Những “biệt thự táo đỏ” của sinh viên
Những dãy phòng cấp 4 lợp tôn san sát nhau, diện tích chật hẹp… Đó là hình dung rất phổ biến về nơi ở trọ của sinh viên ngoại tỉnh lên thành phố học. Nhưng có một dạng nhà trọ chất lượng cao đang ngày càng được sinh viên ưa chuộng. Họ gọi đó là những “Biệt thự táo đỏ”.
Xu hướng của “Biệt thự táo đỏ”
Ai đã từng xem bộ phim này hẳn là chết mê kiểu trọ học của các cô cậu sinh viên. Một ngôi biệt thự to tướng, mỗi người một phòng riêng, đầy đủ tiện nghi, có cả một phòng bếp lớn để họ nấu ăn chung. Vui vẻ và cực kỳ ấm cúng.
Không lý tưởng như trong phim, nhưng sự thật là không quá khó để tìm được một nơi ở trọ mà sinh viên ta có được cái cảm giác “như đang ở nhà”. Một ngôi nhà lớn 3,4 tầng với nhiều phòng, nhiều công trình phụ, xây theo kiểu hiện đại, mỗi phòng ở một, hai người. Nếu thân nhau, thì họ có thể góp chung tiền nấu ăn ở tầng dưới. Những ngôi nhà cho thuê kiểu này có nhiều ở các khu tập thể của các trường đại học. Lý do là vì rất nhiều cán bộ giáo viên được cấp đất, xây nhà nhưng chưa có nhu cầu ở nên cho thuê.
Bước vào phòng ở của Thanh - cô sinh viên Ngoại thương, quê Bắc Giang trong một ngôi nhà 3 tầng, ai cũng đều có chung cảm giác thoải mái, tiện nghi. Phòng rất thoáng và sáng sủa. Phòng tắm thì cực kỳ thơm tho và hiện đại, có bình nóng lạnh. Cửa gỗ lim chắc chắn. Ti vi, tủ lạnh, tất cả đều đầy đủ. Cô tự hào về căn phòng của mình: “Thích nhất là cảm giác có một cái phòng giống như phòng của mình ở nhà vậy”.
Một nhóm 6 người bạn thân quê Hải Phòng thì rủ nhau thuê hết cả một ngôi nhà với giá 2 triệu/tháng ở khu tập thể ĐH Bách khoa. Họ tâm sự: “Đi học xa nhà, ở cùng lũ bạn thân thế này, rồi lại nấu ăn cùng nhau, có cảm giác như những người cùng một nhà. Nơi ở lại thoải mái, an toàn nên thấy rất vui vẻ”. Họ còn rất thích thú vì bà chủ nối hẳn cho đường dây điện thoại bàn, thế là có thể tha hồ gọi điện, thỉnh thoảng lại có thể lướt Net.
Tạm biệt nhà dột, mái tôn và phòng ngập nước
Hầu hết những bạn ở trong dạng nhà trọ chất lượng cao (CLC) này đều thừa nhận là giá thuê khá cao (500-600.000đ/ phòng/người), nhưng ai cũng có vẻ hài lòng với căn phòng của mình. Không chỉ với những sinh viên gia đình có điều kiện. Hải, ĐH Xây dựng, sống chủ yếu bằng tiền đi làm thêm, vẫn sẵn sàng bỏ ra 500 ngàn mỗi tháng để thuê một căn phòng như thế. “Bớt đi một số nhu cầu lặt vặt để có thể sống ở một nơi tốt hơn thì tội gì. Lại có thể yên tâm hơn để học hành, làm việc”.
Đầy đủ tiện nghi. Đó là ưu điểm dễ nhận thấy nhất của dạng nhà trọ này. “Mình đã từng cả đêm không ngủ được vì tiếng mưa cứ dội ầm ầm vào mái tôn, giật mình thon thót. Về đây ở thấy an toàn và thoải mái hơn hẳn” - Hằng, SV ĐH Thăng Long, cư dân sống trong một ngôi nhà 4 tầng nói.
Giá nhà cao, nhưng chính vì thế nên khá ổn định, không hay leo thang bất thường như các phòng trọ dãy. Vào thời gian cao điểm như đầu năm học hay mùa tuyển sinh, giá các phòng trọ dãy tăng vùn vụt, nhưng giá những phòng trọ CLC thì chỉ nhúc nhích chút đỉnh. Rất nhiều bạn ở đã hai, ba năm nay mà tiền nhà chưa tăng một lần nào. Thậm chí, ở thời điểm hiện nay, khi mọi thứ thi nhau tăng giá, thì có khi giá một phòng trọ cấp 4 đã gần xấp xỉ bằng giá của một phòng CLC. Đơn cử như nhà cấp 4 ở khu Cầu Giấy, đường Láng, có nơi đã lên đến 600.000đ/ phòng 12m2 khép kín. Phòng phụ ngoài là 400.000đ/phòng.
Giá điện nước cũng cực kỳ hữu nghị. Bạn không phải lo bị “chém” đến 2.000đ/số điện, 20.000đ tiền nước/người/tháng. Bởi vì những căn nhà đó thường có công tơ điện nước riêng như một hộ gia đình, không phụ thuộc vào nhà chủ. Các bạn dùng hết bao nhiêu thì thanh toán bấy nhiêu, theo đúng hoá đơn và mức giá quy định của nhà nước. Việc còn lại của những người sống trong cùng một nhà chỉ là tự sắp xếp, thỏa thuận với nhau để mỗi bạn thanh toán một số tiền hợp lý.
Rất nhiều bạn, khi xét thấy một mình không chịu nổi giá nhà, đã rủ thêm một, hai người bạn nữa về ở cùng. Việc được sống trong một phòng trọ CLC không còn là một điều xa vời..
Theo Thanh Xuân
Sinh Viên Việt Nam