Những đỉnh cao chỉ huy...
(Dân trí) - Toàn bộ lịch sử kinh tế của thế kỷ 20 được phơi bày trong 800 trang của cuốn sách “Những đỉnh cao chỉ huy - Cuộc chiến vì nền kinh tế thế giới” (*) với đầy ắp những tư liệu... Đọc, sẽ nhìn rõ hơn lịch sử phát triển của nền kinh tế toàn thế giới trong thế kỷ trước và qua đó, có thể tự trả lời phần nào những câu hỏi lớn đang đặt ra cho chúng ta.
Có thể nói, toàn bộ lịch sử kinh tế thế giới trong thế kỷ 20 là một cuộc đại chiến giữa Nhà nước và Thị trường gồm vô số những những trận đánh giữa hai phía diễn ra trên khắp thế giới, trải rộng từ Tây sang Đông. Cái cuộc đại chiến đó xuất phát từ chính giữa lòng trái tim chủ nghĩa tư bản, cái nôi của chủ nghĩa Tư bản: nước Anh rồi lan sang Mỹ, siêu cường của thế giới, trung tâm của chủ nghĩa Tư bản rồi bùng lên trên khắp thế giới, từ các nhà nước tư bản phát triển như Đức, Pháp, Ý, đến các quốc gia đang phát triển ở châu Mỹ như Brazil, Argentina, Mexico, đến các con Rồng châu Á như Singapore, Đài Loan, Thái Lan, rồi cả các quốc gia đã và đang thuộc Chủ nghĩa Xã hội như Nga, Trung Quốc, Rumania… hay các quốc gia chậm phát triển như Ấn Độ và các nước châu Phi.
Cũng kỳ lạ thay, cái cuộc chiến đó lại bắt đầu với một người phụ nữ, Margaret Thatcher, Thủ tướng Anh, nhưng sâu xa hơn, nó bắt nguồn cội rễ từ tư tưởng một nhà kinh tế học người Áo, Federick Von Hayek. Cuộc chiến về kinh tế của thế kỷ 20 không chỉ là cuộc chiến giữa hai ý thức hệ: chủ nghĩa tư bán và chủ nghĩa xã hội, mà còn là cuộc chiến giữa hai trường phái kinh tế: Học thuyết tân cổ điển của Keneys, và Kinh tế tự do của Hayek. Toàn bộ cuộc đại chiến của thế kỷ 20 đó được trình bày trong 800 trang của cuốn sách Những đỉnh cao chỉ huy.
Nhưng bất ngờ hơn cho tất cả mọi người khi “ông tổ” đầu tiên hiểu và đưa ra cái khái niệm Những đỉnh cao chỉ huy lại là một người cộng sản, một lãnh tụ của chủ nghĩa Công sản: V. I. Lenin. Năm 1998, hai học giả Daniel Yergin và Joseph Stanislaw đã viết một cuốn sách kể lại toàn bộ lịch sử cuộc đại chiến kinh tế đó của thế giới và lấy thuật ngữ Những đỉnh cao chỉ huy làm tiêu đề cho cuốn sách của mình: Commanding Heights: The Battle for the World Economy (Những đỉnh cao chỉ huy - Cuộc chiến vì nền kinh tế thế giới).
Lần ngược lại quá khứ, hẳn là tất cả chúng ta sẽ sửng sốt khi biết Những đỉnh cao chỉ huy là tựa đề một bài diễn văn của V. I. Lenin. Lenin sử dụng khái niệm này, Командные высоты trong tiếng Nga, trong báo cáo đọc tại Đại hội lần thứ 4 của Quốc tế Cộng sản để nói về những ngành kinh tế có thể kiểm soát được hiệu quả và hỗ trợ cho các ngành khác. Trong quân sự, đây là một thuật ngữ chỉ những điểm cao quan trọng mang tính chi phối chiến trường, gọi là cao điểm chiến lược. Trong bài phát biểu của mình, Lenin nói: "Chúng tôi buộc phải đi đường vòng. Chủ nghĩa tư bản nhà nước như chúng tôi đã thiết lập trong nước là một chủ nghĩa tư bản nhà nước đặc biệt. Nó kkhác với khái niệm thông thường về chủ nghĩa tư bản nhà nước. Chúng tôi nắm tất cả những đỉnh cao chỉ huy".
