Nhiều người đùa cợt, đổ lỗi cho nạn nhân bị người lạ sàm sỡ ở Hà Nội

Đinh Phương Nhung

(Dân trí) - "Cô gái trong sự việc đã mặc bộ đồ này đi qua bao nhiêu người đàn ông, phụ nữ nhưng chỉ có kẻ đó là quấy rối cô ấy. Từ đó, chúng ta có thể tự suy ra ai mới là kẻ thực sự có vấn đề ở đây".

Ngày 29/6, đoạn video quay lại từ camera an ninh cho thấy một nam thanh niên đã rình rập từ ngoài cổng và lao vào trong nhà sàm sỡ một cô gái. Sự táo tợn của nam thanh niên được xem như hành vi quấy rối tình dục nghiêm trọng, khiến nạn nhân hoang mang và hoảng sợ trong một khoảng thời gian dài.

Nhiều người đùa cợt, đổ lỗi cho nạn nhân bị người lạ sàm sỡ ở Hà Nội - 1

Kẻ biến thái vào tận trong nhà để thực hiện hành vi đồi bại (Ảnh: Chụp màn hình).

Có thể thấy, đây là hành động sai trái, thể hiện sự lệch lạc cả về đạo đức và ý thức pháp luật. Tuy nhiên, dưới những bài đăng về sự việc này trên mạng xã hội lại bắt gặp nhiều bình luận với thái độ đùa cợt, thậm chí đổ lỗi cho nạn nhân vì đã ăn mặc "mát mẻ".

Nhiều người đùa cợt, đổ lỗi cho nạn nhân bị người lạ sàm sỡ ở Hà Nội - 2

Nhiều người tag (gắn thẻ - PV) bạn bè vào để đùa cợt trong các bài đăng về sự việc cô gái bị sàm sỡ (Ảnh: Chụp màn hình).

Nhiều người đùa cợt, đổ lỗi cho nạn nhân bị người lạ sàm sỡ ở Hà Nội - 3

Nhiều người ám chỉ những kẻ biến thái là những người đeo kính. (Ảnh: Chụp màn hình).

Chưa dừng lại ở việc cười cợt trước sự việc gây ám ảnh cho nạn nhân, không ít người cũng cho rằng thiếu nữ trong câu chuyện bị sàm sỡ là do ăn mặc hở hang, không biết tự bảo vệ mình.

Nhiều người đùa cợt, đổ lỗi cho nạn nhân bị người lạ sàm sỡ ở Hà Nội - 4

Trang phục của nạn nhân "khuyến khích" kẻ biến thái phạm tội (Ảnh: Chụp màn hình).

Nhiều người đùa cợt, đổ lỗi cho nạn nhân bị người lạ sàm sỡ ở Hà Nội - 5

Mặt khác, có những bình luận bày tỏ thái độ bức xúc trước những lời chỉ trích nạn nhân (Ảnh: Chụp màn hình).

Nhiều bạn trẻ bức xúc trước những thái độ không đúng đắn về sự việc mang tính chất tội phạm

Ngô Minh Cường (20 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vô cùng phản đối về thái độ đùa cợt của một bộ phận người trên mạng xã hội: "Đùa cợt trong trường hợp này là không hợp lý, thể hiện sự không tôn trọng đến nạn nhân. Là một sự việc rất nghiêm trọng nhưng dường như nó bị xem nhẹ và coi thường. Qua đó, mình thấy rằng các sự việc bị sàm sỡ, quấy rối tình dục thế này đang không được đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng".

Trần Quang Tuấn (20 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cảm thấy đây là một trò đùa rất nhạt nhẽo nhưng lại tồn tại từ rất lâu trong không gian mạng mỗi lần có một sự việc tương tự xảy ra: "Thái độ của những người xem quấy rối tình dục là trò đùa thể hiện nhận thức và hành vi của họ tồn tại nhiều vấn đề. Các bạn nghĩ rằng mình đang mang lại tiếng cười cho nhau nhưng thực chất nó rất thiếu văn minh, gây ảnh hưởng xấu tới nhiều người".

Đồng quan điểm với Cường và Tuấn, Phạm Thu Hằng (20 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng đây là thái độ tiếp tay cho những hành vi quấy rối tình dục nói chung: "Đây là một trò đùa ác ý và nó đang tiếp tay cho những hành vi quấy rối tình dục. Đồng ý rằng mỗi chúng ta đều có quyền tự do ngôn luận nhưng những người bình luận như vậy đang vi phạm sâu sắc những chuẩn mực đạo đức và xã hội".

Đứng trước việc nhiều người quy chụp những người đeo kính thường là biến thái, Hằng cũng cho rằng đây lại là một trò đùa vô duyên khác: "Những người đeo kính chỉ đơn giản là họ bị cận hoặc có bệnh về mắt. Việc quy chụp như vậy sẽ khiến mọi suy luận đổ dồn về một phía, khiến những người bị cận cảm thấy tự ti và mặc cảm".

Các bạn trẻ đề cao vai trò của giáo dục giới tính và giáo dục pháp luật

Đứng trước những quan điểm thể hiện phụ nữ mặc những trang phục thiếu kín đáo giống như một "chất xúc tác" dẫn đến hành vi quấy rối tình dục, Đào Thị Trà My (20 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng nên đưa ra những quan điểm thực tế hơn: "Mình nghĩ thay vì so đo chất xúc tác này chất xúc tác kia thì nên chọn việc giáo dục giới tính tử tế. Tất cả những cái được cho là "chất xúc tác" chỉ nhằm giải thích cho hành động sai trái của tội phạm, giống như đang nói rằng: "Không phải 100% là tôi muốn hiếp dâm mà một phần do cô ta quyến rũ tôi bằng cách ăn mặc hở hang". Cô gái trong sự việc đã mặc bộ đồ này đi qua bao nhiêu người đàn ông, phụ nữ nhưng chỉ có kẻ đó là quấy rối cô ấy. Từ đó, chúng ta có thể tự suy ra ai mới là kẻ thực sự có vấn đề ở đây".

Chia sẻ quan điểm về điều này, Nguyễn Gia Hồng Đức (20 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đề cao vai trò của việc giáo dục pháp luật từ sớm: "Thay vì chỉ nói suông, như "không được động chạm vào cơ thể người khác khi chưa cho phép" hay "không được quấy rối tình dục" thì mình thấy nên giáo dục pháp luật rộng rãi và chia sẻ những hậu quả, tác động của quấy rối tình dục mà nó ảnh hưởng tới cuộc sống của nạn nhân như thế nào. Nhờ đó mà chúng ta có thể nhận thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc và sống có trách nhiệm hơn với từng hành động của mình".

Có thể thấy, quấy rối tình dục trước giờ luôn là vấn đề nhức nhối nhưng không phải ai trong xã hội cũng ý thức được mức độ nghiêm trọng của nó. Mỗi người lại có một thái độ khác nhau và cách giải quyết khác nhau về vấn nạn này. Vậy theo bạn, chúng ta nên làm gì để chấm dứt được những hành vi đáng sợ và gây ám ảnh này?

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm