Những người trẻ ngày đêm bên người bệnh
Chúng tôi gặp PGS. TS Trần Trọng Hải trong một buổi chiều bàng bạc gió, tại một góc quán cà phê nhỏ bên đường Trần Khánh Dư, gần bệnh viện Hữu Nghị khi Thầy đang động viên, chia sẻ với điều dưỡng viên Nguyễn Thị Nhài sau một ca trực.
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Nhài gương mặt mệt mỏi, ngước cặp mắt còn đọng nước nhìn chúng tôi: “Anh ạ, người bệnh do em chăm sóc vừa mới mất chiều nay”…
Qua Nhài, chúng tôi biết rằng bệnh nhân Nguyễn Thị T. (80 tuổi, trú tại Tây Hồ) bị bệnh phổi, nhập viện điều trị từ 4 tháng trước đây. Bà T. hoàn cảnh neo đơn, chồng mất sớm, có một cô con gái đang định cư tại Canada.
Khi bà T. bị trọng bệnh, em trai bà T. đưa bà vào nhập viện và đồng thời liên hệ với Viện Khoa học Điều dưỡng và Phục hồi chức năng để đăng ký dịch vụ điều dưỡng chăm sóc người bệnh tự nguyện.
Nhài là điều dưỡng viên được Viện cử đến chăm sóc bà T. Nhài kể, bà T bị trầm cảm nặng. Trong tuần đầu tiên chăm sóc, luôn phải có người bên cạnh vì bà sợ một mình và sợ tiếp xúc với người lạ. Trong 4 tháng kể từ khi nhập viện Nhài trở thành người thân duy nhất bên cạnh, nghe bà nói chuyện, tâm sự.
Khi chị Thiêm từ Canada về đã cảm động và cảm ơn Nhài về thời gian qua đã thay chị chăm sóc bà T. Bà T cũng rất vui, nhưng kiên quyết muốn giữ Nhài bên cạnh để tiếp tục chăm sóc. Khi trở nên rất yếu, bà vẫn dành tình cảm nhiều cho Nhài.
Trao đổi với PGS.TS Trần Trọng Hải, Viện trưởng Viện Khoa học Điều dưỡng và Phục hồi chức năng, thầy cho biết thêm: Mô hình Điều dưỡng cộng đồng là một trong những đề tài mà Viện Khoa học Điều dưỡng và Phục hồi chức năng đang nghiên cứu và triển khai.
Từ trước đến nay, môi trường lao động của các điều dưỡng là ở bệnh viện, phòng khám, các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế. Tuy nhiên nhu cầu điều dưỡng tại cộng đồng là rất lớn, nhiều người bệnh đau ốm tại nhà, chưa đến mức phải nhập viện hoặc bệnh viện trả về rất cần những điều dưỡng chăm sóc có chuyên môn.
Điều dưỡng cộng đồng không chỉ thực hiện việc chăm sóc tại nhà, mà còn đóng vai trò như điều dưỡng riêng, thay người nhà chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện trong các trường hợp neo đơn hoặc người nhà quá bận rộn, quá mệt mỏi khi chăm sóc dài ngày. Ưu điểm là công tác chăm sóc được thực hiện một cách khoa học, với tinh thần tận tụy và nhiệt tâm.
Thầy Hải chia sẻ, Nhài là một trong những tấm gương sáng tại đơn vị. Bên cạnh đó còn có những gương mặt trẻ trung, đầy nhiệt huyết khác như anh Vũ Duy Tuyên, hay chị Nguyễn Thị Nguyệt (26 tuổi), hiện họ là Phó phòng quản lý và phát triển dịch vụ và tôi tin rằng với nhiệt huyết và sự tận tâm, họ còn phát triển hơn nữa. Ngoài ra, còn có những người chỉ mới 22 tuổi.
Những gương mặt tuổi trẻ với kiến thức chuyên môn vững vàng và lòng nhiệt huyết vẫn đang ngày đêm miệt mài với công việc chăm sóc người bệnh, góp những phần để cuộc sống tươi đẹp, ý nghĩa hơn.
Theo Phương Nguyễn
Tấm gương/Tiền phong