Những “con nợ”... giàu có

Cuối năm học, các “chủ nợ” vào tận trường tìm sinh viên đòi nợ. Càng những cô cậu hào nhoáng càng nhiều người đến tìm. Sáng là chị chủ hiệu quần áo, trưa là bà chủ hàng ăn, tối lại mấy ông chủ quán Internet chực ở đầu ngõ…

Vay rồi trả, lo gì?

Bẵng đi cả tuần không gặp, lại thấy Tân gõ cửa: “Tao mượn tạm ít tiền”. Học cùng lớp, ngồi cùng bàn ấy vậy mỗi lần gặp nhau chỉ mỗi việc đó. Nói không ai tin, hàng tháng bố mẹ cho Tân cả vài triệu tiêu vặt, còn Văn chỉ có chưa đầy mấy trăm từ quê gửi ra.

Không chỉ có Văn, cả nhóm bạn ai cũng trở thành “chủ nợ” của Tân. Được cái cậu vay rồi trả đúng hẹn, không bao giờ “quên” như nhiều “con nợ” khác.

Phong, quê thành phố Cảng nhà rất khá giả. Mình cậu thuê một phòng, xe cộ, đồ dùng sinh hoạt không thiếu gì. Tháng nào mẹ Phong cũng từ quê lên với cả cọc tiền. Thế mà Phong vẫn thường xuyên hỏi vay tiền hai cô bạn gái phòng bên. Lâu dần thành quen, mỗi lần thấy cậu sang là hai cô “mở hòm chìa khóa”.

Đầu tháng, mẹ Tân cho tiền một lần. Nhận tiền, Tân vội rời ngôi nhà vắng vẻ trên phố tìm đến bạn bè. Mấy đứa chịu chơi thì được rủ đi nhà hàng, sàn nhảy; mấy đứa tỉnh lẻ thì đi pic-nic, quán nhậu…

Miệng ăn núi lở, vài triệu đồng hết nhanh chóng. Tiền mẹ khoán tiêu cả tháng, Tân không dám xin thêm. Thiếu thì nợ, quán xá đã ghi sổ; tiền xăng xe, di động không “chịu” được thì mượn bạn bè. Tân không nghĩ ngợi nhiều về điều này, với cậu “nợ thì trả, có gì mà lo”.

Cứ cuối tháng, Phong lại kêu cả xóm lên tận Ba La (Hà Đông) ăn thịt chó. Tháng nào cũng thế, hết chó là vịt, lẩu… Đi mãi, mấy đứa trong xóm đâm ngại nhưng từ chối không xong. Họ tặc lưỡi với nhau: “Phong nó quá nhiệt tình. Thì đi, cuối tháng nó hết mình lại giúp”.

Những cuộc vui tập thể như thế tốn kém không ít tiền vì Phong nhiều bạn. Ngoài xóm trọ, Phong còn dẫn vài hội như thế khiến số tiền lớn như “không cánh mà bay”.

Cuối tháng nhận tiền những con nợ giàu có ai cũng tươi rói. Họ lại vui chơi, tiệc tùng và không quên “trả nợ không thiếu một xu”… Khi hết, lại vay mượn, lại trả, lại vay…

Những “con nợ” thật sự

Một bà mẹ đã năm lần mang gần 150 triệu đồng lên thị trấn Xuân Mai (Hà Tây) trả nợ cho cậu ấm đang học năm thứ hai trường Lâm nghiệp. Quê ở một tỉnh miền Tây Bắc xa xôi, ít ai tưởng được “công tử phố núi” mỗi tháng nợ bình quân gần 30 triệu đồng.

Khác với các “con nợ” nêu trên, “công tử phố núi” không có khả năng chi trả mọi khoản ăn chơi, dù hàng tháng số tiền gia đình (khá giàu có) gửi cho gấp vài lần bạn bè.

Rất ngạc nhiên khi phần lớn “con nợ” bảo: “Có nợ mới là cuộc sống”. Với họ nợ như là cái mốt hiện tại. Càng nợ nhiều càng chứng tỏ sức “chịu chơi”.

Với những người nghèo, đặc biệt là các sinh viên xa nhà nợ nần là điều có thể hiểu. Thế nhưng chính những sinh viên khá giả mới là những con nợ chính hiệu.

Không hiểu họ thích “tiêu như phá”, thể hiện mình hay không thể lập ra một kế hoạch sử dụng đồng tiền khi mà chưa hề kiếm ra được một đồng? 

Theo N.V
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm