Những cuộc chơi vô bổ

Hiện nay có một bộ phận sinh viên sống xa nhà đang với quan niệm “trẻ không chơi, già hối hận”, đã lao vào những cuộc chơi vô bổ...

 
Những cuộc chơi vô bổ  - 1

(Ảnh minh họa)

  

Quan niệm “không biết tiêu tiền thì phí tuổi xuân”

 

Là con nhà giàu có, lại là con một được cưng chiều từ nhỏ nên T biết được tầm ảnh hưởng của mình tới bố mẹ. Hàng tuần ngoài khoản tiền được gia đình chu cấp 800 ngàn, T còn vòi vĩnh thêm ít nhất là 200 ngàn nữa cho chẵn, thương con gái nên ba mẹ của T đáp ứng hết.

 

Đối với một bạn sinh viên bình thường thì khoản tiền như thế có thể sử dụng đuợc hơn nửa tháng. Còn T sử dụng số tiền lớn như vậy trong vòng 1 tuần để làm gì? Chủ yếu là cô nàng đi shopping bởi theo T thì: “Ăn mặc phải đúng gu, đúng hiệu, là con nhà giàu mà mặc đồ bình thường tụi nó cười cho, cũng không thể mặc hoài một bộ nên phải đi mua sắm thường xuyên, đó là chưa kể phải đãi bạn bè ăn uống - T nhiều bạn lắm: bạn học trên lớp, bạn cùng quê, bạn xã giao, bạn thân…nên cứ cuối tuần là không yên, thứ bảy và chủ nhật là đi suốt từ sáng đến tối”.

 

Khác với T, B - sinh viên trường ĐH X, là con út trong gia đình có 4 anh chị em và về mặt tài chính thì gia đình B cũng bình thường thôi. Do là một sinh viên năng động nên B đã tìm được nhiều công việc làm thêm có thu nhập cũng khá ổn và nhờ mối quan hệ rộng rãi B giới thiệu một vài công việc cho bạn bè nên hưởng được ít hoa hồng từ đó. Một tháng tiền lương và tiền chu cấp của gia đình của B cộng lại không dưới 5 triệu. Nhưng số tiền này không tồn tại lâu trong túi của B mà lọt thỏm vào các cuộc chơi ở các quán bar, và các cô gái mà người ta thấy cứ 2-3 ngày thì B lại đổi một cô.

 

B cho rằng tiêu tiền để thể hiện mình, để tăng cường các mối quan hệ xã giao và để... không có lỗi với bản thân!

 

Đắm chìm trong cờ bạc, rượu chè

 

Hiện tượng sinh viên rượu chè không còn là một hiện tượng lạ, bất cứ dịp nào như mừng thành viên mới của phòng, chia tay về quê, hay sinh nhật, các dịp lễ tết… sinh viên đều có thể đem rượu bia ra uống, nếu uống ít thì đã không sao nhưng uống nhiều có khi lại quá đà “say xỉn bét nhè” dễ dẫn đến những hành động thiếu kiểm soát.

Rượu là thức uống cũng dễ gây nghiện nên đã có những bạn sinh viên trở thành con sâu rượu, gặp bạn bè là rủ đi nhậu, dịp gì cũng mượn rượu để phân giải. Và rượu cũng là chất gây kích thích ảnh hưởng đến sức khỏe, làm mất sự tập trung, sau những buổi chè chén như thế thì các bạn còn có tâm trí đâu mà học hành nữa.

 

Cờ bạc cũng là tật sinh viên dễ mắc phải. Nếu dạo qua các quán cà phê hay một vài phòng trọ chúng ta cũng dễ bắt gặp các tụ điểm đánh bài của các nhóm sinh viên và không ít trong số đó là đánh bài ăn tiền. Có bạn mê cờ bạc đến nổi mới giữa tháng đã cháy túi, phải vay mượn bạn bè để ăn uống cho đến hết tháng (mà chủ yếu là ăn mì tôm). Sinh viên Q đã cầm luôn xe máy là phương tiện đi học duy nhất mà gia đình cấp cho chỉ để thỏa mãn máu cờ bạc.

 

Thế giới ảo

 

Không đam mê rượu chè, hay cờ bạc nhưng lại đam mê một thú vui cũng lấy đi không ít thời gian của các bạn sinh viên. Đó là game online, P hoàn toàn không đi học, lâu lắm mới thấy P lên lớp được vài bữa, hỏi ra mới biết P là tay nghiền chơi game trên mạng. Do phòng trọ có nối mạng nên hầu như suốt ngày P luyện game, có khi quên cả ăn uống khiến người hốc hác hẳn, gia đình không biết tưởng đâu cậu “quý tử” vì học bài chăm chỉ nên sút ký. Sức khỏe sa sút, học tập càng không ra gì, cuối năm P phải bị ở lại do nợ quá nhiều môn. 

 

Game là một trò chơi giải trí, giúp ta thư giãn sau khi học nhưng nếu không phân bổ thời gian chơi và học cho hợp lý và đam mê game, trở thành một tay nghiện game thì đến một lúc nào đó game sẽ nuốt chửng tát cả thời gian của bạn, không còn thời gian cho việc chăm sóc bản thân lấy thời gian đâu để học.

 

Theo Phương Thảo

Mực Tím