cho nhau. Nhưng chỉ sau vài tháng khi ở chung, chúng em đã có em bé. Chồng em đành nghỉ học đi làm thuê kiếm tiền lo cho hai mẹ con em”, T. buồn rầu kể.

 
Những nữ sinh vác bụng bầu lên giảng đường
Phòng trọ sinh viên thường chật chội, tồi tàn, sinh hoạt tối thiểu còn được chứ để nuôi con là điều không dễ dàng
 

May mắn được gia đình hai bên chấp thuận, nhưng vợ chồng T. cũng không thể trông chờ nhiều vào sự hỗ trợ kinh tế từ gia đình. T. chia sẻ: “Gia đình em làm nghề nông, bố mẹ phải chạy vạy khắp nơi mới có tiền nuôi em ăn học, còn phía nhà H., bố anh ấy bị bệnh suy tim nặng, nằm viện triền miên. Đã không giúp được bố thì thôi, nên chúng em đành tự xoay sở để lo cho đứa con sắp chào đời”.

 

Bỏ học, H. (chồng T) bây giờ theo người ta làm thợ lắp rèm cửa kiếm tiền trang trải cuộc sống của cả hai. Bụng bầu 7 tháng nhưng T. vẫn cố gắng đi học và lo việc nội trợ. “Trước lúc mang bầu, em nặng có 38kg, sức khỏe vốn đã yếu... Thời gian mang bầu em cũng chả có gì bồi dưỡng vì không có tiền. Rồi khi đi học cũng vất vả lắm, mọi người hay nhìn ngó, xì xầm.

 

Ngay cả thuê nhà cũng khó khăn, chủ nhà thường sợ bà bầu sinh đẻ xui xẻo. Giờ con sắp chào đời, em lo lắm. Một mình “chồng” em đi làm thuê chắc chả nuôi nổi hai mẹ con, thôi đành cố gắng được ngày nào hay ngày ấy”, T. ngậm ngùi.

 

Nuôi con một mình

 

Trong căn nhà trọ ẩm thấp ở khu Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội, bé M. gần một tuổi đang tha thẩn chơi một mình. Trong phòng, hai cô sinh viên vừa ngồi học, vừa canh chừng bé. “Mẹ bé đi làm rồi, cứ khi đi làm chị ấy lại gửi con nhờ bọn em trông giúp.

 

Cũng may thằng bé ngoan, đói thì khóc đòi ăn, rồi tự lăn ra ngủ, chứ bọn em chưa có kinh nghiệm trông trẻ gì”, Thảo, cô sinh viên Trường ĐH Điện lực nhanh nhảu trả lời khi tôi hỏi thăm về mẹ cháu bé.

 

Theo lời Thảo, mẹ bé M. cũng từng là sinh viên. Vốn là một cô gái xinh xắn, nên ngay từ năm thứ nhất đại học, L. (mẹ cháu M - PV) đã có nhiều người “trồng cây si”. Nhận lời yêu một cậu công tử nhà ở phố cổ Hà Nội và được công tử thuê cho căn chung cư mini ở, L. khiến nhiều nữ sinh viên cùng khu trọ ghen tỵ vì số “son”, yêu được người vừa đẹp trai, vừa giàu, hào phóng. Nhưng L. dọn khỏi khu trọ được 4 tháng thì đã xách đồ đạc trở về với cái bụng bầu, trong khi người tình “ga lăng” đã cao chạy xa bay.

 

Yêu vội, nên L. cũng không hề biết nhà cửa, nhân thân của người yêu mình. Gọi vào di động của chàng thì lần nào cũng “ngoài vùng phủ sóng”. Cố gắng tìm kiếm, chờ đợi, nên khi tắt hy vọng, thì L. cũng không thể phá bỏ thai được nữa vì thai đã quá to. L. đành sinh con và nuôi con một mình mà không dám cho bố mẹ ở quê biết.

 

Theo lời Thảo, L. đã phải vay mượn khắp nơi để lo trang trải cuộc sống. “Giờ chị ấy đi làm thêm suốt, thằng bé cứ gửi quanh ở khu này, ai đi học thì lại gửi sang cho người ở nhà trông hộ. Chị ấy vẫn cố theo học, nhưng vì nghỉ nhiều nên thi lại liên miên, chả biết trường có cho học nữa không”, Thảo lo lắng.

 

"Với các bạn sinh viên nếu lỡ mang bầu, sinh con thì cần ưu tiên số một việc đảm bảo sức khỏe cho bản thân và đứa trẻ, đừng quá căng thẳng, suy nghĩ hay hành động tiêu cực.

 

Các bạn có thể tạm thời xin nghỉ học để sinh con một cách khỏe mạnh, an toàn, giải quyết tốt nhất các vấn đề liên quan đến gia đình, sau đó tiếp tục đi học”. Ths. Mã Ngọc Thể, giảng viên Tâm lý học, Đại học Tân Trào (Tuyên Quang).

 

Theo Hoàng Nam

Giao thông vận tải

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm