Chăm chỉ một cách độc hại: Bỏ bê bản thân, kiệt sức vì công việc
(Dân trí) - Nhiều bạn trẻ đang "lao đầu" vào công việc, không còn thời gian dành cho bản thân hay quan tâm đến người khác. Sự ưu tiên công việc kéo theo nhiều cảm xúc độc hại dẫn đến tình trạng kiệt sức.
Chăm chỉ không lành mạnh là gì?
Theo SELF, "toxic productivity" - năng suất độc hại chưa có một định nghĩa duy nhất nào. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đồng ý rằng, hành vi này thường liên quan đến cảm giác tội lỗi khi không có việc để làm, cũng như một người không nhận thức được khả năng của họ.
Tiến sĩ Thema Bryant - Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA) cho hay, các chuyên gia về sức khỏe tâm thần đôi khi đề cập đến chủ nghĩa hoàn hảo khi nói về năng suất độc hại vì hai điều này khá giống nhau.
Chủ nghĩa hoàn hảo thường được định nghĩa là khắt khe với bản thân, không dễ hài lòng và có tiêu chuẩn quá cao. Nghiên cứu cho thấy những người được coi là cầu toàn này thường đánh giá giá trị bản thân thông qua sự năng suất và thành tích cá nhân.
Thực tế vẫn chưa có nhiều nghiên cứu chắc chắn về hậu quả của việc năng suất quá mức. Tuy nhiên, chúng ta vẫn rút được một số điều liên quan từ những tài liệu sẵn có về chủ nghĩa hoàn hảo.
Theo APA, nhiều nghiên cứu cho thấy, theo đuổi sự hoàn hảo có thể gây hại đến sức khỏe của bạn và dẫn đến kiệt sức. Đó là cảm giác kiệt quệ về thể chất và tinh thần, căng thẳng, thiếu động lực hay làm việc quá sức.
Tiến sĩ Rheeda Walker - Giáo sư tâm lý tại Mỹ cho biết thêm, lo âu, mất ngủ và cáu kỉnh cũng có thể xảy ra khi bạn làm việc chăm chỉ một cách độc hại. Những dấu hiệu tiêu cực này không dễ để phát hiện vì chúng thường phát triển chậm và ảnh hưởng một cách tinh vi đến cuộc sống hằng ngày của bạn.
Bạn trẻ kiệt sức vì làm việc quá nhiều
Lệ Thủy (28 tuổi, TP.HCM) nhìn lại một năm 2022 sắp sửa qua đi và nhận thấy rằng bản thân đã dành hầu hết thời gian cho công việc. Theo bản mô tả công việc khi nhận vị trí nhân viên kinh doanh của một công ty làm đẹp, thời gian làm việc của Thủy là từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều; nhưng Thủy luôn rời văn phòng lúc 8 giờ tối.
Đối với cô gái này, việc hoàn thành hết các đầu việc luôn mang đến cảm giác thỏa mãn. Tuy nhiên, theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo khiến Thủy trở nên quá khắt khe với chính mình. Cô tâm sự: "Thời gian gần đây mình luôn cảm thấy bản thân trong tình trạng thiếu ngủ, uể oải. Mình hầu như không đi chơi, chỉ có công việc và về nhà. Mình giật mình nhận ra những chuyến du lịch năm ngoái dự định cũng chưa kịp thực hiện. Gần một năm rồi mình cũng chưa về nhà nữa. Mình cảm thấy tội lỗi nếu ngày hôm đó chưa làm hết việc, mình có thể ở lại văn phòng đến đêm, miễn sao mọi thứ đúng ý mình.
Nhưng cho đến một ngày bạn mình trách móc vì mình đã bỏ qua tin nhắn hỏi thăm của bạn. Mình đã bỏ quên mất việc vun đắp các mối quan hệ xung quanh. Nhiều khi mình tập trung vào công việc để không phải nghĩ đến chuyện yêu đương, lập gia đình. Có lẽ mình đã chăm chỉ một cách độc hại rồi, vì kết quả trong công việc cũng chẳng được sếp công nhận mà".
Tương tự Lệ Thủy, Diễm My (25 tuổi, Hà Nội) cảm thấy bồn chồn vào những ngày nghỉ. Bởi thế, My đã nhận thêm các công việc để làm vào ngày cuối tuần. Chính vì tăng ca quá sức nên có đợt cô phải nhập viện với lý do kiệt sức.
Thế nhưng, sau đó, My vẫn giữ thói quen làm việc như cũ. Cô gái trẻ lý giải: "Mình thuộc kiểu người đánh giá bản thân dựa trên những thành quả, thành tích. Đôi khi vẫn biết sẽ thật xấu tính nếu không vui khi đồng nghiệp được khen ngợi hơn mình. Nhưng cảm giác phải trở thành người đứng nhất khiến mình tập trung hết thời gian, tâm trí cho công việc.
Dạo gần đây mình hay rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi và có khi là thiếu động lực. Có chăng vì mình đã không để ý chăm sóc bản thân mà chỉ biết chạy theo những deadline nên mới như thế".
Việc chạy theo công việc một cách quá đà, không còn thời gian dành cho bản thân, gia đình dễ khiến bạn trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng, kiệt sức. Vì vậy, cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân cũng là câu chuyện được nhiều bạn trẻ hiện đại chú tâm.