Những “cụ non” ẩn cư trong phòng kín
Hikikomori có nghĩa là rút lui, hội chứng này bắt đầu từ Nhật Bản và đang lan rộng khắp thế giới, đặc biệt ở những nước phát triển, nơi mà giới trẻ phải chịu quá nhiều sức ép, đã tự cách ly với cuộc sống bên ngoài.
Hội chứng Hikikomori
Một buổi sáng khi mới 15 tuổi, Takeshi (Nhật Bản) đóng cửa phòng ngủ của cậu và ở đó suốt 4 năm. Cậu không đi ra ngoài, không tới trường, không làm việc, không bạn bè. Tháng này qua tháng khác, Takeshi tự giam mình trong căn phòng chỉ rộng bằng 1 chiếc giường lớn khoảng 23 tiếng mỗi ngày.
Tại đây, Takeshi ăn bánh bao, cơm, thức ăn mẹ cậu nấu và xem truyền hình, nghe đài. Takeshi tâm sự: “Mọi thứ đều tối tăm và tuyệt vọng”. Gần đây, Takeshi đã rời ngôi nhà của bố mẹ để tham gia chương trình huấn luyện tìm việc “Khởi đầu mới” ở ngoại ô Tokyo.
Takeshi có khuôn mặt thanh tú, nhưng người gầy guộc, tóc nhuộm vàng rối bù. Takeshi nói khi đang tham gia khóa học “Khởi đầu mới” diễn ra 3 buổi mỗi tuần: “Đừng cười, âm nhạc đã giúp tôi rời khỏi căn phòng đó”. Trong lớp học có hơn 10 bạn trẻ khác đều ở lứa tuổi 20 có chung câu chuyện như Takeshi.
Shuichi, 20 tuổi, cao lêu nghêu, ăn mặc sành điệu, mơ trở thành cây guitar. Cách đây 3 năm, Shuichi bỏ học, sống ẩn dật trong phòng kín trước khi có người thuyết phục cậu tham gia khoá học “Khởi đầu mới”. Ngồi sau Shuichi là một thanh niên khác trông rất yếu ớt, tên viết tắt là Y.S.
Cậu rút về “ẩn cư” trong căn phòng của mình năm 14 tuổi, xem truyền hình, lướt Internet và làm các hình mẫu ôtô trong... 13 năm. Khi rời khỏi “tiểu bản doanh” vào tháng 4/2005, Y.S đã gần 30 tuổi, một nửa cuộc đời.
Hiện tượng xã hội trên ngày càng phổ biến ở Nhật Bản. Một số Hikikomori thỉnh thoảng còn rời căn phòng của mình để dùng bữa với bố mẹ, buổi tối muộn có thể tới các cửa hàng để mua đĩa CD. ước tính có tới 80% Hikikomori là nam, một số thậm chí còn rất trẻ mới 13-14 tuổi.
Hầu hết Hikikomori “ẩn cư” trong 6 tháng đến 1 năm, nhưng một số trường hợp có thể lên tới 15 năm hoặc hơn nữa. Theo chỉ trích của công luận, hội chứng Hikikomori được tạo ra bởi các vấn đề xã hội hiện đại khi bố mẹ luôn vắng nhà và phải làm việc quá sức nên không quan tâm tới con cái, trong khi con của họ chịu nhiều sức ép từ trường học, bị ảnh hưởng bởi truyền hình, Internet, trò chơi...
Các chuyên gia tâm thần ước tính tại Nhật Bản hiện có khoảng 1 triệu Hikikomori, chiếm gần 1% dân số, nhưng điều đáng lo ngại hầu hết họ đều còn trẻ.
Một số chuyên gia cảnh báo đang có khoảng 100.000 - 300.000 người nguy cơ bị Hikikomori. Từ giữa những năm 1980, bác sĩ Tamki Saito ở bệnh viện Sofukai Sasaki (Tokyo) bắt đầu tiếp nhận những nam thanh niên mắc thói quen kỳ lạ là tự giam mình trong phòng.
Đến nay bác sĩ Saito đã điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân Hikikomori. Những khóa học “Khởi đầu mới” đã chứng tỏ hiệu quả trong việc giúp giới trẻ Nhật Bản thoát được chứng Hikikomori. Tuy nhiên, chương trình này rất tốn kém nên chưa được nhân rộng.
Nhiều kiểu Hikikomori trên thế giới
Những nước và vùng lãnh thổ có hệ thống giáo dục giống như Nhật Bản thường tạo ra sức ép rất lớn cho giới trẻ. Kết quả là có không ít học sinh ở Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong, Đài Loan...bị mắc chứng tự kỷ, tìm cách xa rời bạn bè, bố mẹ và tìm đến thế giới ảo Internet, trò chơi máy tính, thậm chí còn có những hành động vi phạm pháp luật, tự tử.
Tại các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Đức... các vấn đề của xã hội thời hậu công nghiệp cũng tạo cho giới trẻ những thói quen, thậm chí là căn bệnh tương tự như Hikikomori.
Giới trẻ phương Tây cũng phải hứng chịu sức ép xã hội tương tự như ở Nhật Bản hoặc bị ức hiếp có thể mắc chứng trầm cảm, tự kỷ, sống thu mình lại như những Hikikomori. Một số bạn trẻ ở phương Tây thậm chí bị kích động, gây ra bạo lực như vụ thảm sát ở trường trung học Columnibe, Red Lake (Mỹ), hoặc ở Erfurt (Đức).