Những người “đứng ngoài” bức ảnh tập thể

(Dân trí) - Những cuộc liên hoan hay ngoại khoá chưa bao giờ Mai tham gia với lớp trừ khi điều đấy là bắt buộc. Dù đã nhiều lần góp ý nhưng cô bạn chỉ cười xoà không tiếp thu, thế nên ảnh tập thể của lớp thường thiếu Mai là điều dễ hiểu...

Cách teen nói “không” với tập thể

 

H.Linh - lớp 12 truờng T.P thường ngồi im một chỗ mỗi khi đến lớp kể cả ra chơi. “Thế giới quanh ta” của H.Linh chỉ là vài ba bạn ngồi cạnh và những quyền sách dày cộp, rất ít khi thấy H.Linh mở rộng giao lưu với bàn trên hay bàn dưới trừ khi có giờ kiểm tra, cô nàng vinh dự được “láng giềng” gọi khẽ “giúp tớ bài này với”.

 

Thế nên chẳng lạ gì có những bạn trong lớp dù học với Linh đã gần hết cấp 3, đôi khi vẫn phải “nhớ mãi mới ra đứa đấy”, thậm chí có cậu bạn cùng lớp còn thốt lên “lớp mình có đứa đấy à, giờ tao mới biết đấy!”. Nghe thì khó tin nhưng đúng là Linh có ấn tượng rất mờ nhạt trong tập thể lớp, nhất là cô nàng cũng bình thường, không nổi bật và cũng chẳng quái dị tý nào cả.

 

Khác với Linh, Phương Mai - lớp 11 trường LNQ lại mang một phong cách tách biệt đám đông khác. Mai năng động, sáng tạo và nhiệt tình, nhưng tất cả những tố chất đó không được cô phục vụ cho lớp và chuyên tâm vào các mối quan hệ bên ngoài trường học. Lên lớp Mai cũng nói chuyện, cũng giao lưu với bạn bè, chỉ duy nhất có những cuộc đi chơi, những hoạt động trường lớp là cô bé trốn biệt.

 

Trung - lớp trưởng lớp Mai cho biết hồi mới vào lớp, mỗi khi có việc như diễn văn nghệ, chuẩn bị cắm trại,….lớp đều phân công đều cho các tổ và mỗi bạn đều có công việc riêng. Mai thường có các ý tưởng đưa ra nhưng đều dừng ở mức “gợi ý” và sau đấy khi được phân công thì bạn từ chối, thậm chí công việc được giao cũng nhờ người khác làm hộ, những cuộc liên hoan hay ngoại khoá chưa bao giờ Mai tham gia với lớp trừ khi điều đấy là bắt buộc. Dù đã nhiều lần góp ý nhưng cô bạn chỉ cười xoà không tiếp thu, thế nên ảnh tập thể của lớp thường thiếu Mai là điều dễ hiểu.

 

Và duờng như là truyền thống, các lớp chuyên cấp ba cũng được coi là những người độc lập, tinh thần đoàn kết luôn dừng ở mức vừa phải, thậm chí là mạnh ai người đấy sống.

 

“Khối Chuyên học nặng, cạnh tranh nhiều, lấy đâu thời gian mà tham gia các hoạt động tập thể truờng lớp” - Hường - Chuyên Anh SP nói.  Một teen các khối, trường chuyên đều từ chối tham gia các hoạt động ngoại khoá, tập thể, trừ khi hoạt động đấy phục vụ cho học tập, hoặc giả có tham gia thì cũng ở mức độ vừa phải và không hào hứng gì vì thế đó cũng là câu trả lời cho một số lớp luôn xếp “top dưới” trong các hoạt động của trường.

 

Nếu như có những bạn tự động tách khỏi lớp bằng cách này hay cách khác, thì lại có những teen bắt buộc phải nói không với tập thể do gia đình quá khắt khe, bố mẹ không hiểu và không muốn cho con “chơi bời”. Trường hợp của Lan - lớp 12 trường NSL là một ví dụ.

 

Từ bé Lan đã đựoc mẹ đưa đi đón về, quản lý giờ giấc học hành không sai một giây, đồng thời chưa bao giờ Lan được tham gia các hoạt động của trường hay liên hoan lớp mà không có sự đồng ý và giám sát của chi hội phụ huynh. Cô bạn chưa một lần đi sinh nhật hay liên hoan tự phát với bạn bè trong lớp. Cô bé chép miệng tiếc hùi hụi khi phải nói không với những lần đi chơi mà cả lớp về trưng ảnh lên blog, tường thuật lại chi tiết hành trình, hay những dịp trung thu cả lớp xúm tay, hẹn nhau đi làm đèn…. Lan nói “cứ thế này chắc em phí cả tuổi thanh xuân mất”. Tuy nhiên Lan cũng không dám đấu tranh vì “từ bé đã như thế rồi”.

 

Và những sự tiếc nuối…

 

Tất nhiên trong một tập thể lớp phải có người nọ người kia, có bạn năng động nhiệt tình thì cũng phải có bạn trầm lắng, có lãnh đạo thì cũng phải có “người được lãnh đạo”. Với những lớp có một, hai bạn tách biệt tập thể thì không sao, nhưng nếu quá nhiều chắc chắn sẽ không thể thi đua vững mạnh trong các hoạt động của đoàn trường.

 

Cô M.Thuý - GV chủ nhiệm lớp Mai nói: “Cô cũng như ban cán sự lớp cũng để ý đến trường hợp các bạn tách khỏi tập thể, không riêng gì Mai, mà còn một số bạn khác cũng thế. Dường như do các em đựoc phân công không đúng sở thích hoặc khả năng nên các em thường tránh, nếu nắm bắt đúng tâm lý, chuyện thu hút các em không phải là điều không thể. Cái chính là cô muốn sau này ra trường các em sẽ có những kỷ niệm áo trắng thật đẹp chứ không phải chỉ đơn thuần là những con chữ, con số trong sách giáo khoa, sẽ không phải tiếc vì “giá mà mình tham gia nhỉ” mà tiếc vì không còn đựoc ngồi trên ghế nhà trường nữa”.

 

Khoảng thời gian cấp ba được coi là khoảng thời gian đẹp nhất trong đời học sinh, là lúc ký ức về trường lớp in đậm nhất, cả về bạn bè và áp lực học tập. Mục tiêu đỗ đại học luôn được đặt lên hang đầu nhưng một chút thời gian bỏ ra hoà mình vào tập thể cũng chẳng khiến bạn học sút đi hay yếu hơn so với bạn khác, cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thường ngày của bạn.

Nếu cảm thấy mình là một teen đang tách khỏi “cộng đồng”, hãy dành chút quan tâm, bù chút thời gian để cùng mọi người chung tay làm việc bạn nhé. Hãy nhớ rằng: Nếu cho đi, rồi bạn sẽ nhận được nhiều hơn thế!

 

Tùng Nhi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm