Những đôi bạn nhỏ cùng sáng tạo
Một là sản phẩm phần mềm của hai tác giả nhí nhất vừa giành được giải cao nhất bảng D1 Hội thi tin học không chuyên TPHCM 2005. Và một là sản phẩm cũng của hai tác giả nhỏ tuổi nhất đang tham dự hội thi sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi - sản phẩm của những đôi bạn nhỏ cùng siết tay nhau cho một mê say: sáng tạo...
Đố vui và tập tô màu
Nguyễn Trí Dũng và Trương Phan Cẩm Tú đều là HS lớp 4 Trường tiểu học Bành Văn Trân, Q.Tân Bình (TPHCM). Cả hai đều có em còn nhỏ và đều muốn có một phần mềm để ít bữa cho em chơi và ôn lại bài học. Sáu tháng ròng cứ sau giờ học hai bạn nhỏ lại gặp nhau: Cẩm Tú đồ họa, Trí Dũng lập trình xử lý bằng ngôn ngữ Flast để hình ảnh chuyển động. “Trẻ con tụi mình rất khoái màu sắc và hình ảnh” - tác giả nhận định cứ như mình đã là người lớn.
Và ban giám khảo đã thật sự ấn tượng với phần mềm qua trang chủ đầy màu sắc sống động ngay từ đầu. 20 câu đố; hai hình mẫu tô màu được thể hiện bằng cả trăm bức ảnh.
Cả hai làm quen với tin học từ hồi còn lớp 1. Cẩm Tú may mắn hơn có chiếc máy tính ngay từ đầu, còn Trí Dũng thì xài ké đến năm học lớp 3 ba mẹ mới dành dụm đủ tiền sắm máy tính tại nhà. Học lóm sách luyện bằng A tin học của ba, Trí Dũng đã thi lấy bằng trước cả ba. Vốn là cây cọ nhí trong các hội thi Nét vẽ xanh, điều đó đã lý giải cho những bức hình rất đẹp, nét vẽ trẻ con có trong tất cả các trang của phần mềm.
“Phần mềm chưa có âm thanh, câu hỏi cho phần đố vui còn ít, chưa có nhiều hình để tô màu, đó là những khuyết điểm của sản phẩm. Hè này sẽ học tiếp cách chèn nhạc để bổ sung cho thật hấp dẫn” - hai bạn nhỏ cười khoe răng sữa.
Cánh tay máy
Tú Cường (trái) và Đình Áng đang vận hành cánh tay máy. |
“A! Nó cử động rồi”- đôi bạn Trần Đặng Đình Áng và Đỗ Tú Cường là HS lớp 5/1 Trường tiểu học Trung Nhất, Q. Phú Nhuận reo vui sau một hồi thử tới thử lui các dòng điện cho cánh tay máy.
Cánh tay máy của hai bạn ra sao nhỉ?
Đơn giản thôi, đó là kết hợp giữa bộ lắp ghép lớp 4 và bộ điện lớp 5. Mỗi cực của động cơ chia thành hai hướng gồm một âm và một dương, dựa trên nguyên tắc khi dòng điện bị đảo ngược thì động cơ sẽ quay ngược lại, nên khi ta đóng hai cầu dao âm - dương thì động cơ truyền lực cho trục dây kéo hoạt động kéo cánh tay khép vào. Và khi đóng hai cầu dao dương - âm thì động cơ xoay ngược lại giúp cánh tay mở ra. Cánh tay máy (hoạt động bằng điện hoặc pin) sẽ giúp được người khuyết tật; hỗ trợ nhiều hoạt động công nghiệp như chế tạo máy, xây dựng...
Làm thế nào các bạn nghĩ đến cánh tay này?
Chương trình Big Bang trên tivi có lần hướng dẫn làm cánh tay bằng giấy cử động, hai đứa liền nghĩ: sao không làm cho nó tự cử động thay vì phải dùng tay để kéo? Nhưng phải đợi đến năm nay được học bộ điện mới biết cách.
Ngoài cánh tay máy...?
- Đình Áng: Mình làm được nhiều món “đã” lắm, như: đĩa bay, xe trượt theo bậc cầu thang, đồ khuấy nước đá chanh...
- Tú Cường: Tàu thủy chạy chân vịt làm bằng chai nhựa là ấn tượng nhất vì được làm chung với ba. Hai cha con cho tàu chạy đua vui lắm...
Theo Tố Oanh
Tuổi Trẻ