Những cuộc chơi tới bến

Hàng đêm, Ngà vật vờ trong các quán bar để tìm kiếm... bạn chơi. Ngà không phải là “call girl” chuyên nghiệp như nhiều người vẫn nghĩ. Cô trơ mặt bắt quen với các “đại gia” chỉ cốt để kiếm ly rượu “chùa” hoặc “chơi ké”.

Những kẻ ăn bám

 

Ở các bar, Ngà không thuộc hẳn vào một nhóm chơi nào nhưng ai cô cũng biết. Ngà không nhiều tiền để có thể thoải mái ăn chơi nhưng những chốn xanh đỏ cùng tiếng nhạc chát chúa hàng đêm vẫn có sức hút kỳ lạ với cô... Biệt tài để săn “đại gia” của những người như Ngà là nhớ nhanh và nhớ dai.

 

Mai A. với biệt danh là A. “trơ” sống bám ở vũ trường N. từ năm cô mới 16 tuổi. Ba năm nay, đêm nào A. cũng có mặt tại đây chỉ để ăn chơi, nhẩy nhót tới tàn đêm. Nhà A. không giàu nhưng cũng thuộc loại kinh tế khá. A. không được bố mẹ bao cấp tiền “chơi đêm” nhưng cô không bị quản lý về thời gian, thế nên A. thường đến các tụ điểm ăn chơi với cái ví... rỗng. 

 

Hồi đầu A. còn cố xoay xở tiền vào cửa, sau quen dần, bảo vệ cũng chẳng buồn hỏi han. A. không chơi thân hay gia nhập một nhóm cố định nào mà thường bắt quen một cách ngẫu hứng. Khách quen của vũ trường A. truyền tai nhau rằng nếu cao hứng thì có khi chỉ cần một ly rượu ngoại A. cũng sẵn sàng overnight (qua đêm) “miễn phí”.

 

Kiểu sống của A. bị gọi là “tầm gửi”. Tầm gửi sống vật vờ như thế để không bị “bắn mác” “call girl” (gái gọi) nhưng vẫn có đủ tiền phục vụ cho nhu cầu ăn chơi của bản thân. Còn có một kiểu “tầm gửi” khác, cũng nhằm mục đích để chơi tới bến mà dân chơi đêm gọi là “tầm gửi mạng” - kiểu ăn nhờ chỉ có ở thời đại @.

 

11h đêm, quán Intemet trên phố Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã vãn khách, chỉ còn lại ba cô gái trẻ vẫn đang mải miết gõ lách cách trên bàn phím. Chủ quán có vẻ đã quen với những vị khách muộn như thế này nên lặng lẽ dọn xe vào trong và kéo cửa lại.

 

1h sáng, ba cô bắt đầu ngáp dài. Những tín hiệu SOS liên tục được gửi đi. 2h sáng. Cánh cửa quán kéo roàn roạt, ba vị khách tuổi chưa quá 20 bước ra đường, ở đấy đã có sẵn 2 chiếc xe máy với 2 chàng thanh niên đang chống chân đợi.

 

Phải nói ngay rằng ba cô gái được nhắc đến ở trên vẫn còn đang đi học nhưng buổi sáng, thay vì tới trờng, các cô còn ngáp ngắn, ngáp dài ở một nơi nào đó sau cuộc chơi thâu đêm. Nếu sau 10h đêm còn lang thang trên mạng, bạn sẽ nhận được vô số những lời “hỏi han”, từ ý nhị tới thẳng thừng rằng có muốn “over night” hay không.

 

Những “công dân mạng đêm” gọi đó là các vụ đi theo tín hiệu SOS đó là đi “cứu Net”. Tìm hiểu được biết, những cô nàng chat đêm như thế nếu đã đến mức kêu cứu thì có nghĩa là chỉ cần mất vài chục nghìn, quá lắm đến tiền trăm là có thế rủ đi bất kỳ đâu và làm bất kỳ điều gì được yêu cầu.

 

Chơi “bất cần đời”

 

Đang là sinh viên năm cuối, Kiều Mai L. bị “hốt” đi trong một lần “dạt nhà” với chúng bạn. Vốn là con của một gia đình gia giáo, bố mẹ nghiêm khắc nên từ nhỏ L. bị “kìm kẹp”, không được thoải mái chơi theo ý mình. Khi vào đại học, thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ, L. như con chim bị nhốt lâu ngày giờ sổ lồng thỏa sức ăn chơi. L. nhanh chóng kết thân với nhóm bạn chuyên “chơi đêm”. Nơi hẹn hò tụ tập của họ thường là các quán rượu. Thỉnh thoảng cả bọn lại rủ nhau đua xe để “chào mừng” dịp nào đó (chẳng hạn như SEA Games, Worl Cup...).

 

Có những đêm mùa hè, trời Hà Nội nóng nực, cả bọn hứng lên rủ nhau chạy xe ra Đồ Sơn chơi... Chuyến đi “ngông cuồng” đó đã lấy đi của L. hai cái răng cửa. L. không lấy đó làm phiền mà cô còn tỏ ra tự hào vì nó chứng tỏ mức độ “chịu chơi” của mình.

 

Khác với Kiều Mai L, Nguyễn Thu M. lại có thú vui khác, “dịu dàng” hơn nhiều ấy là những cuốc “hội nghị bốn người” thâu đêm suốt sáng. Gặp M. không mấy ai biết được cô lại có thể là con bạc khát nước tới độ dám mượn xe của bạn đi “cắm” lấy tiền chơi. Thỉnh thoảng M. lại sụt sịt tâm sự cùng bạn bè trong lớp rằng cô thương bố mẹ già và đứa em nhỏ ở quê phải ăn sắn, ăn khoai góp tiền cho cô đi học. Một, hai lần đầu bạn bè cùng lớp tin sái cổ và cho M. vay tiền. Sau rồi ai cũng biết đó chẳng qua là “võ miệng” để vay tiền mà thôi.

 

Ngoài thú vui ngồi “đan quạt” (tiếng lóng để chỉ việc chơi bài), thỉnh thoảng M. còn “thả” con lô, con đề cho “đời thêm phần thi vị”. M. không chơi lô, đề thường xuyên vì cô cho rằng như thế sẽ không “đỏ”. M. khẳng định, trong nhóm của cô, có những người còn “độc đáo” tới độ ngày nào cũng... thả con lô kiếm tiền ăn. Mà lạ ở chỗ cô nào gần như ngày nào cũng trúng, mỗi lần trúng chỉ vài chục nghìn nhưng cũng đủ bao ăn bao tiêu “vớ vẩn” cho vài người.

 

Đã ba năm nay M. giấu gia đình việc bị đuổi học để tiếp tục duy trì nguồn viện trợ. Khi đến kỳ... phải ra trường, M. bịa lý do phải học thêm một bằng nữa để có cớ ở lại với “hội phỏm”. Chẳng biết sau khi tốt nghiệp khóa học này, M. còn phải học thêm khóa học nào nữa không? Có khi nào M. nghĩ tới nơi quê nghèo quanh năm gió Lào cát trắng, đứa em nhỏ của M. phải buổi đến trường, buổi dãi nắng bán kem, cha mẹ cô đang phải tằn tiện, chắt chiu từng đồng... gửi cho cô những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi để M. ném vào chiếu bạc không tiếc tay.

 

Khuôn mặt bợt bạt, đôi mắt không thần thái, nước da mai mái... dường như là vẻ bề ngoài chung của nhiều kẻ có thú chơi đêm. Không cần biết tới ngày mai họ sống như những con thiêu thân để rồi nhận những kết cục đau lòng. Chẳng biết sau những lần được “cứu Net”, sau những vòng đua bạt mạng, sau những đêm mụ mị bên chiếu bạc những con người ấy thấy đời mình còn lại gì?

 

Theo Đ.H
Phụ Nữ Việt Nam