Những "nông dân triệu phú" trẻ tuổi tỉnh Nghệ An

(Dân trí) - Một điều dễ nhận thấy là trong số gần 30 gương mặt thanh thiếu nhi tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2016 có đến 11 ông chủ trẻ - những người đã gặt hái được thành công trong lĩnh vực nông nghiệp. Họ là chứng minh sinh động nhất về những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân để khẳng định mình trên mảnh đất quê hương.

Ông chủ trẻ Đặng Văn Tuấn bên vườn cam của mình.
Ông chủ trẻ Đặng Văn Tuấn bên vườn cam của mình.

24 tuổi Đặng Văn Tuấn đã là ông chủ có tiếng ở xã Minh Hợp (Quỳ Hợp, Nghệ An), đồng thời cũng là Bí thư đoàn thanh niên xóm Minh Cầu. Trong năm 2015, tổng thu nhập của gia đình Tuấn lên tới 600 triệu đồng, chủ yếu từ cam, cao su, quýt.

Học xong cấp 2, nếu như các bạn trẻ khác cố gắng vào học các trường đại học, cao đẳng hay chọn cách rời quê đến các khu công nghiệp làm việc thì Tuấn quyết tâm bám trụ với đồng đất quê mình. Ý tưởng phát triển kinh tế vườn đồi của chàng thanh niên trẻ phải tạm ngừng khi Tuấn lên đường nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ của người công dân đối với Tổ quốc.

“Ở trong quân ngũ em tự tìm sách báo hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả lâu năm để chuẩn bị cho ngày xuất ngũ, thực hiện tiếp kế hoạch của mình. Năm 2014 em ra quân, bố mẹ vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện hơn 300 triệu đồng để làm vốn phát triển kinh tế”, Tuấn cho hay.

Với sự hỗ trợ từ gia đình, Tuấn kế thừa 9ha đất giao khoán để trồng cao su, cam, quýt, chè… với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Vốn là dân “tay ngang”, trong khi đó kỹ thuật chăm bón theo kiểu kinh nghiệm truyền thống không phát huy được hiệu quả như mong muốn, Đặng Văn Tuấn phải vừa làm vừa học hỏi dần.

Sau 2 năm làm ông chủ, Đặng Văn Tuấn có thể kể vanh vách sâu nào dùng thuốc gì, giai đoạn phát triển nào thì chăm sóc ra sao. Bên cạnh phát triển kinh tế, mô hình của Tuấn còn giải quyết việc làm cho gần 20 đoàn viên thanh niên.

Với phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp, nhiều đoàn viên thanh niên Nghệ An làm giàu từ mô hình kinh tế trang trại (Trong ảnh là ĐVTN tham quan mô hình nuôi lợn rừng ở Quỳ Châu, Nghệ An).
Với phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp, nhiều đoàn viên thanh niên Nghệ An làm giàu từ mô hình kinh tế trang trại (Trong ảnh là ĐVTN tham quan mô hình nuôi lợn rừng ở Quỳ Châu, Nghệ An).

“Không phải cứ ly hương hay ly nông mới có thể thành công. Em nghĩ với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chịu khó học hỏi và chịu thử thách, kể cả việc chấp nhận thất bại thì người trẻ có thể đứng vững ngay trên chính quê hương mình”, Đặng Văn Tuấn tâm sự.

Nếu như Đặng Văn Tuấn lựa chọn mô hình vườn đồi để phát triển kinh tế thì Nguyễn Xuân Hưng (SN 1984, xã Thượng Sơn, Đô Lương, Nghệ An) lại lựa chọn mô hình chăn nuôi trang trại để kiếm kế sinh nhai cho gia đình. Trong thời điểm ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn như dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao… thì mô hình chăn nuôi gia cầm của Hưng cũng đứng trước nhiều thử thách.

Từ chỗ nuôi thử nghiệm vài chục đến vài trăm con, hiện trang trại của Nguyễn Xuân Hưng đã được mở rộng quy mô lên 0,5ha với trên 5.000 con gia cầm. Vừa nuôi gia cầm bán thịt, vừa nuôi lấy trứng, trung bình mỗi năm ông chủ trẻ này lãi ròng khoảng 200 triệu đồng.

Phó Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Hội LHTN xã Nghi Tiến (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) Trần Văn Vinh (SN 1986) còn biết đến là một ông chủ trẻ táo bạo và khá mát tay trong lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là mô hình chăn nuôi vịt trời. Một lần trên ti vi giới thiệu mô hình thuần hóa, chăn nuôi vịt trời, nhận thấy quê hương mình có đồng bãi phù hợp, Vinh quyết định đầu tư vốn liếng để thử nghiệm.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hồ Đức Phớc tặng quà cho một nhà nông trẻ tại buồi đối thoại với thanh thiếu nhi tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2015.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hồ Đức Phớc tặng quà cho một nhà nông trẻ tại buồi đối thoại với thanh thiếu nhi tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2015.

Với giá 70 nghìn đồng/con vịt giống, Vinh mua 100 con về để gây đàn. Sau 5 tháng chăm bẵm, đàn vịt trời của Vinh đã cho những quả trứng đầu tiên. Ông chủ trẻ quyết định để toàn bộ số trứng đó lại ấp, tiếp tục nhân giống.

Từ 100 con giống đầu tiên, trải qua 2 năm, đàn vịt của Trần Văn Vinh đã lên đến trên 3.000 con. Thịt vịt trời hiện đang có giá và rất được ưa chuộng, trung bình mỗi kg vịt trời có giá 200 nghìn đồng, cao hơn gần gấp đôi so với vịt thường.

Bên cạnh bán vịt thịt, bán trứng, Vinh đầu tư lò ấp trứng để bán vịt giống. Trung bình mỗi tháng ông chủ trẻ này xuất bán 500 con vịt giống với giá từ 30-40 nghìn đồng/con. Cùng với mô hình chăn nuôi vịt trời, Vinh đang từng bước “lấn sân” sang lĩnh vực chăn nuôi hươu, kinh doanh vật liệu xây dựng. Không những tạo việc làm với thu nhập ổn định 3 triệu đồng/tháng cho 8 lao động khác, mô hình phát triển kinh tế của Trần Văn Vinh còn cho thu nhập hàng năm từ 150-200 triệu đồng.

Ông Đặng Đình Quang – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Nghệ An cho biết: “Phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp là vấn đề quan tâm đặc biệt không chỉ đối với Tỉnh đoàn mà còn là mối quan tâm của nhiều địa phương trong toàn tỉnh.

Trên thực tế đã có nhiều tấm gương của những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương. Họ đã chứng minh rằng, không phải cứ đi xa mới lập nghiệp được mà bằng trí tuệ, bằng sức trẻ, bằng bản lĩnh, họ có thể thành công, thành danh ngay trên chính mảnh đất quê hương mình".

Hoàng Lam