Nhiều thanh niên Hàn Quốc chưa đến 30 tuổi đã nợ ngập đầu

Nghi Phương

(Dân trí) - Nhiều người trẻ Hàn Quốc vay tiền để lo cho cuộc sống nhưng không có khả năng trả nợ trong bối cảnh lãi suất tăng cao.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) hôm 17/4, số lượng thanh niên xứ kim chi mắc nhiều khoản nợ đã tăng thêm 40.000 người trong năm qua.

Được phân loại là "những người đi vay dễ bị tổn thương" bởi ngân hàng trung ương, nhóm này bao gồm những người vay tiền từ ba tổ chức tài chính trở lên và có xếp hạng tín dụng thấp hoặc thu nhập thấp. Khả năng trả nợ của những người trẻ là thấp trong thời điểm lãi suất cao, khiến họ dễ bị vỡ nợ đối với các khoản vay của mình.

Nhiều thanh niên Hàn Quốc chưa đến 30 tuổi đã nợ ngập đầu - 1
Người trẻ Hàn Quốc bị cuốn vào vòng xoáy "vay rồi lại trả". (Ảnh: Freepik).

Theo Korea Times, số lượng "con nợ" dễ bị tổn thương từ 30 tuổi trở xuống được ghi nhận là 460.000 người vào năm ngoái, chiếm 36,5% toàn nhóm.

Tổng số người mắc nợ dễ bị tổn thương tăng thêm 60.000 người vào năm 2022, trong đó 40.000 người đến từ thế hệ trẻ ở độ tuổi 30 trở xuống. Dữ liệu cho thấy lãi suất cao kéo dài đã gây thêm gánh nặng cho những "con nợ" dễ bị tổn thương.

Khối lượng cho vay của những "con nợ" dễ bị tổn thương ở mức 93,9 nghìn tỷ won (71,4 tỷ USD), tăng 1,1 nghìn tỷ won (gần 835,5 triệu USD) so với năm trước.

Những "con nợ" dễ bị tổn thương cũng có khả năng không trả được nợ so với các nhóm khác vào năm 2022. Tỷ lệ nợ quá hạn tăng ở mọi nhóm tuổi nhưng tỷ lệ này tăng đáng kể hơn đối với những "con nợ" dễ bị tổn thương.

Tính đến năm 2022, tỷ lệ nợ quá hạn của những "con nợ" có nhiều khoản nợ là 1,1%, tăng 0,2% so với năm trước. Số tiền chậm thanh toán của họ là 6,4 nghìn tỷ won (4,8 tỷ USD), tăng 1,3 nghìn tỷ won (987,4 triệu USD) so với năm 2021.

Nhiều thanh niên Hàn Quốc chưa đến 30 tuổi đã nợ ngập đầu - 2

Người trẻ Hàn Quốc mệt mỏi, sinh ít con hơn và thậm chí làm việc đến khi qua đời để trả nợ. (Ảnh: SCMP).

Vấn đề là những người nợ nhiều có xu hướng "vay chỗ nọ để trả chỗ kia". Điều này dẫn đến tỷ lệ nợ quá hạn tăng thêm và cản trở phục hồi kinh tế.

Nghị sĩ Jin Sun Mee cho biết: "Khi những con nợ dễ bị tổn thương vay nợ và gặp khó khăn trong việc trả nợ. Gánh nặng lãi suất tổng thể dự kiến tăng lên, đặc biệt là với mức lãi suất cao như hiện nay".

Thúc đẩy việc sử dụng bảo hiểm nhân thọ tín dụng có thể là giải pháp để giải quyết vấn đề. Loại bảo hiểm này thanh toán một số hoặc tất cả khoản vay của người đi vay trong trường hợp tử vong, bệnh tật, thất nghiệp và các trường hợp bất khả kháng khác ngăn cản việc trả nợ.

Bảo hiểm không được sử dụng rộng rãi ở Hàn Quốc nhưng nó đã hoạt động thành công ở các quốc gia khác như Canada, Nhật Bản và Mỹ. Tại Nhật Bản, những người vay có tín dụng thấp phải đăng ký bảo hiểm trước khi họ nhận khoản vay.

"Bảo hiểm nhân thọ đã có ở Hàn Quốc được 30 năm, nhưng nó không được biết đến hay sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, với tỷ lệ cho vay cao và khối lượng cho vay trên mỗi hộ gia đình, có một nhu cầu tiềm năng đối với loại hình bảo hiểm này", một báo cáo từ Viện Phát triển Hàn Quốc giải thích.