Nhiều học trò đồng ý sống thử trước hôn nhân

"50% học trò có tiêu chí chọn người yêu giàu có, 28% thừa nhận sẽ bỏ bê học hành nếu tình yêu không được chấp nhận, 24% đồng ý sống thử trước hôn nhân", đó là kết quả khảo sát tại 3 trường THPT ở TPHCM mới đây.

Mai Quỳnh, hoa khôi một trường THPT quận Một, TPHCM tuyên bố, người cô yêu phải xuất thân từ gia đình đại gia, đảm bảo ít nhất có xe @, điện thoại di động, laptop, MP3, ví rủng rỉnh tiền để thuận tiện đi chơi ca 2, ca 3 sau khi tan học.

 

Đầu năm lớp 11, Quỳnh chọn yêu một nam sinh khóa trên, gia đình sở hữu 4 cửa hàng thời trang lớn tại thành phố. Sau giờ chính khóa, những buổi đi học thêm, "chàng" và "nàng" diện đồ hiệu, tóc tai bóng mượt, đi bar, hát raoke, chơi bowling… Nhà trường cấm học sinh đi xe phân khối lớn, cặp đôi sành điệu này chọn taxi làm phương tiện du hí.

 

Theo Lan Anh, cựu học sinh THPT NTH, quận Tân Bình, hiện tượng học sinh THPT yêu nhau thực dụng như cặp đôi của Quỳnh không cá biệt. Thanh Thủy, bạn thân của Lan Anh là một ví dụ.

 

Gia đình Thủy có công ty kinh doanh điện thoại lớn. Cha mẹ thường xuyên đi nước ngoài lo xuất, nhập hàng, để mặc cô với bà già giúp việc. Buồn, cô đơn, Thủy yêu một anh chàng cùng lớp tên Vĩnh. Cậu này quê Thanh Hóa, bố mẹ buôn bán tại Nga, gửi Vĩnh cho bác ruột tại TPHCM từ nhỏ.

 

Biết Thủy tiểu thư con nhà giàu, lại mê tít mình, Vĩnh mặc nhiên để bạn gái chi tiền từ những chi phí nhỏ nhặt nhất đến những chuyến đi chơi. Sẵn điện thoại di động của cửa hàng gia đình, Thủy tặng Vĩnh một chiếc O2, giá cả chục triệu đồng để tiện liên lạc và mua cho người yêu nhiều đồ dùng đắt tiền khác...

 

"Thấy Vĩnh không quan tâm nhiều đến Thủy và ngày càng thể hiện tư tưởng trục lợi, bạn bè khuyên can cô chấm dứt quan hệ nhưng cô nhất quyết không nghe. Tốt nghiệp THPT, trượt ĐH, Vĩnh lặn mất tăm sang Nga cùng bố mẹ, không từ biệt Thủy một lời", Lan Anh kể.

 

Cũng theo Lan Anh, nhiều bạn bè cô yêu vội như một cách khẳng định sự sành điệu của học trò, nhất là học sinh cuối cấp. Đầu năm lớp 12, trong lớp chỉ 3 cặp yêu nhau. Gần ngày thi tốt nghiệp, các cặp đôi bỗng nhiên nở rộ như "nấm sau mưa".

 

"Cách chọn người yêu của các bạn là chỉ cần nhìn đẹp trai, xinh gái, học giỏi, hát hay, thích nhau một chút là dính như sam. Nhiều đôi còn rủ bạn bè đi nhà hàng ăn uống, gọi là làm lễ ra mắt. Sau khi ra trường, các cặp này tan như bong bóng xà phòng", Lan Anh cho biết thêm.

 

Không chỉ học sinh học sinh THPT, hiện tượng yêu trong giới học sinh THCS không còn hiếm. Chị Xuân, quận Gò Vấp, từng nghẹt thở khi vô tình chứng kiến cậu con trai “bé bỏng”, mới học lớp 9, ôm hôn người yêu ngay trong phòng khách nhà mình. Sau những giây choáng váng, chị bình tĩnh tâm sự với con trai. Biết cô gái kia là con nhà nền nếp, học giỏi, chị khích lệ con phải cố gắng phấn đấu cho bằng bạn. Dần dần, chị trở thành người bạn tinh thần với cả hai cô, cậu.

 

Cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền, THPT Lê Hồng Phong, TPHCM, chủ nhiệm đề tài “Tình yêu học trò - thực trạng và biện pháp giải quyết” cho rằng tình yêu học trò đang mất đi sự trong sáng đặc trưng của lứa tuổi. Theo kết quả khảo sát tại THPT Lê Hồng Phong, THPT Hàn Thuyên, Trung học thực hành ĐHSP TPHCM, 50% học trò của 3 trường này có tiêu chí chọn người yêu phải giàu có, 28% thừa nhận sẽ bỏ bê học hành nếu tình yêu không được chấp nhận, 24% đồng ý sống thử trước hôn nhân.

 

"Học trò ngày nay không còn yêu cảm tính, trong sáng theo kiểu "rung động đầu đời" nữa. Yếu tố vật chất, tình dục xuất hiện đáng báo động. Cứ theo đà này, tình yêu học đường sẽ bị Âu hóa hoàn toàn”, bà Hiền nói.

 

Bà Hiền cũng cho biết, 61% học sinh tham gia khảo sát thừa nhận đã và đang yêu. Chỉ có 37% em chưa yêu, vì chưa tìm được đối tượng thích hợp, chứ không phải vì muốn tập trung học tập. Bà Hiền lo ngại, nếu không được uốn nắn kịp thời, học trò sẽ biến tình yêu thành đùa giỡn, dẫn đến tình trạng các em vô trách nhiệm với chính bản thân mình.

 

Chuyên gia tâm lý Trần Hồng Hà, Trung tâm tư vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cho rằng, do được hưởng thụ cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ, tâm sinh lý phát triển, tất yếu học trò có xu hướng biết yêu sớm. Tình trạng phim ảnh thiếu lành mạnh, bố, mẹ, thầy cô giáo không quan tâm đúng mức, giáo dục giới tính hạn chế, cũng làm gia tăng tình trạng “lạm phát yêu” trong học trò.

 

Theo bà Hà, đã đến lúc người lớn cần quan tâm nghiêm túc đến chuyện tình yêu của con em. Gia đình và nhà trường nên có quan niệm cởi mở hơn với vấn đề tình yêu học trò, coi đó là một mặt trong việc giáo dục tình cảm đạo đức cho học sinh. Thông thường, cha mẹ thường tức giận mắng nhiếc, đe nẹt, dọa dẫm khi biết con có người yêu. Những phản ứng tưởng như hợp lý đó, đôi khi đẩy các em vào thế chống đối, có những phản ứng thách thức, tiêu cực.

 

"Các thầy cô giáo cần có thái độ tế nhị, chia sẻ kiến thức để các em hiểu biết về tình yêu. Còn cha mẹ cần phải biết lắng nghe lòng con trẻ, từ đó có những định hướng, giúp các em biết yêu trong sáng, có trách nhiệm với bản thân", bà Hà nêu ý kiến. 

 

Theo Lan Hương

VNExpress