Giới trẻ Trung Quốc:

Những khách hàng hấp dẫn của “hàng hiệu”

(Dân trí) - Đội mũ lưỡi trai hiệu Vans, mặc áo sơ mi Quiksilver và đi giày Adidas, cô gái 19 tuổi Terry Chung đang ngắm nghía những đồ thể thao hàng hiệu khi bắt đầu chuyến mua sắm hàng tuần với 500 nhân dân tệ (khoảng 1,3 triệu đồng) trong túi.

Điểm đến của Chung là trung tâm mua sắm tấp nập Xidan của TP Bắc Kinh (Trung Quốc). 

 

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, những người tiêu dùng trẻ tuổi ở Trung Quốc như Chung vẫn đang "phóng tiền" thoải mái và các thương hiệu lớn trên thế giới, từ Nike đến nhà phân phối đồ chơi toàn cầu Mattel đang ra sức mời gọi họ mua sắm sản phẩm của mình.
 
Những khách hàng hấp dẫn của “hàng hiệu” - 1

(Ảnh minh họa)
 

Mary Bergstrom, nhà sáng lập công ty nghiên cứu xu hướng giới trẻ Bergstrom Trends có trụ sở ở Thượng Hải, cho biết nhiều thương hiệu nước ngoài đang nhắm tới Trung Quốc như là một phao cứu sinh. Hiện nước này có tới 200 triệu người tiêu dùng tiềm năng ở độ tuổi 15-24.

 

Người trẻ Trung Quốc có thể trở thành những khách hàng đặc biệt hấp dẫn của các thương hiệu nước ngoài bởi vì hầu hết họ đều là con một và có khoản tiền túi rất xông xênh do được người lớn chu cấp. Một thanh niên 20 tuổi sống chung với bố mẹ nên không mất tiền thuê nhà, lại được bố mẹ và ông bà nội ngoại cho tiền. 
 

Ví dụ như  trường hợp của Chung, mỗi tháng cô được bố mẹ cấp 1.000 - 2.000 nhân dân tệ (khoảng 2,6 - 5,2 triệu đồng). Khoản "bao cấp" này không thay đổi trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu. Còn chàng sinh viên 22 tuổi Vương Vệ ở Bắc Kinh cũng vẫn được bố mẹ cho tiền dù cậu có lương từ công việc bán hàng vào cuối tuần. Vệ đi mua sắm 1-2 lần/tuần, mỗi lần cậu tiêu 500 nhân dân tệ.

 

Nắm bắt tình hình này, các thương hiệu lớn ngày càng tập trung vào Trung Quốc và phát triển những sản phẩm và tung ra các chiến dịch marketing nhằm vào khách hàng trẻ tuổi ở nước này.
 
Những khách hàng hấp dẫn của “hàng hiệu” - 2

Khu mua sắm Xidan (Bắc Kinh) là điểm đến của nhiều "tín đồ shopping" trẻ tuổi  ở Trung Quốc. (Ảnh: cityweekend)

 

Ngoài việc sản xuất loại giày chơi bóng rổ có trọng lượng nhẹ hơn cho người châu Á, Nike còn thuê Kobe Bryant - ngôi sao bóng rổ của giải nhà nghề Mỹ NBA đến TP Thành Đô (Tây Nam Trung Quốc) dự một sự kiện quảng cáo của hãng. Bryant đã được hàng ngàn fan Trung Quốc trẻ tuổi đón chào. Trong khi đó, Adidas - đối thủ của Nike thì mở một cộng đồng bóng rổ trực tuyến, thu hút hơn 600.000 thành viên.

 

Hiện nay, Trung Quốc là  thị trường lớn thứ hai của Nike sau Mỹ. Trong khi doanh thu của Nike tại Mỹ trong tháng 3-5 giảm 2% thì doanh thu tại Trung Quốc tăng 6%.

 

Ngoài Nike và Adidas, nhiều thương hiệu lớn đang xúc tiến mở rộng kinh doanh ở Trung Quốc trong khi thu hẹp hoạt động ở các nước khác.

 

Xuân Vũ

Theo Chinadaily