Những cô gái không đeo... nữ trang

Con gái ai chẳng thích làm điệu, thế thì tại sao họ lại không đeo trang sức? Nhưng đó không phải là điều gì bất thường, đơn giản vì họ đang đảm trách những nghề khá đặc biệt.

Có những công việc mà theo quan niệm của nhiều người từ trước tới nay không có trong… từ điển của giới nữ, hoặc ít nhất cũng đầy chất nam tính. Nhưng trong xã hội hiện đại, không ít những bạn gái trẻ đã dũng cảm “dấn thân” vào những công việc ấy.       

“Tứ đại mỹ nhân” làm vệ sĩ

 

“Tứ đại mỹ nhân” ở công ty bảo vệ Trí Dũng: “Nghiêm nghị trong công việc nhưng ngoài đời chúng tôi vẫn là phụ nữ”. Trái với hình dung ban đầu về những cô gái làm bảo vê - vệ sĩ rất thô cứng, nam tính, bốn cô gái ở công ty bảo vệ Trí Dũng đều rất xinh đẹp và duyên dáng. Một phát hiện thú vị là bốn cô đều  sinh cách nhau từng năm một. Nguyễn Huỳnh Thanh Trâm là “chị hai”, sinh năm 1981, kế đến Trần Thị Xoa 1982, Nguyễn Thị Hảo 1983 và Nguyễn Thị Mỹ Lan 1984.

 

Bắt đầu từ một bài viết về nghề vệ sĩ trên báo Phụ Nữ, Trâm cảm thấy ấn tượng với công việc này và hăm hở tham gia. Các bạn khác thì tình cờ đọc thông tin tuyển dụng và tò mò nộp thử.

 

Khi thi xét tuyển, Mỹ Lan bị “chê” là hơi ốm so với tiêu chuẩn (nữ cao trên 1m6, nặng 45kg) nhưng sự quyết tâm theo nghề của cô đã thuyết phục ban giám đốc. Một ngày làm việc của họ thường bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc lúc 14 giờ, hoặc từ 14 giờ đến 22 giờ.

 

Công việc thường xuyên tiếp xúc với nhiều khách hàng khác nhau, nhiều tình huống xảy ra không thể dự kiến trước nên người vệ sĩ phải biết xử lý linh hoạt, điềm tĩnh, ôn hoà và có chính kiến riêng. Khi được hỏi có hay phải dùng đến món võ không thì được nghe câu trả lời là: “Biết võ không phải để đánh người mà để giữ an ninh trật tự và làm tốt công việc của mình thôi!”.

 

Hảo kể, khi gặp khách hàng nóng tính, không chịu nghe giải thích, cũng có lúc muốn “thả” cái tính tự do của mình ra nhưng ngay lập tức phải kìm lại. Tính kỷ luật và trách nhiệm với công việc là trên hết. 

 

Lý do đến với nghề của mỗi người mỗi khác và khi đã “dính” vào thì không muốn rời ra. Từng có cơ hội làm việc tốt hơn nhưng Trâm vẫn gắn bó với nghề vệ sĩ. Các bạn còn lại cũng bày tỏ sự yêu thích đặc biệt và mong muốn gắn bó lâu dài với công việc này.

 

Võ thuật không làm mất đi nữ tính

 

Những cô gái không đeo... nữ trang - 1

   Huỳnh Thị Ngọc Thảo 
 

Thật bất ngờ khi cô gái nhỏ bé Huỳnh Thị Ngọc Thảo, trông còn rất trẻ so với tuổi (sinh 1971) này lại là huấn luyện viên - trưởng bộ môn võ karaté của Sở Giáo dục - đào tạo TPHCM và Trung tâm TDTT Q.Phú Nhuận, đồng thời cũng là một trong số ít nữ trọng tài quốc gia.