Lịch sử phát triển của các quốc gia tư bản cũng như xã hội, không chỉ là cuộc tranh giành giữa kinh tế thị trường và kinh tế kế hoạch hoá mà còn là cuộc chiến giữa tư nhân và nhà nước. Tất cả các quốc gia tư bản đều đã, đang và vẫn sẽ còn kiểm soát những đỉnh cao chỉ huy của nền kinh tế, nhưng lịch sử cũng chứng tỏ rằng, những đỉnh cao đấy dần dần sẽ phải nhường bước cho thị trường. Hôm nay, cái cuộc chiến giữa Nhà nước và Thị trường đó lại diễn ra ngay tại Việt Nam, với cái tên gọi khác đi “Cổ phần hoá”. “Những đỉnh cao chỉ huy” ngày nào như bưu điện, viễn thông, điện lực, xăng dầu… của nhà nước đang dần dần chuyển giao sang cho thị trường.
Cùng với xu hướng chung của thời đại, chịu sức ép mạnh mẽ hơn từ quá trình toàn cấu hoá và sự gia nhập WTO đang cận kề, sức ép lớn lao đang dần được đặt trên vái của thị trường, của cá nhân. Thị trường đi về đâu, nhà nước đi về đâu, “các đỉnh cao chỉ huy” sẽ phát triển và điều chỉnh thế nào…Những thách thức đó, những triển vọng, khó khăn và tương lai của toàn bộ nền kinh tế vẫn đang là câu hỏi lớn đặt ra cho tất cả chúng ta.
Toàn bộ lịch sử kinh tế của thế kỷ 20 được phơi bày trong 800 trang của cuốn sách, đầy ắp những tư liệu, từ công cuộc cải cách ở Anh, Tổ chức chính quyền thung lũng TVA ở Mỹ, đến chuyến Nam tiến của Đặng Tiểu Bình, từ cuộc cải cách giá cả tiền lương, tư nhân hoá ở Nga, đến công cuộc thị trường hoá ở Ấn Độ, ở Argentina…. Thông qua những dữ liệu, những cội nguồn của việc chuyển đổi các nền kinh tế trên thế giới lần đầu tiên được trình bày toàn diện và sâu sắc trong cuộc sách Những đỉnh cao chỉ huy, cuộc chiến vì nền kinh tế thế giới, qua bản dịch tiếng Việt của NXB Tri Thức, trong tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới. Các tác giả đã lần theo dấu vết về cuộc đời của hơn 30 nhân vật khi họ định hình bối cảnh lịch sử kinh tế - chính trị của thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua.
Yegor Gaidar, cựu Thủ tướng và là Bộ trưởng Tài chính Nga nói: “Có thể nói Yergin và Stanislaw đã mô tả toàn bộ lịch sử kinh tế trong hơn 50 năm qua. Cuốn sách không hề thiên vị bất cứ chủ nghĩa nào”. Qua tác phẩm này, chúng ta có thể nhìn rõ hơn lịch sử phát triển của toàn bộ nền kinh tế thế giới trong thế kỷ 20 và qua đó, có thể tự trả lời phần nào những câu hỏi lớn đang đặt ra cho chúng ta.
Nguyễn Cảnh Bình
----
(*) THE COMMANDING HEIGHTS: The Battle for the World Economy; Daniel A. Yergin and Joseph Stanislaw; Nhóm dịch Phạm Quang Diệu, Nguyễn Cảnh Bình, Nguyễn Hông Tiến, Phan Huyền Dân hiệu đính, Nhà xuất bản Tri Thức, 2006.