Nhiều bạn trẻ là con một kiệt sức khi phải chăm sóc bố mẹ cao tuổi
(Dân trí) - Khi Daniel Lim phải chăm sóc bố mẹ bị ốm cùng lúc, anh thấy mệt mỏi và kiệt sức "như người chết đuối".
Năm 2009, bố của Daniel Lim được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ. Không lâu sau, mẹ anh phát hiện ung thư vú giai đoạn 3B.
Daniel Lim - con một trong gia đình - khi ấy 30 tuổi. Anh vừa phải đi làm kiếm tiền, vừa phải chăm sóc bố mẹ.
Gánh nặng đến kiệt sức
"Tài chính của tôi khó khăn vì tôi là con một, phải cáng đáng mọi thứ. Bố tôi đã nghỉ hưu, không có nhiều tiền tiết kiệm và mẹ tôi không có bảo hiểm y tế. Gần như chỉ sau một đêm, tôi trở thành trụ cột duy nhất của gia đình.
Không có hệ thống hỗ trợ hay bất kỳ dịch vụ nào dành cho người chăm sóc ở Singapore vào thời điểm đó. Bạn bè xung quanh cũng không hiểu được tình trạng khó khăn của tôi", Lim bộc bạch.
Những ngày đầu, Lim cảm thấy uất ức và thực sự muốn bỏ rơi bố mẹ mình. Nhưng thời gian trôi qua, anh nhận ra rằng, anh là người con duy nhất và không thể làm bố mẹ thất vọng.
Chăm sóc bố mẹ và đưa họ đi khám bệnh chiếm hầu hết thời gian của Lim, trong khi anh vẫn phải làm việc. "Tôi không nghĩ đến việc chăm sóc bản thân", Lim nói.
Trong 3 năm tiếp theo, sức khỏe thể chất và tinh thần của Lim bị ảnh hưởng. Anh trở nên cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn, ăn đồ ăn vặt để đối phó với cảm xúc của mình. Anh hầu như không ngủ vào ban đêm và bắt đầu cô lập bản thân với xã hội.
Tiến sĩ tâm lý học Adrian Low cho rằng, những người con một chăm sóc bố mẹ phải đối mặt với vô số thách thức.
"Chứng kiến người thân vật lộn với bệnh tật và chịu cảm giác day dứt khi thấy mình làm chưa đủ có thể khiến con cái căng thẳng về thể chất lẫn tinh thần, đồng thời gây cảm giác thất vọng và bất lực. Những vấn đề này nếu không được kiểm soát có thể gây kiệt sức.
Sự kiệt sức của người chăm sóc được biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, bao gồm kiệt sức về thể chất, kiệt quệ về cảm xúc, rút lui khỏi xã hội và trầm cảm", tiến sĩ Low nói.
Ông cho biết thêm, tình trạng kiệt sức có thể dẫn đến việc chăm sóc không được hoàn thành tốt, thậm chí có thể khiến người chăm sóc cân nhắc từ bỏ hoàn toàn trách nhiệm của họ.
Chia sẻ, tìm kiếm sự hỗ trợ
Lim chia sẻ với các ông chủ và đồng nghiệp về hoàn cảnh của mình. May mắn, họ đã ủng hộ anh, thậm chí còn quyên góp tiền giúp đỡ cho gia đình anh. Sự hỗ trợ đó giúp Lim nhận ra với những người như anh, nói ra mong muốn được giúp đỡ là cần thiết.
Đồng tình với Lim, tiến sĩ Low cho hay: "Khi những người chăm sóc bị kiệt sức, điều quan trọng là họ phải tìm kiếm sự hỗ trợ và kiểm soát mức độ căng thẳng của mình".
Ông cho rằng, ngay cả khi không bị căng thẳng quá mức, những người con một chăm sóc bố mẹ vẫn nên chia sẻ, nhận sự hỗ trợ bởi việc này rất phức tạp và đòi hỏi sự khắt khe.
Hỗ trợ có thể có nhiều hình thức, bao gồm kết nối xã hội, nhóm đồng đẳng, tư vấn và chăm sóc thay thế. Có một hệ thống hỗ trợ giúp bạn quản lý tốt hơn trách nhiệm của mình và duy trì cảm xúc tích cực, ngăn ngừa tình trạng kiệt sức trong tương lai.
Lim nói rằng, anh không biết mình sẽ ra sao nếu không có sự hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần từ mọi người xung quanh. Mặc dù là con duy nhất, những người chăm sóc không nên đơn độc trên hành trình của mình.
"Các mối quan hệ rất quan trọng khi bạn là người chăm sóc. Hãy mở lòng, nhận sự giúp đỡ từ cộng đồng, lên tiếng và nói với người khác những gì bạn cần", anh chia sẻ.
Năm 2018, Lim cùng sếp cũ - Danny Tan - thành lập doanh nghiệp xã hội, giúp đỡ những người chăm sóc và người thân của họ đang mắc chứng mất trí nhớ, đặt tên là Enable Asia.
Chuẩn bị cho hành trình dài
Lim nói rằng, vai trò người chăm sóc của anh không hề dễ dàng. Thực tế, sẽ ngày càng khó khăn hơn khi bố mẹ anh già đi và tình trạng của họ trở nên xấu hơn.
"Hãy chuẩn bị cho cuộc hành trình dài. Tôi là người đã chăm sóc bố mẹ khoảng 15 năm. Sự kiệt sức của người con một là có thật nên hãy tự chăm sóc mình, đảm bảo sức khỏe tốt", Lim nói.
Tiến sĩ Low cho biết, điều quan trọng với người chăm sóc là ưu tiên các nhu cầu về thể chất và tình cảm của mình để có thể quản lý trách nhiệm tốt hơn.
Điều này có thể bao gồm việc nghỉ ngơi, thực hành các hoạt động chăm sóc bản thân như tập thể dục, tìm kiếm các mối quan hệ xã hội, đặt ra những kỳ vọng thực tế cho bản thân.
"Bạn nên cố gắng hết sức có thể nhưng lưu ý rằng, làm quá nhiều không phải là cách lý tưởng để chăm sóc những người thân yêu của bạn. Điều quan trọng hơn là để họ tự làm những việc đơn giản, họ sẽ cảm thấy bản thân có giá trị", tiến sĩ Low nói thêm.
Lim kết luận rằng, không bao giờ quá sớm để những người con một chuẩn bị cho mình vai trò là người chăm sóc.
"Không ai là con một có thể né tránh việc chăm sóc bố mẹ. Bạn có thể là người chăm sóc trước đây, người chăm sóc hiện tại hoặc người chăm sóc trong tương lai.
Theo thời gian, bạn có thể phải nhận sự hỗ trợ từ người khác. Càng sớm chấp nhận thực tế này, hành trình của bạn sẽ càng dễ dàng hơn", Lim chia sẻ.