Những người làm chủ "Hổ mang chúa" và "Tia chớp"

Trong thế hệ những người trẻ đầy tài năng của hai lực lượng giữ vai trò đặc biệt quan trọng với nhiệm vụ canh giữ chủ quyền đất nước là Không quân và Hải quân nhân dân Việt Nam. Thượng úy Trần Thanh Luân (sinh năm 1988) và đại úy Phạm Văn Sơn (sinh năm 1982) là hai trong số những gương mặt tiêu biểu về bản lĩnh, sự tinh nhuệ và lòng quả cảm.

Chế ngự “Hổ mang chúa”


 Thượng úy phi công Trần Thanh Luân.

Thượng úy phi công Trần Thanh Luân.

Gặp Trần Thanh Luân tại Ðại hội tài năng trẻ toàn quốc 2015, gương mặt thư sinh của chàng trai xứ biển miền Trung cùng phong thái đĩnh đạc trong bộ quân phục khiến nhiều người trầm trồ khi biết anh là phi công lái tiêm cường kích đa năng Su-30MK2 trẻ nhất toàn quân (hiện Luân thuộc biên chế Phi đội 1, Trung đoàn 935, Sư đoàn Không quân 370, Quân chủng Phòng không - Không quân). Nở nụ cười tỏa nắng, Luân chia sẻ cái duyên đến với nghề phi công chiến đấu của mình.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Cổ Ðạm (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), có bố là bộ đội nên khi đang ngồi trên ghế nhà trường, Luân ước mơ lớn lên được phục vụ trong quân ngũ. Luân kể, anh đến với nghiệp phi công rất tình cờ. Ðang học 12, chuẩn bị làm hồ sơ thi ÐH, trong một lần đến cơ quan quân sự huyện đúng vào dịp đoàn khám tuyển phi công của Quân chủng Phòng không - Không quân. Ðủ chiều cao, cân nặng, Luân khám thử.

“Lúc đó mình cũng không ngờ quy trình khám tuyển phi công nghiêm ngặt, nhiều bước khó khăn, hàng trăm người khám chỉ chọn lấy được vài người. Nhất là phần khám về tiền đình, khi ngồi trên ghế quay xong nhiều người đứng không vững, xây xẩm và nôn mửa là chuyện thường. May mắn Luân đủ sức vượt qua. Trúng tuyển và được đoàn khám tuyển mời ra Hà Nội khám vòng 2, sau hai lần “thử lửa” thành công, Luân trở thành học viên Trường Sĩ quan Không quân.

Ðể trở thành phi công lái máy bay chiến đấu, Luân phải trải qua hơn 5 năm học tập và rèn luyện, vượt qua hết những khó khăn ở trường. Ngoài học tập trên lớp, hàng ngày Luân phải học chạy dài, các môn thể thao hàng không, tập tiền đình, quay đu.

Quãng thời gian đầu, chưa quen với môi trường rèn luyện khắc nghiệt, nhiều hôm tập về người mệt lả, bỏ cả cơm. Nhưng với nỗ lực, quyết tâm theo đuổi đam mê trở thành phi công lái máy bay chiến đấu, Luân vượt qua tất cả những khó khăn, để tốt nghiệp ra trường với kết quả xuất sắc và là thủ khoa Khóa 37.

Là một trong 6 phi công ra trường được về đơn vị chiến đấu ngay, được bay thẳng chiến đấu cơ hiện đại Su-30MK2, được coi là “Hổ mang chúa” trên bầu trời. Ðây là tiêm cường kích đa năng siêu âm với tốc độ gấp 2 lần tốc độ âm thanh dùng để chiếm ưu thế trên không tấn công và tiêu diệt các mục tiêu trên không và mặt đất.

Ðến nay, Luân có tổng cộng 450 giờ bay trên các loại máy bay như Iak-52, L-39, Su-30MK2, trong đó Su-30MK2 chiếm gần 200 giờ bay (đây là con số “mơ ước” đối với nhiều phi công trước và cùng thế hệ của Luân).

Là một trong những phi công ở Sư đoàn 370 được tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu cấp 2, ngày và đêm theo đúng quy định, theo Luân, để điều khiển “Hổ mang chúa” nhào lộn, bay đúng kỹ thuật thì không quá khó, nhưng để làm chủ, sử dụng phát huy tối đa được tính năng của vũ khí, khí tài trang bị trên chiến đấu cơ hiện đại này là một quá trình dài học tập cả lý thuyết lẫn những đợt tập bắn, ném bom đạn thật.

Với sức trẻ và khát khao làm chủ bầu trời, Luân là đại diện tiêu biểu cho thế hệ phi công chiến đấu 8X với nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển chủ quyền phía Nam của tổ quốc, đặc biệt là quần đảo Trường Sa.

Công việc, nhiệm vụ của Luân cùng các đồng đội là thực hiện các chuyến bay tuần tiễu ngày, đêm bảo vệ và khẳng định chủ quyền trên quần đảo thiêng liêng này, chắp cánh niềm tin cho chiến sỹ, nhân dân vùng biển đảo yên tâm bảo vệ từng mét chủ quyền nơi đầu sóng ngọn gió.

Luân tâm sự, dù thực hiện nhiệm vụ tuần tra biển đảo rất nhiều lần, nhưng mỗi lần bay trên các hòn đảo chủ quyền thuộc quần đảo Trường Sa, trong anh luôn dâng trào cảm xúc khó diễn tả bằng lời. “Qua kính buồng lái, nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trên các hòn đảo hay trên những con tàu đánh cá của ngư dân, dù có đổi bằng xương máu, tôi và đồng đội cũng quyết bảo vệ sự bình yên, toàn vẹn lãnh thổ”, Luân nói đầy quyết tâm.

Chinh phục “Tia chớp”


Bí thư T.Ư Ðoàn Nguyễn Long Hải tặng hoa biểu dương đại úy hải quân Phạm Văn Sơn (bên phải) tại lễ tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân 2014 (tháng 3/2015).

Bí thư T.Ư Ðoàn Nguyễn Long Hải tặng hoa biểu dương đại úy hải quân Phạm Văn Sơn (bên phải) tại lễ tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân 2014 (tháng 3/2015).

Nếu Trần Thanh Luân đại diện cho những phi công thiện chiến trực tiếp bảo vệ bầu trời Tổ quốc thì đại úy Phạm Văn Sơn ở Quân chủng Hải quân là một trong số những “siêu kình ngư” canh chủ quyền biển. Nhiều năm liền, anh là thuyền trưởng chiếc tàu tên lửa tấn công nhanh HQ-375 hiện đại nhất khu vực.

Ðây là loại tàu thuộc lớp 12418 (Molniya) được nhập từ Liên bang Nga, với mệnh danh “Tia chớp”. Có ưu thế về tốc độ, hỏa lực “khủng” như giàn tên lửa đối hải hiện đại X-35, hệ thống trinh sát, tác chiến điện tử và thông tin liên lạc mới cùng hệ thống phòng không mạnh và đồng bộ, “Tia chớp” HQ-375 là tàu chiến hiện diện trong vai trò mũi tấn công chớp nhoáng, hủy diệt các chiến hạm đối phương tầm cỡ tàu hộ vệ tên lửa, tàu khu trục và tuần dương hạm.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố là bộ đội Hải quân ở miền quê Xuân Trường, Nam Ðịnh, từ nhỏ Sơn đã có ước mơ được khoác màu áo lính. Tốt nghiệp THPT, Sơn thi đậu Học viện Hải quân, ngành chỉ huy tàu mặt nước.

Ra trường anh được bổ nhiệm là phó thuyền trưởng tàu vận tải quân sự làm nhiệm vụ trực chiến ở đảo và vận tải hàng xây dựng quần đảo Trường Sa. Năm 2010, Sơn làm phó thuyền trưởng tàu chiến đấu. Ðến năm 2013, anh đảm nhận vai trò thuyền trưởng tàu HQ-375 thuộc biên chế Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân.

Phạm Văn Sơn cho biết, công việc hàng ngày của anh là chỉ huy tàu làm nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Ngoài ra, tàu còn thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại quân sự, trinh sát, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Do tính chất công việc đặc thù nên có lệnh là tàu phải rời bến ngay, kể cả thời tiết phức tạp, sóng to gió lớn. Khó khăn nhất vẫn là nước ngọt, và lương thực thực phẩm, nhất là khi nhiệm vụ phát sinh phải duy trì thêm nhiều ngày trên biển xa.

Anh Sơn cho biết, anh cũng như mọi cán bộ, chiến sỹ Hải quân luôn yêu biển, đảo, yêu tàu, gắn bó với đơn vị, yên tâm công tác sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào.

“Chúng tôi luôn sẵn sàng chiến đấu, sáng tạo, dũng cảm, vận dụng thành thạo các tính năng kỹ thuật hiện đại với chiến thuật và cách đánh truyền thống của Hải quân Việt Nam. Sẵn sàng nhận nhiệm vụ, chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc”, đại úy Phạm Văn Sơn khẳng định.

Với nỗ lực hết mình của bản thân, bộ sưu tập danh hiệu của thượng úy phi công Trần Thanh Luân ngày một dày thêm với những bằng khen, giấy khen của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không- Không quân và các đơn vị. Năm 2014, Luân là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân.

Bảng thành tích của đại úy hải quân Phạm Văn Sơn cũng dày những danh hiệu như gương mặt tiêu biểu toàn quân và gương mặt trẻ triển vọng toàn quốc 2014, giải thưởng Vừ A Dính, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, danh hiệu Thuyền trưởng tiêu biểu xuất sắc nhất năm 2013, 2014. Tháng 8/2015, Phạm Văn Sơn được cử đi học lớp chỉ huy tham mưu cấp chiến thuật - chiến dịch tại Học viện Hải quân.

Theo Nguyễn Minh - Quang Lộc

Tiền phong