Những giáo viên không bục giảng

(Dân trí) - Một lớp học 3 phòng, giáo viên có đủ từ những nhóc cấp 2 mặt lấm tấm mụn đến người 50 tuổi. Tây có, Ta có, mỗi người một việc để chăm sóc và dạy dỗ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Mọi khi người ta gọi họ là “Tình nguyện viên” nhưng hôm nay chúng tôi gọi họ là “Những giáo viên không bục giảng”.

Nào mình cùng đến Youth House (Ngôi nhà tuổi trẻ)

 

Là dự án hợp tác giữa Tổ chức tình nguyện Quốc tế SJ Vietnam (www.sjvietnam.org) và tổ chức Un Etai pour le Vietnam (www.etai-vietnam.org), Youth House (YH) là nơi dạy học của tình nguyện viên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Long Biên như: Làng Chài, Bãi Giữa, Phúc Tân.

 

Bạn Trần Thị Lan, quản lý dự án YH cho biết hiện có khoảng 30 Tình nguyện viên (TNV) gồm cả người Việt và quốc tế. Các bạn chia thành  các nhóm, luân phiên công việc chế biến bữa trưa miễn phí và dạy học cho khoảng 15 em nhỏ.

 

Đa phần trẻ em tại YH đều có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện học tập, vui chơi. Đó là những em bé như Tài, 12 tuổi, bố mẹ ly hôn đã để mặc em cho họ hàng nuôi. Đến khi họ hàng không nuôi nổi đã gửi các em qua ôtô từ Gia Lai về Hà Nội. Tài may mắn được một người bán hàng tại chơ Long Biên nhận nuôi. Đến nay, Tài đã sinh hoạt tại YH được 4 tháng.

 

Do hoàn cảnh khó khăn nên phần lớn các em đều theo học trường Mái Ấm 19/5, nửa buổi đi học, nửa buổi lên học và sinh hoạt tại YH. Thời gian còn lại các em phụ giúp gia đình kiếm thêm bằng các việc như: nhặt rác, bán hàng ngoài chợ…

 

Những giáo viên không bục giảng - 1

Một em trai tên Bắc đang sinh hoạt tại YH.

 

Nỗi niềm “giáo viên không bục giảng”

 

Nếu bạn đã dạy gia sư và thấy khó một, thì dạy các em tại YH còn khó gấp đôi, ba lần như thế. Lan cho biết: “Đa phần bố mẹ các em không hề quan tâm và ủng hộ việc học, nhiều người còn ngăn cản các em đến YH. Thêm vào đó, ý thức của các em về việc học rất thấp. Đối với các em, việc đi kiếm tiền và nô đùa thú vị hơn nhiều là ngồi đọc sách, chính vì thế việc giảng dạy rất khó khăn”.

 

Tiếp thu chậm và đi học không đều, rất nhiều em học 3, 4 năm không xong một lớp dù các bạn TNV luôn nỗ lực hết mình. Thậm chí có nhiều em chỉ đến chơi và ăn trưa chứ nhất quyết không chịu học gì cả.

 

Điều này cũng khó trách các em, vì hoàn cảnh không cho phép. Khi nhà thiếu nhân lực, các em buộc phải đi làm phụ giúp gia đình. Nhiều em nhặt rác, bán hàng ở chợ hoa đến 2-3 giờ sáng mới về nhà, nên hôm sau không thể đi học được.

 

Nhưng cũng vì thế mà các TNV yêu thương các em hơn. Việc một em bé mời người lớn khi ăn cơm là bình thường nhưng tại YH thì lại là một kỳ công bởi từ bé chưa bao giờ các em làm thế.

 

Đơn giản hơn, để giúp các em có thói quen đánh răng sau khi ăn, Delphine - một TNV người Pháp đã phải đóng kịch dạy đánh răng hàng trăm lần, rồi phân công một em làm “lớp trưởng đánh răng” để khuyến khích các bạn.

 

Mỗi một thành công nho nhỏ như thế đã tiếp sức từng tý một cho nhóm TNV. Hương, SV tiếng Pháp, ĐH Ngoại ngữ tâm sự: “Mỗi khi thấy các em tiến bộ thì mừng lắm, và cũng thất vọng kinh khủng khi có em buộc phải nghỉ học vì hoàn cảnh. Tiếc cho công sức của mình và tiếc cho các em biết bao nhiêu”.

 

Những giáo viên không bục giảng - 2

Delphine đã trở thành một cái tên thân thuộc với các em nhỏ.

  

Những thành công rất thực tế

 

Tại YH, mọi người học lẫn nhau. TNV Việt Nam dạy toán, văn cho các em, dạy tiếng Việt cho TNV quốc tế và làm phiên dịch khi TNV quốc tế dạy các em tiếng Anh. Ngược lại, TNV quốc tế đảm nhận dạy tiếng Anh, tiếng Pháp cũng như giao lưu văn hoá.

 

Phần đông TNV Việt Nam đều nói tiếng Anh rất tốt sau một thời gian ngắn. Các em nhỏ thuộc vô số các bài hát bằng rất nhiều thứ tiếng. Chính môi trường “học tập thực tế” ấy ngày càng thu hút TNV. Mỗi năm SJ Vietnam đón khoảng 300 TNV quốc tế và hiện có 500 TNV Việt Nam đăng ký tham gia (không chỉ dự án YH).

 

Đáp lại nỗ lực của anh chị TNV, rất nhiều em trong YH đạt học sinh giỏi và tiên tiến. Tiêu biểu là em Bắc, 8 tuổi bị di chứng chất độc da cam từ bố nên mắc chứng hay quên nhưng năm học vừa qua Bắc đã đạt danh hiệu học sinh tiến tiến. Trong 15 em nhỏ, có 2 em đạt danh hiệu học sinh giỏi và 6 em là học sinh tiên tiến.

 

Những giáo viên không bục giảng - 3

Một buổi học tiếng Anh của các em tại YH.

 

Với thực tế rằng hoàn cảnh không cho phép các em học lên Đại học, YH chủ trương dạy các em tiếng Anh ngay từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, các em có thể dễ dàng làm phục vụ trong các cửa hàng có người nước ngoài.

 

Lan đã phụ trách YH gần 2 năm nay và bạn rất tin tưởng vào những kế hoạch sắp tới: “Chúng mình sẽ lên kế hoạch tìm kiếm các nguồn tài trợ nữa. Hy vọng rằng sẽ sớm có trẻ YH được học Đại học. Điều đó hẳn sẽ thật tuyệt vời!”

 

Phương Thành Trung