Những “chúa Chổm” trẻ ở Mỹ
Từ bỏ ý định tận hưởng những chuyến du lịch xa xỉ ở nước ngoài và xài đồ hiệu, chỉ biết mỗi việc “kéo cày” để trả những khoản nợ đang ngày một chồng chất... Đó là hình ảnh của đa số những người trong độ tuổi từ 25-34 ở Mỹ hiện nay.
Học sống tằn tiện
Cuộc sống của Z.Paul giờ đây đã khác nhiều so với trước kia. Hồi còn làm thiết kế trang web ở San Francisco trong thời điểm nghề này đang rất “hot”, cô thường bắt đầu buổi sáng tại tiệm cà phê Starbucks, thỉnh thoảng đãi đồng nghiệp uống nước và hầu như tối nào cũng đi ăn tiệm.
Giờ đây, Paul đã 30 tuổi và đang làm việc với đồng lương rẻ mạt cho một công ty quảng cáo với nỗi lo thường trực không biết lúc nào sẽ bị cho nghỉ việc trong khi đang mang một món nợ tín dụng 10.000 USD.
Khi muốn mua một món đồ mới cho phòng khách, Paul đã không dám nghĩ đến chuyện dạo một vòng qua các cửa hàng nội thất để chọn lựa, thay vào đó, cô không hề đắn đo đi thẳng vào cửa hàng giá rẻ để “tậu” một chiếc sofa với giá... 67 USD.
Không có chuyện ăn ngoài, Paul gói đồ mang theo để ăn trưa. Quán cà phê Starbucks đã trở thành chuyện quá khứ và một cốc cà phê cappuccino 4 USD với cô giờ đã là quá xa xỉ: “Đời sống quá đắt đỏ. Bây giờ tôi phải học sống tiết kiệm”.
Paul chỉ là một con nợ điển hình của việc “xài trước trả sau” - một tiện lợi do thẻ tín dụng mang lại nhưng cũng kèm theo đó là một cái giá khá đắt.
Đối với sinh viên, số nợ còn cao hơn nhiều vì học phí và những khoản chi tiêu xài trong thời gian đi học. E.Beeler, một nhân viên văn phòng 25 tuổi, cũng đang “cõng” khoản nợ 20.000 USD cho mấy năm học đại học để có được tấm bằng về tâm lý mà anh hầu như chưa bao giờ dùng đến.
Các bậc phụ huynh thì ngậm ngùi rằng, thời buổi này chắc bọn trẻ khó mua được một căn nhà mà phải sống nhờ nhà cha mẹ, còn nợ thì chồng chất. Lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở vì giá nhà trong 5 năm qua tăng đến 26% trong khi thu nhập của giới trẻ tăng chưa đến 10%.
Những con mồi thơ ngây
“Miễn phí 10 phần ăn: 1 bánh pizza và nước uống”, dòng chữ được in đậm trên những tờ bướm màu vàng lần lượt được chuyển tới tay những cô cậu học sinh cấp 3 hay sinh viên mới nhập trường. Thế là không phải lo bữa tối nhưng bù lại trước khi ra khỏi cửa hàng ăn, những thực khách “được mời” này phải điền vào một số mẫu đơn, trả lời một vài câu hỏi và ký vào mấy tờ giấy đăng ký... dùng thẻ tín dụng.
Đơn giản bằng cách này hoặc gửi e-mail “gạ gẫm” đến từng người liên tục trong nhiều tháng, các công ty phát hành thẻ tín dụng đã “dụ” được những con mồi thơ ngây.
Một bài báo gần đây trên tờ USA Today cho biết, 23% sinh viên đại học có thẻ tín dụng từ trước khi nhập học. Một mẩu tin trên đài CBS của Mỹ cũng từng nói rằng sinh viên đang nhân đôi số nợ thẻ tín dụng và nhân ba số lượng thẻ đựng trong ví trong thời gian học đại học. Tuy nhiên, điều đáng ngại là nhiều sinh viên chỉ trả số tiền nợ thẻ ở mức tối thiểu hằng tháng.
Cứ tính mức nợ thấp nhất 2.000 USD/năm, vậy đến khi ra trường sinh viên sẽ nợ 8.000 USD. Với tốc độ trả nợ rùa bò như trên trong khi mức lãi suất mỗi năm là 13,37%, phải mất đến 44 năm họ mới rũ bỏ được món nợ này cả vốn lẫn lãi.
Theo thống kê của Cục dự trữ liên bang Mỹ, từ năm 1983-2001, nợ thẻ tín dụng của những người từ 25-34 tuổi tăng gần gấp 3 lần từ 3.989 USD lên 12.000 USD.
Sự bấp bênh của nền kinh tế lẽ ra khiến người ta tiêu xài dè sẻn hơn, nhưng sự “tấn công” quá mạnh mẽ của ngành công nghiệp thẻ tín dụng vài năm gần đây với thông điệp: “Bạn kiếm được tiền nên xứng đáng xài nó” đã khiến người dùng dịch vụ này hài lòng với số tiền chi cho những món đồ mua nợ.
Áp lực mua sắm quá lớn từ xã hội cũng khiến những lớp trẻ vung tay quá trán để rồi rơi vào những cái bẫy nợ nần khi vẫn còn “thơ”.
Theo Uyên Phi
Thanh Niên/MSNBC, The Traveler