Những người từ chối “lời mời nghìn đô”

Những lời mời “nghìn đô” tại nước ngoài không giữ chân được họ. Mang theo lòng nhiệt tình cộng với kiến thức, những bạn trẻ này đã trở về và tỏa sáng trên quê hương.

"Nếu muốn về nước, phải về trước 30 tuổi, trót "đèo bòng" vợ con rồi thì phải chờ đến năm 60 tuổi, khi nghỉ hưu và con cái lớn mới có thể về sống lâu dài ở quê hương được", Phạm Minh Tuấn, Giám đốc vườn ươm doanh nghiệp công nghệ CRC-TOPIC, ĐH Bách khoa Hà Nội suy nghĩ như vậy. Và anh quyết về Việt Nam khi chưa "đèo bòng".

 

Theo gia đình sang Hungary sinh sống từ năm 1989, có hai bằng thạc sĩ Khoa học máy tính của Hungary và Quản trị kinh doanh của ĐH New York (Mỹ), 7 năm làm việc trong các cương vị khác nhau như trưởng phòng phát triển phần mềm, quản lý dự án quỹ đầu tư mạo hiểm, chuyên gia tư vấn chiến lược cao cấp tại Mỹ, Hungary, Singapore, Thụy Điển... Minh Tuấn bỏ lại mức lương hơn 10.000 USD/tháng của Tập đoàn Tư vấn chiến lược kinh doanh toàn cầu McKinsey (trụ sở tại Mỹ) để trở về nước.

 

Trước nhiều lời mời vào vị trí lãnh đạo quỹ đầu tư hoặc các ngân hàng, cuối cùng Tuấn quyết định thành lập vườn ươm chuyên gieo "hạt giống" là các doanh nghiệp công nghệ.

 

Tuấn chỉ vào những chứng chỉ, bằng khen nhiều tổ chức quốc tế công nhận vườn ươm của các anh được đánh giá hạng Top Ten của thế giới: "Chúng tôi đang có một tập thể đoàn kết, trí tuệ và đầy nhiệt huyết. Chúng tôi đang hướng đến hai mục tiêu: một là chứng minh được trí thức Việt Nam có thể đạt trình độ hàng đầu thế giới ngay trong môi trường Việt Nam; hai là tạo điều kiện cho đông đảo các bạn trẻ ít có điều kiện hơn chúng tôi tiếp cận tri thức và phát huy tài năng của họ".

 

Một tin vui đến vào những ngày giáp Tết, vườn ươm CRC-TOPIC, một trong những vườn ươm đầu tiên tại Việt Nam, vừa được Ngân hàng Thế giới chọn vào 4 vườn ươm doanh nghiệp điển hình toàn cầu. Quỹ Development Gateway (Mỹ) lựa chọn TOPIC64 vào hạng 7/160 chương trình tin học xuất sắc trên toàn thế giới.

 

CRC-TOPIC đã hoàn thành mạng lưới tại 15 tỉnh thành và đang vươn ra cả 64 tỉnh thành, ươm tạo trên 70 đơn vị, doanh nghiệp công nghệ, tạo ra hàng trăm việc làm trong ngành tin học, môi trường, thực phẩm, đào tạo tin học cho khoảng 60.000 học viên. CRC-TOPIC đang phát triển mạnh cả về chất và lượng là thành quả mà Tuấn và các cộng sự có được sau nhiều ngày "một nắng hai sương cày cuốc" trên... bàn phím.

 

Người của công chúng

 

Gặp chàng ca sĩ Sao Mai - Điểm hẹn Hà Anh Tuấn những ngày cuối năm thật khó. Tuấn nay Sài Gòn, mai Hà Nội, khi lại ở tận bên Đức xa xôi. Hỏi ra mới biết, Tuấn không chỉ "chạy sô" đi hát mà anh còn liên tục phải gặp gỡ đối tác cho dự án xúc tiến du lịch đưa khách từ Đức về Việt Nam.

 

Giữa năm 2006, Tuấn về nước. Vốn liếng ban đầu của anh chàng điển trai là những năm học ngành hóa học tại Đức và một số kiến thức về quản trị kinh doanh, tài chính... Cái đáng quý nhất mà Tuấn học được tại nước ngoài chính là các mối quan hệ nền tảng cho công việc kinh doanh.

 

Tuấn bật mí: "Gia đình tôi đang điều hành công ty du lịch và thương mại nên tôi đã học thêm cả quản trị kinh doanh và quan trọng hơn, tôi học cách người phương Tây làm du lịch. Tôi quyết định trở về nước để phát triển dịch vụ du lịch trong công ty của gia đình. Đến với Sao Mai - Điểm hẹn là bước đầu tiên, còn giờ đây Tuấn sẽ vừa hát vừa làm kinh doanh".

 

Không chỉ có những sinh viên Việt trở về sau chuyến tầm sư học đạo ở nước ngoài, giờ đây những thanh niên gốc Việt nói tiếng nước ngoài tốt hơn tiếng mẹ đẻ cũng đang rất muốn trở về. Nếu đặt câu hỏi: “Ai là người nói tiếng Anh "đỉnh" nhất của Đài truyền hình Việt Nam hiện nay?” thì 90% câu trả lời sẽ là Louisa Huỳnh Thanh Thuận. Cô gái Mỹ gốc Việt đã trở thành "sao" ở kênh VTV4.

 

Không chỉ "nổi" khi là MC kiêm biên tập viên cho chương trình Talk Vietnam, Louisa Huỳnh còn là người hiệu đính các văn bản tiếng Anh cho Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam. Gần đây nhất, với vai trò MC chương trình Gala Dinner tại Hội nghị APEC trước đông đảo quan khách của 21 nền kinh tế thành viên, Louisa Huỳnh đã trở nên nổi tiếng trong cả giới truyền thông.

 

Học ngành báo chí tại Mỹ, ra trường học thêm bằng luật và luôn rèn luyện cật lực để trở thành MC truyền hình, mùa hè năm 2005, cô gái 25 tuổi Louisa Huỳnh đã có một chuyến đi làm thay đổi cuộc đời. Trong một chuyến đi chơi về Việt Nam, Louisa Huỳnh gặp một người bạn của ông cậu ruột, người này nói sẽ giới thiệu cô với một anh bạn tại kênh VTV4 Đài THVN. Louisa Huỳnh về Mỹ và không đặt đến 1% hy vọng vào lời hứa đó. Cho đến một ngày đẹp trời, cô nhận điện thoại từ Việt Nam với lời mời về thử việc dẫn chương trình cho VTV4. Ngay lập tức, cô gái gốc Việt xách vali về Việt Nam.

 

Bên quán cà phê, Louisa Huỳnh cười: "Bây giờ thì em có thể khẳng định là sẽ sống lâu dài tại Việt Nam rồi. Mặc dù rất nhớ gia đình ở Mỹ nhưng cơ hội việc làm rất tốt ở Việt Nam đã khiến em ở lại. Không gì bằng có được sự thành công trên quê cha đất tổ, phải không anh?".

 

Theo Káp Thành Long
Thanh Niên