Những cuộc hẹn không đầy một giờ
Do tính chất công việc và khoảng cách, Tuân và Hiếu hiếm khi được gặp nhau. Nhiều lần nhớ người yêu quá, hết giờ làm việc, Tuân phóng xe lên Thái Nguyên. Đến nơi là 7h tối, cả hai gặp nhau khoảng một tiếng rồi anh lại về Hà Nội cho kịp giờ giới nghiêm đơn vị.
Từ những nét chữ đặc biệt
Năm 2001, Huy Tuân lên Hà Nội khám tuyển phi công. Anh được xếp cùng phòng với người bạn tên Hóa ở Thái Nguyên. Hai người tỏ ra hợp cạ, đi chơi cùng nhau, nói với nhau những chuyện trên trời dưới bể và chia sẻ cả những chuyện riêng tư.
Kết thúc thời gian khám tuyển, cả hai về quê ôn thi văn hóa, hẹn ngày tái ngộ ở giảng đường. Tuân và Hóa thường xuyên thư từ, điện thoại cho nhau. Nhưng kỳ thi đại học năm đó, Hóa không tham dự. Mọi cố gắng liên lạc của Tuân với Hóa đều bất thành.
Tuân đỗ Học viện Phòng không – Không quân. Trước ngày nhập học, cậu nhận được điện thoại của một người phụ nữ xưng là mẹ Hóa. Bà tìm được số điện thoại của Tuân trong nhật ký con trai. Người phụ nữ òa khóc nức nở, nói với Tuân là Hóa đã mất trong một tai nạn. Tuân bàng hoàng. Anh mang theo sự mất mát đó trong ngày vào Nha Trang nhập trường.
Tuân thường xuyên viết thư thăm hỏi mẹ Hóa. Anh muốn những lá thư giúp bà vơi bớt nỗi buồn, sự trống trải khi người con duy nhất ra đi. Tuân ấn tượng với những lá thư mẹ Hóa gửi vào: “Lá thư được viết bằng nét chữ mềm mại. Tôi có cảm giác đó là nét chữ từ bàn tay cô gái trẻ”.
Kết thúc năm học đầu tiên, được nghỉ phép 3 tuần, Tuân về Thái Nguyên thắp hương cho Hóa. Mẹ Hóa nhận Tuân là con nuôi. Trong cuộc gặp mặt gia đình, Tuân mới biết cô gái cao, gầy đang lúi húi rửa bát ngoài sân là người mà mẹ nuôi vẫn nhờ viết thư trả lời. Đó là Minh Hiếu, em họ Hóa.
Năm 2007, bố ruột Tuân bị ung thư và qua đời. Quãng thời gian khủng hoảng đó, Hiếu luôn nhắn tin, gọi điện an ủi, động viên Tuân. Sự quan tâm của Hiếu khiến Tuân cảm động. Anh đem lòng yêu nhưng chưa dám thổ lộ. Cũng năm đó, Tuân ra trường, về công tác tại Trung đoàn 921 (Sư đoàn 371 Quân chủng Phòng không – Không quân), đóng quân ở Sóc Sơn (Hà Nội).
Anh lên thăm mộ Hóa. Trước mộ bạn, Tuân tâm sự về tình yêu dành cho Hiếu và mong bạn phù hộ để hai người đến được với nhau. Hôm ấy, anh lấy hết dũng khí tỏ tình và được nhận lời.
Dắt xe hàng chục cây số trong đêm
Thời gian yêu nhau, Hiếu đang học cao học ở Thái Nguyên. Do tính chất công việc của Tuân và do khoảng cách, hai người hiếm khi được gặp nhau. “Là bộ đội, tôi ở đơn vị suốt và phải trực cả cuối tuần nên một tháng chỉ gặp Hiếu được một đến hai lần”, Thượng úy Tuân cho biết.
Nhiều lần nhớ người yêu quá, hết giờ làm việc, anh phóng xe máy lên Thái Nguyên. Đến nơi là 7h tối, cả hai gặp nhau được khoảng một tiếng rồi anh lại đi xe về Hà Nội cho kịp giờ giới nghiêm ở đơn vị là 21h.
Có đợt được nghỉ phép, anh không về quê mà ở lại đơn vị. Anh tranh thủ lên Thái Nguyên gặp Hiếu. Lúc về, xe bị thủng săm. Trời tối, anh dắt bộ hơn 10 cây số mới gặp quán sửa xe đã đóng cửa bên đường.
Anh gọi cửa, chủ quán là một ông già. Ông trông quán hộ người con trai và không biết sửa. Anh mượn đồ nghề hì hụi tự vá săm. Xe đi thêm được 5 cây số thì tiếp tục thủng. Anh dắt bộ quãng đường còn lại về đến đơn vị đã… 4 giờ sáng.
Trong tin nhắn gửi Hiếu tối hôm ấy, để không lo lắng, anh nói dối đến nơi an toàn, giấu biệt chuyện xe hỏng và quãng đường dài dằng dặc dắt bộ…
Yêu anh, để anh yên tâm công tác, chị Hiếu cũng giấu anh nỗi tủi thân, nỗi buồn vì không được gặp người mình yêu thường xuyên. Những lần gặp ngắn ngủi và ít ỏi, chị luôn tìm cách mang đến cho anh niềm vui bằng những món quà nhỏ tự tay làm.
Sau khi học xong, chị từ bỏ cơ hội việc làm thuận lợi ở quê, lên Hà Nội tìm việc để được gần anh. Một thời gian sau, Thượng úy Đặng Huy Tuân chuyển công tác về nhà máy Z119 - Cục kỹ thuật (Quân chủng Phòng không - Không quân).
Năm 2010, anh chị kết hôn. Thành quả của tình yêu là một bé trai xinh xắn. Tổ ấm đang chuẩn bị đón thêm thành viên mới vào cuối năm nay.
Theo Thúy An
Tiền phong