Nhóm kiến trúc sư trẻ bỏ phố lên rừng
Với những thầy cô giáo và học sinh La Hủ (Mường Tè, Lai Châu) mùa xuân năm nay thêm trọn niềm vui khi ước mơ có khu nhà nội trú mới sạch sẽ, khang trang đã thành hiện thực.
Bỏ phố lên rừng
La Hủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), đời sống kinh tế của dân hiện còn gặp nhiều khó khăn. Chịu nhiều thiệt thòi nhất là các em nhỏ, phải sống trong điều kiện thiếu thốn, nhiều em trong số đó phải bỏ dở ước mơ tới trường, những em học sinh còn lại đến các điểm trường xa xôi ở trong những nhà nội trú tạm bợ, lợp bằng phên nứa, quây bạt.
“Hiểu được khó khăn của xã, nhóm mình thực hiện dự án xây nhà nội trú cho các em”, kiến trúc sư Lê Thu Huyền - trưởng dự án chia sẻ.
Ngày 30/3/2013 nhóm kiến trúc sư trẻ được thành lập để triển khai dự án. Thành viên chính trong dự án gồm 5 người (kỹ sư và kiến trúc sư), ngoài ra còn có các tình nguyện viên khác trong và ngoài nước.
Để có kinh phí thực hiện, các thành viên trong nhóm ngoài góp tiền của cá nhân còn vận động mọi người quyên góp qua các diễn đàn, trang web, facebook,…
Trưởng đoàn, kiến trúc sư trẻ Thu Huyền chia sẻ: “Có nhiều cách để giúp những cộng đồng nghèo bớt nghèo. Chúng tôi cố gắng xây dựng tạo môi trường để họ tự thân phát triển và giúp đỡ cho cộng đồng của mình, làm cho cộng đồng của mình trở nên giàu có cả vật chất lẫn tinh thần. Xây dựng nhà nội trú là để các em nhỏ ở đây có nơi ở tốt, học hành để thoát nghèo làm giàu cho quê hương”.
Người dân bản La Hủ hiện sinh sống trong những ngôi nhà truyền thống: xẻ gỗ, lắp ráp, nhà phên tre, mái lợp bằng lá, tôn,... Những ngôi nhà thấp, dễ bị gió lùa, tốc mái và nhanh hư hỏng. Nếu áp dụng phương pháp xây dựng bằng gạch đất nung sẽ tốn nhiều công vận chuyển, chi phí xây dựng cao, làm nhà bằng bao tải độ bền sẽ không được lâu.
Trải qua những tháng ngày gắn bó với thôn bản để khảo sát địa bàn, nhóm đã chọn phương pháp xây dựng mới kết hợp giữa truyền thống với hiện đại chủ yếu sử dụng vật liệu sẵn có tại địa phương phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế nơi đây. Nhóm quyết định xây bằng gạch đất không nung, trộn đất, cát và xi măng để tạo nên sự kết dính trong đất.
Cách xây dựng mới này sẽ giảm được nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường và quan trọng hơn là dễ xây dựng, tiết kiệm chi phí. Qua việc xây dựng thành công, người dân trong bản có thể học tập và xây dựng nhà riêng cho mình.
Vượt qua khó khăn
Các thành viên trong đoàn là người thành phố, lên vùng núi cao do bị thay đổi thời tiết nên đều bị ốm. Huyền tâm sự: “Thời gian đầu lên La Hủ, các thành viên nữ trong đoàn ai cũng bị một lần sốt, ở đây còn có ruồi vàng, khi bị đốt có thể bị mưng mủ. Bạn Hà trong đoàn bị ruồi đốt giờ để lại nhiều vết sẹo ở chân, mọi người giờ cứ đùa Hà có chân nở hoa”.
Ở trên vùng cao La Hủ, giao thông đi lại khó khăn, thực phẩm giá cao hơn dưới xuôi do chi phí vận chuyển. Các thành viên phải chuẩn bị thuốc men, trang bị cho mình những kiến thức về y tế để bảo vệ bản thân. Trong nhóm, Hà và Huyền là kiến trúc sư, nhưng giờ mọi người trong bản cứ coi như bác sĩ, con ốm lại đem tới và nhờ chữa.
Ở đây, các thành viên phải thích nghi với môi trường sống phong tục tập quán, văn hóa của người La Hủ, cản trở lớn nhất là về ngôn ngữ, người dân ở đây nói tiếng phổ thông rất hạn chế, họ thường nói tiếng bản địa.
Hà chia sẻ: “Động lực để nhóm cố gắng hơn nữa sớm hoàn thành dự án là các em học sinh nơi đây nhà nghèo, sống thiếu thốn nhưng rất ngoan và chịu khó, nghe lời, thường giúp các anh chị trong đoàn làm những công việc vừa với sức mình. Ngoài những lúc làm việc, các thành viên trong đoàn thường tổ chức các trò chơi với các em”.
Trọn niềm vui
Những ngày cuối cùng của năm đến cũng là lúc dự án nhà nội trú cho trẻ em La Hủ được hoàn thành. Sau 9 tháng lao động vất vả, vượt qua sự khó khăn khắc nghiệt của mùa đông nơi núi rừng Tây Bắc, những ngôi nhà nội trú khang trang, sạch đẹp được nhóm kiến trúc sư trẻ xây dựng sẽ tiếp sức cho hành trình tìm đến với con chữ của những học sinh nghèo nơi đây.
Cô gái trẻ của Hà thành, từng tốt nghiệp ĐH Kiến trúc Hà Nội. Trưởng nhóm kiến trúc sư Lê Thu Huyền tâm sự: “Trong thời gian thực hiện dự án, những lúc công việc nhiều, áp lực lớn nên mình thấy mệt mỏi. Lúc đó chỉ cần nghĩ đến hình ảnh ngôi nhà nội trú xây dựng xong và nụ cười hạnh phúc của các em nhỏ, mình lại thấy bao mệt nhọc tan biến, phấn chấn hơn để tiếp tục công việc.
Nay dự án đã hoàn thành mình và các thành viên trong đoàn đều cảm thấy vui và tự hào vì đã làm được một việc có ích. Sang năm mới các em lại có những ngôi nhà nội trú mới để học tập tốt hơn”.
Cô giáo Tống Thị Yến, giáo viên điểm trường Cờ Lò 2 chia sẻ: “Các em học sinh đây là con em dân tộc thiểu số nên rất khó khăn và thiếu thốn, đi học xa nhà phải ở tạm trú ở trường, nhà tạm bằng phên nứa do thầy cô trong trường làm, về mùa đông thì lạnh, nếu có mưa thì nhà bị dột ướt hết, thương học sinh nhưng thầy cô cũng không biết làm gì.
Từ khi dự án nhà nội trú cho trẻ em của nhóm kiến trúc sư trẻ thực hiện thì cả cô trò, nhà trường đều rất vui mừng. Ước mơ bấy lâu của thầy cô, học sinh nơi đây đã thành hiện thực”.
Với không khí rộn ràng của mùa xuân, bữa liên hoan nhỏ để khánh thành nhà mới chia tay thầy cô, học sinh và người dân La Hủ đã được nhóm kiến trúc sư trẻ tổ chức trước khi về Hà Nội. Mang trên vai ba lô nặng trĩu, nhóm kiến trúc sư trẻ tạm biệt La Hủ để đến với những vùng đất mới.
Theo Phát Lộc
Tiền phong