Những người trẻ Việt sống hết lòng vì mọi người trong dịch bệnh
(Dân trí) - Những câu chuyện đẹp về tình người ấm áp trong đại dịch Covid-19 của các bạn trẻ Việt Nam truyền đi năng lượng tích cực, khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng và lạc quan.
Chàng trai F0 xin làm điều dưỡng, gội đầu cho cả khoa điều trị Covid-19
Trong khi điều trị Covid-19 tại khoa Nhiễm 1, Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TPHCM), Hà Ngọc Trường (28 tuổi) tình nguyện trở thành "điều dưỡng" đặc biệt, giúp đỡ những bệnh nhân tại đây ăn uống, vệ sinh và gội đầu.
Ngọc Trường chia sẻ với Dân trí: "Sau khi mình tạm ổn định sức khỏe, cai được oxy và có thể đi lại bình thường, mình đã nghĩ ngay tới việc phải làm gì đó như dọn dẹp vệ sinh phòng bệnh, hỗ trợ chăm sóc các F0 triệu chứng nặng để giúp đỡ mọi người ở đây, một phần để các y bác sĩ bớt vất vả hơn. Rồi mình nhờ các anh, chị bác sĩ hướng dẫn cho cách thay bình oxy, cách chăm sóc cho những bệnh nhân nặng không thể tự sinh hoạt. Từ thay tã, lau người, gội đầu,... mình nhận làm hết".
Ngoài thời gian làm "điều dưỡng", Ngọc Trường còn tranh thủ lau chùi, quét dọn vệ sinh tại phòng bệnh, đôi khi cùng các nhân viên y tế đón F0 nhập viện. Trước đó, mẹ của anh mới mất vì Covid-19 nhưng anh nén đau thương, tình nguyện ở lại bệnh viện dã chiến để cùng họ giật lại sự sống. Trường coi việc làm của mình để trả ơn lực lượng y tế.
Ba chị em ruột cùng đăng ký tham gia chống dịch ở TPHCM
Cuối tháng 7/2021, ba chị em Trần Thị Tú Linh, Trần Thị Huyền Trang và Trần Thị Thanh Tuyền quê ở Quảng Trị cùng đăng ký lên tuyến đầu chống dịch tại TPHCM.
Tú Linh và Huyền Trang cùng làm việc ở quận Gò Vấp (TPHCM). Khi dịch bùng phát trở lại, hai chị em liền đăng ký tham gia chống dịch với mong muốn "đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào công tác chống dịch của thành phố". Ít ngày sau khi hai chị đi chống dịch, cô em út Thanh Tuyền vừa được tiêm vắc xin cũng đăng ký tham gia tình nguyện.
"Ban đầu, khi báo tin ba chị em sẽ cùng tham gia chống dịch, mẹ mình không ủng hộ và lo lắng. Nhưng chúng mình vẫn giấu mẹ đi làm, sau một tuần mẹ phát hiện và dần ủng hộ quyết định của ba chị em", Tú Linh chia sẻ.
Bố mất sớm nên chỉ có một mình mẹ ở quê. Để mẹ yên tâm, tối nào ba chị em cũng gọi điện về nói chuyện, tâm sự. Mẹ Linh động viên cả ba cố gắng và đặc biệt phải giữ gìn sức khỏe, cẩn trọng khi đi chống dịch.
Nữ tiếp viên hàng không "làm mẹ" bất đắc dĩ vì dịch Covid-19
Từ khi dịch bùng phát phức tạp và căng thẳng, công việc của nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Thu Hằng (26 tuổi, trú tại quận Gò Vấp, TPHCM) bị ảnh hưởng rất nhiều. Vì không còn nhiều chuyến bay, Thu Hằng tình nguyện tham gia hỗ trợ chống dịch. Nhìn thấy thông báo của Bệnh viện Hùng Vương đăng tuyển tình nguyện viên làm bảo mẫu chăm sóc cho trẻ sơ sinh có bố mẹ là F0, Hằng ngay lập tức đăng ký tham gia.
Mặc dù chưa lập gia đình và cũng chưa có kinh nghiệm chăm trẻ nhỏ, nhưng chỉ cần nghĩ đến những em bé mới chào đời đã phải xa vòng tay ba mẹ vì dịch bệnh, Hằng đã không một phút ngần ngại.
Dù công tác tình nguyện làm bảo mẫu cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nhưng vì tình yêu dành cho các thiên thần nhỏ, cũng như được sự ủng hộ của ba mẹ, Thu Hằng đã quên hết những khó khăn cũng như nguy hiểm mà dốc sức hoàn thành nhiệm vụ.
"Ban đầu cũng cảm thấy hoang mang lắm, vì chưa ai có kinh nghiệm làm mẹ nhưng có các cô điều dưỡng qua lại thường xuyên để kiểm tra và hỗ trợ nên cũng dần quen. Chỉ cần được nhìn thấy gương mặt đáng yêu của các thiên thần nhỏ là mình lại như được tiếp thêm động lực, quên hết khó khăn, mệt nhọc vì thức đêm hay những sự lúng túng ban đầu", Hằng cho biết.
Hai nữ tình nguyện viên ôm F0 vào bệnh viện cấp cứu
Chiều 6/8, trạm y tế thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn nhận điện thoại cấp cứu từ người nhà bệnh nhân. Đội cấp cứu lưu động tại nhà tức tốc lên đường đến khu phố 5 để sơ cấp cứu cho F0.
Sau khi kiểm tra, nhận thấy tình trạng sức khỏe bệnh nhân chuyển biến xấu, lượng oxy trong máu quá thấp khiến bệnh nhân khó thở, đội quyết định chuyển bệnh nhân vào Bệnh viện đa khoa Hóc Môn.
Trên đường vận chuyển bệnh nhân phải dùng thêm bình oxy, liên tục quạt để có gió và đo huyết áp. Do tình thế khẩn cấp, hai nữ tình nguyện viên là Trần Thị Anh Na, sinh viên năm hai, khoa Y khoa, Đại học Nguyễn Tất Thành và Đỗ Thị Hiền, sinh viên năm hai, trường Cao đẳng Viễn Đông đã phải bế F0 từ xe xuống băng ca cứu thương.
Được biết, đây không phải lần đầu hai nữ sinh tiếp nhận ca cấp cứu nhưng là lần đầu trực chiến mà không có sự trợ giúp của cấp trên. Na và Hiền là những tình nguyện viên trẻ tuổi, chấp nhận gác chuyện học, rời xa gia đình để lên đường tham gia chống dịch tại các địa phương.
9x tình nguyện lái xe cấp cứu chở F0
Đỗ Đăng Khoa, 21 tuổi, sinh viên ngành Tài nguyên môi trường, Đại học Kiên Giang đã tình nguyện tham gia vào đội phản ứng nhanh lái xe cứu thương, vận chuyển hàng trăm bệnh nhân F0, F1 tới bệnh viện và khu cách ly.
Một ngày làm việc của Đăng Khoa thường bắt đầu từ 8 giờ sáng, công việc chính là tài xế lái xe cứu thương, đi cùng các bác sĩ, các tổ truy vết để vận chuyển các bệnh nhân F0, F1 về nơi điều trị và các khu cách ly tập trung.
Công việc tài xế "không chuyên" của chàng sinh viên trẻ được bắt đầu hết sức tình cờ. Do đang trong thời gian nghỉ hè không phải đến trường, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Kiên Giang nên Khoa đã đăng ký hỗ trợ các chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Sau đó, nghe được thông tin tỉnh thiếu tài xế chở bệnh nhân F0, nhận thấy bản thân đủ yêu cầu nên Khoa đã chủ động tham gia vào Đội phản ứng nhanh - khoa Kiểm soát bệnh tật của Trung tâm Y tế thành phố Rạch Giá.
Nam sinh lớp 11 vận chuyển bình oxy cứu F0 sau khi khỏi bệnh
Khỏi bệnh sau 14 ngày dương tính với Covid-19, Nguyễn Minh Đức, học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TPHCM) không ngồi yên ở nhà mà xin gia nhập đội tình nguyện viên vận chuyển bình oxy cho các F0 trong quận.
Ban đầu, Minh Đức đăng ký đi tình nguyện ở bệnh viện dã chiến nhưng chưa thấy phản hồi. Nam sinh liên hệ Quận đoàn quận 4, TPHCM và ngay lập tức nhận được sự đồng ý. Cậu học trò được các anh chị đi trước "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn các thao tác ôm bình ra sao, lắp đặt bình như thế nào cũng như lúc thu hồi, nạp thêm oxy cho các bình cần xử lý ra sao cho an toàn nhất.
Nhóm của Đức có nhiệm vụ trực điện thoại đường dây nóng, F0 nào đang cách ly tại nhà mà cần bình oxy là khẩn trương lên đường. Đường dây nóng hoạt động 24/24, Đức và các tình nguyện viên khác chia thành các ca để đảm bảo bất cứ lúc nào cũng có thể hỗ trợ người bệnh.