 

Chị đến với karaté rất đỗi tình cờ. Năm 11 tuổi, được ba khuyến khích đi học võ karaté và kết “duyên nợ” từ đó. Huy chương vàng karaté toàn quốc nội dung kata năm 1991 là phần thưởng quý giá đầu tiên chị nhận được trong nghiệp võ của mình, theo sau đó là hàng loạt huy chương các loại, các cấp.

 

Huấn luyện viên cũng là giáo viên nên mỗi năm đến dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 chị đều nhận được rất nhiều hoa của học trò. Vận động viên Nguyễn Trọng Bảo Ngọc - HCV Asiad 2002 chính là một trong rất nhiều học trò của chị. Những điều đó đem lại niềm vui và tiếp sức cho chị thêm yêu nghề nghiệp.

 

Chị sung sướng kể  rằng ngày càng có nhiều bạn gái trở thành môn đồ của môn võ karaté. “Vẫn có người còn e ngại rằng con gái mà học võ sẽ mất đi nét nữ tính, nhưng mình nghĩ  cái chính là do mình thôi”- Thảo nói.

 

Thêm một điều thú vị khi phát hiện ra đằng sau vẻ bề ngoài có vẻ hơi lạnh lùng của chị là một tâm hồn khá nghệ sĩ. Chị bẽn lẽn kể về mối tình của mình với thầy giáo dạy guitar, bây giờ là phu quân của chị, với niềm hạnh phúc ánh lên trong đôi mắt.

 

Cô gái ngồi sau vô-lăng

 

 

Những cô gái không đeo... nữ trang - 2

       Trần Thị Thuỷ 

Trần Thị Thuỷ (sinh 1973), nữ tài xế taxi của Mai Linh: “Cẩn thận và trung thực là đức tính cần có”. Nhiều người sử dụng dịch vụ taxi vẫn rất ngạc nhiên thích thú với những cô gái mặc đồng phục ngồi sau vô-lăng. Thuỷ là một trong số rất ít nữ nhân viên như thế (tại công ty taxi Mai Linh, có khoảng 30 nữ /4.000 nhân viên).

 

Trung bình mỗi ngày, chị phải chạy ít nhất 150km. Cá biệt có những hôm phải chở khách đi xa tận Phan Thiết, Đà Lạt, Cà Mau mà không hề chuẩn bị trước. Một tháng làm việc theo tiêu chuẩn 15 ca, mỗi ca đồng nghĩa với việc làm 24/24. 

 

Đặc trưng của nghề lái taxi là chuẩn bị để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Từ lúc vào nghề, đã ba năm chị không về quê ăn tết cùng gia đình ở Bến Tre. Có năm, đúng 30 tết, vì một va chạm nhỏ với một người say rượu mà suốt cái tết chị phải  vào ra bệnh viện.

 

Có những trường hợp làm chị ứa nước mắt. Đó là khi bị khách nổi nóng vì chạy xe không nhanh như ý họ muốn, bị “quỵt” tiền mà không làm gì được, và cả sự vô tình của nam giới khi có lần xe  bị chết máy mà không ai giúp đỡ lại còn la mắng. Đó là chưa kể nếu gặp phải hành khách là đàn ông… ham của lạ hay bọn đạo tặc thì phải tuỳ cơ ứng biến.

 

Tuy nhiên, nghề của Thuỷ không chỉ nhận được nỗi buồn. Chị kể, có những câu chuyện đường dài với khách bỗng khiến chị có thêm người bạn mới hay mấy lần trả lại tài sản của khách bỏ quên là mấy lần chị vui đến… ngày hôm sau. 

 

Giờ thì hẳn bạn đã hiểu vì sao họ là những cô gái không thích đeo nữ trang. Với công việc như thế, họ ít khi được làm điệu. Sự nỗ lực khẳng định mình trong công việc và sự yêu nghề của họ rất đáng được trân trọng. Những cô gái ấy như ngọc trong đá, rất cần sự sẻ chia, thông cảm và cổ vũ của mọi người.

 

Theo Hiền Lê
Sài Gòn Tiếp Thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm