Những cô gái “nói ra tiền”
Chưa hề qua một lớp ngoại ngữ nào nhưng các cô vẫn có thể nói tiếng Trung nhoay nhoáy. Tại khu chợ cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn rất nhiều cô gái trẻ măng vừa phiên dịch vừa bán hàng. Bạn bè vẫn bảo đó là nghề... nói ra tiền.
Phiên dịch... nghiệp dư
Nguyễn Thị Hằng ở xóm Chay (xã Canh Lậu, Yên Thế, Bắc Giang) cũng như hàng chục cô gái ở đây đều chưa từng học một chút tiếng Trung nào ở trường lớp cho đến khi lên cửa khẩu mưu sinh. Hằng kể: "Mình lên đây đã được gần một năm. Lúc đầu tập tành bán hàng để học tiếng, sau vài tháng là quen và giao dịch bằng tiếng Trung lanh lẹ hơn".
Tiền công các chủ ở đây trả theo ngoại hình và khả năng bán hàng. Cô nào xinh, bán hàng khéo sẽ được trả tiền công cao, từ vài trăm đến 1 triệu đồng. Có những cô vừa giỏi tiếng Trung vừa thạo buôn bán giúp những bà chủ người Hoa sẽ được trả tiền công có thể lên tới 2-3 triệu đồng (chưa kể tiền hoa hồng).
Với Hoàng Thị Thu ở Ý Yên, Nam Định thì quá trình lên vùng biên giới này lại bắt đầu từ những chuyến đi buôn hàng theo mẹ. Sau một chuyến hàng lớn bị chủ người Hoa chơi gian, trao hàng giả, 3 xe hàng vài trăm triệu đồng bị bắt, mẹ con gần như sạt nghiệp, Thu đành ở lại nơi cách quê nhà gần 300 km để kiếm tiền giúp em ăn học.
Buổi chiều tối, tan chợ tôi theo Thu về nhà trọ. Một dãy phòng như phòng sinh viên ở Hà Nội, chừng 15m2 với giá 250 ngàn đồng cho 2 người, tôi lại thấy Thu cặm cụi tập viết tiếng Trung. Ngẩng đầu lên khỏi trang vở có kẻ ô của học sinh tiểu học, Thu bộc bạch: "Mình nói cũng tạm ổn rồi, cả tiếng Pạc Và (tiếng địa phương của dân tộc thiểu số Trung Quốc sống gần biên giới Việt Nam) và tiếng Bắc Kinh, nhưng còn chữ thì chịu. Mình mới học xong một lớp 3 tháng tại trung tâm ngoại ngữ, giờ cố viết cho thạo".
Những ước mơ...
Một cô gái từ ngày mới học lớp 10 đã biết xách làn theo mẹ đi buôn thì giấc mơ không chỉ dừng lại ở việc kiếm gần 2 triệu đồng/tháng bằng nghề phiên dịch. Khi đêm miền biên giới đã lặng như tờ, đôi mắt cô long lanh: "Mình làm ở đây mới hiểu được hết những ngón nghề của thương nhân Trung Quốc, hiểu được cái cách họ bán hàng cực rẻ nhưng vẫn có lãi và mình ước mơ học thông thạo tiếng Trung để sau này có thể vào sâu trong đại lục mua hàng tận gốc".
Với sự hiểu biết về kiến thức buôn bán, giờ Thu đã được bà chủ cho đi theo về bên Trung Quốc nhận hàng. Có những ngày cô được giao toàn quyền bán hàng, thu tiền mà không có bà chủ giám sát.
Còn Nguyễn Thị Hoa, 18 tuổi ở thôn Đồng Lạc (xã Yên Thế, huyện Yên Thế, Bắc Giang) thì nuôi một ước mơ, đó là bước qua cổng Trường ĐH Ngoại ngữ. Thi trượt đại học năm vừa rồi, Hoa xách túi theo chị đi làm ngay ngày biết điểm qua internet.
Ngày đi làm, tối đến Hoa lại đi học tiếng Trung. Dù vốn tiếng của cô đã thừa sức để hiểu tất cả những gì bà chủ nói nhưng Hoa vẫn học chữ để sang năm thi đại học. Cô thì thầm: "Mình đã dành dụm được gần 2 triệu đồng để ra Tết xuống Hà Nội ôn thi vào Đại học Ngoại ngữ. Mình sẽ thi vào khoa Tiếng Trung. Học xong, mình lại muốn lên đây làm du lịch hoặc buôn bán. Với cửa khẩu này, có tiếng, có vốn và có chút kiến thức kinh doanh chắc chắn nhìn đâu cũng thấy cơ hội làm ăn".
Theo Káp Thành Long
Thanh Niên