Những người trẻ “phi chính phủ”

Lớn lên trong thời hội nhập, có nhiều cơ hội tham gia hoạt động của các tổ chức quốc tế, đi ra nước ngoài và ý thức về vị thế đất nước, nhiều bạn trẻ đã dần định hình ước mơ góp phần giúp Việt Nam xóa nghèo, nâng cao trình độ dân trí… Họ đang quăng mình cho 2 từ: phát triển!

Tại hội nghị sinh viên quốc tế được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản vừa qua, Huỳnh Minh Việt, ĐH Stanford (Mỹ) là một trong hai speaker trẻ nhất, với bài thuyết trình về giáo dục ĐH có nội dung “Làm thế nào để phục vụ xã hội từ khi còn ngồi trong giảng đường đại học”.

 

Về mục đích của bài thuyết trình, Việt nói “để khuyến khích các bạn sinh viên làm công tác xã hội có tính lâu dài”. Trong hồ sơ đăng ký tham gia hội nghị, Việt nói về tham vọng “làm về phát triển cho các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới hoặc Liên hợp quốc (LHQ)”.

 

Đây cũng là đam mê của rất nhiều bạn trẻ hiện nay: Mong muốn được tham gia vào các dự án vì cộng đồng: xóa đói giảm nghèo, tuyên truyền phòng chống các bệnh truyền nhiễm, cải thiện đời sống cho người dân… nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà LHQ đề ra.

 

Những người say mê “phát triển”

 

Dương, SV mới tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG HN hiện đang là một intern (người thực tập học việc) cho tổ chức phi chính phủ (Non-goverment Organization: NGO) có tên CCF - Christian Children Fund của Australia, chuyên về các dự án hỗ trợ cộng đồng, trong đó, có tập trung vào đối tượng là trẻ em. Thời gian thực tập ở CCF khi là sinh viên năm cuối đã hình thành trong Dương mong muốn đi theo hướng làm tại các NGO. Việc tiếp xúc với trẻ em, dịch các lá thư bày tỏ cảm xúc của các em với các nhà tài trợ tại đây đã giúp Dương nâng cao hơn khả năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ và tác phong làm việc hiện đại.

 

Sau khi làm điều tra cho một dự án về phòng chống thuốc lá, một dự án do một tổ chức phi chính phủ có tên IDE (International Development Enterprises) phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế, Bảo Ngọc, sinh viên năm cuối trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG HN hình thành sở thích học về Môi trường với hy vọng có thể được tham gia vào các dự án cải tạo môi trường.

 

Là một cán bộ Đoàn, đồng thời là đội trưởng đội Tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên, trường ĐH Khoa học và Xã hội và Nhân văn, Trần Phương Ngân làm bắt đầu làm về “phát triển” qua các chương trình tuyên truyền tổ chức ngay chính bởi Đội của mình.

 

NUS-84 (National University of Science), một nhóm sinh viên Khoa Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên HN thì đến với “phát triển” từ việc tham gia dự thi và đạt giải trong “Chương trình Đại sứ các vùng đất ngập nước” do WWF (World Wild Fund) tổ chức.

 

Có lẽ NUS nằm trong số những người trẻ nhất đến với phát triển do “84” là năm sinh trung bình của 6 thành viên trong nhóm. Nhận được thư mời của WWF, nhóm tự tin về khả năng tham gia và bắt tay vào dự án. Dù đang là sinh viên và bận thi học kỳ, nhóm vẫn nỗ lực dành thời gian về tận một vùng xa để khảo sát thực hiện dự án.

 

Làm chơi hay làm thật?

 

Theo Huỳnh Minh Việt, rất nhiều bạn trẻ Việt Nam có các ý tưởng hay, song nhiều khi chưa dám thực hiện, bởi chưa có nguồn hỗ trợ và chưa đủ tự tin vì tâm lý cho rằng ý tưởng quá xa vời. “Có ý tưởng, tự tin và mạnh dạn đưa nó thành hiện thực, có thể làm được phát triển. Hãy hiểu phát triển theo cách thật đơn giản” - Việt tâm sự.

 

Việt cùng một người bạn, Kevin Siew đã sáng lập ra một tổ chức có tên SEALNet (South East Asian Leadership Network) - Tổ chức các nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á. Hè 2005 khi về Việt Nam làm intern tại Ngân hàng Thế giới, Việt đã tranh thủ thời gian thực hiện dự án “Project Vietnam 2005” nhằm trang bị phòng học tiếng với các chương trình phần mềm tiếng Anh cho Thành Đoàn TPHCM.

 

Vào thời điểm làm thực tập sinh tại Ngân hàng Thế giới, mặc dù có nhiều việc phải làm, Việt vẫn tận dụng thời gian viết đề cương dự án để xin tài trợ và đã được một số tổ chức bên Mỹ đồng ý cung cấp máy tính chuyển về Việt Nam. Mới đây, vào những ngày gần cuối tháng 9 này, Việt đã chuyển thêm được 60 máy tính nữa về các vùng sâu, vùng xa với mong muốn được phổ cập tin học cho người dân nơi đây.

 

Cũng trong mùa hè vừa qua, một số bạn trẻ Việt Nam đã tham gia vào một hoạt động tình nguyện trợ giúp cộng đồng tại làng chài ven Hà Nội khởi xướng bởi một tổ chức thanh niên quốc tế của Bỉ có tên JAVVA trong đó có sự phối hợp với UNV Volunteer).

 

Nhóm đã cùng nhiều bạn trẻ đến từ các quốc gia khác tìm hiểu về cuộc sống của dân chài, giáo dục về sức khỏe và các bệnh truyền nhiễm, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, cải tạo thuyền đánh cá và cải thiện sự liên hệ giữa người dân và chính quyền địa phương. JAVVA đã phối hợp với các tổ chức khác như tổ chức sinh viên tình nguyện của Pháp có tên “un ETAI pour le Vietnam” để được hỗ trợ về mặt nhân lực cũng như kinh phí trong dự án lọc nước và kết hợp với khoa Dược để khám và cấp thuốc cho trẻ em.

 

“Phát triển” sẽ phát triển?

 

Thực hiện được các dự án nhỏ và làm sao để duy trì và làm lớn mạnh các hoạt động đó là điều quan trọng.

 

Huỳnh Minh Việt đang viết đơn xin tài trợ tiếp tục dự án của mình nhằm triển khai ra cả miền Bắc vào hè năm sau khi dịp về thăm Việt Nam. Ngoài ra, Việt cũng muốn truyền niềm đam mê của mình cho các em học sinh. Những buổi tập huấn kỹ năng thuyết trình, những lời động viên các học sinh trường Hà Nội - Amsterdam bắt tay vào thực hiện các ý tưởng là những việc Việt đã cố gắng thu xếp thực hiện trong hè này về Việt Nam.  

 

Đối với nhiều bạn trẻ khác, việc học thêm một chuyên ngành và học qua công việc cũng nằm trong danh sách ưu tiên. Phương Ngân dự định vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động mà mình đang duy trì và sẽ học thêm về Kinh tế để có cái nhìn bao quát hơn về phát triển.

 

Cũng còn nhiều các bạn trẻ khác nữa đang “gõ cửa” các tổ chức phi chính phủ như “Save the Children UK” hay “Oxfam” để tìm cơ hội thực tập học việc, tức là sẵn sàng làm không lương để tích lũy kinh nghiệm và kiến thức liên quan.

 

Còn với, NUS-84, ý tưởng của họ không chỉ dừng lại ở đó. Hè này, nhóm đã đi cùng phong trào tình nguyện của trường với chủ đề “Kết hợp nghiên cứu khoa học với truyền thông môi trường” để tiếp tục thực hiện dự án. Hiện nhóm đã chọn địa điểm triển khai là huyện đảo Vân Đồn với lý do “Lên rừng rồi bây giờ chúng em xuống biển”. Kinh phí thực hiện được xin từ nhà trường, hội sinh viên, và gõ cửa các tổ chức và các đại sứ quán”.

 

Về triển vọng của nhóm, Hạnh cười nói “Em hy vọng rằng, trong tương lai, nhóm chúng em sẽ lớn mạnh hơn thành một tổ chức, và không chỉ có thành viên trong lớp mà còn tập hợp tất cả những người quan tâm với nhiều chuyên nghành khác nhau”.

 

Nói về học trò của mình, thày Lê Văn Lanh, giảng viên khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tự hào: “Các bạn trẻ thật năng động. Họ có tham khảo ý kiến tôi về dự án và tôi cũng chỉ chia sẻ với họ một vài suy nghĩ, và điều kỳ diệu là họ đã bạo dạn biến được ý tưởng đó thành những hành động thực sự. Tôi rất tin tưởng vào khả năng phát triển của họ”.

 

Theo Thanh Tú
Vietnamnet