Nhiều bạn trẻ "đờ đẫn" vì nghiện game: Làm sao thoát khỏi "sa lầy"?

Kiều Phương

(Dân trí) - Rất dễ để trở thành người nghiện game, dù ban đầu "gà mờ" không biết chơi gì cả. Trong thế giới game có tiền ảo, đồ ảo, mà để có chúng thì lại phải mua bằng tiền thật...

Sự phát triển của internet trong nhiều năm trở lại đây giúp việc học tập, giải trí của thanh thiếu niên diễn ra thuận lợi hơn, tuy nhiên lại kéo theo vấn nạn nghiện game online của nhiều người trẻ.

Nhiều bạn trẻ đờ đẫn vì nghiện game: Làm sao thoát khỏi sa lầy? - 1

"Ma lực" khủng khiếp từ game trực tuyến

Lê H., 21 tuổi, hiện là sinh viên trường Đại học Hàng Hải. Khoảng 9 năm về trước, anh từng là "con nghiện" game online.

Bắt đầu vào cấp hai, H. dần biết đến trò chơi điện tử do sự lôi kéo của bạn bè. Từ những lần chỉ theo chân vào tiệm net để xem mấy người bạn chơi game, dần dần, thay vì ngồi xem, H. sẵn sàng ngồi trước máy tính để "trực chiến".

Từ một cậu bé hiền lành, chăm chỉ giúp đỡ cha mẹ việc nhà, H. trở thành một kẻ lúc nào đầu óc cũng chỉ nghĩ tới tiệm net, game online.

Lý giải cho sự thay đổi một cách đáng sợ của bản thân, Lê H. thừa nhận: "Không chỉ riêng tôi, mà hầu hết ai "dính" tới game online cũng vậy. Rất dễ để trở thành người nghiện game, dù ban đầu "gà mờ" không biết chơi gì cả. Trong thế giới game có tiền ảo, đồ ảo, mà để có chúng thì lại phải mua bằng tiền thật.

Bắt đầu từ những món đồ nhỏ với tiền nhỏ, nhưng rồi thấy bạn bè leo "rank", rồi sở hữu những món đồ ảo cực khủng, thì sự hiếu thắng cứ lớn lên, lao vào cày game cho bằng bạn bằng bè… và "sa lầy" lúc nào không hay".

Theo đó, ban đầu, H. chơi game 2 tiếng mỗi ngày sau mỗi buổi chiều kết thúc lớp học. Dần dần, thấy không đủ, anh tự "nâng cấp" thời gian chơi lên thành 4, rồi 6 - 7 tiếng, lấy lý do đi học thêm, hoặc tranh thủ buổi trưa đi học thật sớm… để thỏa mãn "cơn nghiện" của bản thân.

Giống với Lê H., em Đỗ Văn Hoàng (học sinh lớp 12) cho hay, game online có một "ma lực" vô cùng khủng khiếp. Năm lớp 11, ở nhà có sẵn máy tính nên Hoàng đã mày mò, truy cập vào game để giải trí, ai ngờ càng chơi càng nghiện.

"Thế giới trong game rất là sống động và hấp dẫn. Trong game, em có thể làm được những điều mà bản thân không thể làm được ở ngoài đời. Lúc chơi thua thì em cay cú và muốn chơi cho tới khi qua được thử thách đó. Còn lúc thắng thì rất kích thích, muốn chơi thêm để thắng được nhiều hơn nữa".

Cũng theo Hoàng, việc dùng vũ lực, thậm chí là có bạn gái xinh đẹp trên game… cũng khiến người chơi cảm thấy hạnh phúc. Bên cạnh đó, phần thưởng có được sau mỗi "trận chiến" cũng khiến game thủ hưng phấn, cứ muốn mãi chìm trong thế giới ảo để có cảm giác chiến thắng và được tôn vinh.

Tàn tạ vì game online

Cô giáo Lê Thanh Tuyền (Hà Nội) cho hay, ngày nay, có rất nhiều học sinh (đặc biệt là học sinh nam) bị ảnh hưởng bởi trò chơi điện tử. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 làm xáo trộn sinh hoạt khiến vấn nạn nghiện game trong giới trẻ trở nên đáng báo động hơn bao giờ hết.

Sau cảm giác hưng phấn vì đã trở thành "người hùng" trong game, bước khỏi thế giới ảo, việc nghiện game sẽ để lại hậu quả vô cùng nặng nề.

"Việc ngồi quá lâu trước màn hình điện thoại, máy tính sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mắt, xương sống, ngón tay, hay gây rối loạn giấc ngủ. Nguy hiểm hơn, những đứa trẻ nghiện game còn gánh chịu hậu quả khôn lường về mặt tâm sinh lý.

Ví dụ, một hình ảnh tươi mát, tính cách quái dị, lối sống kỳ bí sẽ dễ in sâu vào suy nghĩ, định hướng cuộc sống của người chơi. Điều này dễ dẫn đến sự nhận thức sai về giá trị sống, xác định phong cách sống quái lạ và tính ích kỷ, tự tôn.

Ngoài ra, trẻ có thể bị game chi phối, tìm mọi cách để có tiền và thời gian chơi, bắt chước game, có hành vi hung hãn... dẫn đến những hệ quả vô cùng nghiêm trọng và đáng tiếc như vụ việc đánh bố mẹ, đi cướp tiền chơi game, bắt chước "làm theo game" như vụ việc nghi phạm lớp 11 tại Nghệ An năm 2020, hay có hành động tự tử đầy đau xót như sự việc nam sinh lớp 8 xảy ra mới đây".

Nhiều bạn trẻ đờ đẫn vì nghiện game: Làm sao thoát khỏi sa lầy? - 2
Bất chấp những cảnh báo về tác hại từ game online, nhiều bạn trẻ vẫn mải mê "chìm đắm" vào thế giới ảo.

Từng là một "game thủ", Lê H. thừa nhận, nghiện game để lại những hệ lụy vô cùng nguy hiểm. "Ngày nghiện game, kết quả học tập của tôi trở nên sa sút. Trên lớp, thay vì nghe giảng, tôi lại chập chờn trong giấc ngủ và mơ về… game online".

Không chỉ ảnh hưởng tới kết quả học tập, nam sinh viên này cho rằng, việc quá say mê trò chơi điện tử còn làm người chơi sai lệch về nhận thức cũng như nhân cách con người. Nhiều đứa trẻ vì quá mê game mà sinh ra những thói hư, tật xấu như nói dối, trộm tiền bố mẹ, thậm chí có cả hành vi cướp bóc… nhằm kiếm tiền, thỏa mãn thú vui.

"Tôi cũng từng giở thói trộm tiền của mẹ để trốn đi tiệm net. Hành vi ấy tiếp diễn nhiều lần, khiến tôi nhầm tưởng và không nhận thức được đó là việc làm cực xấu.

Mải mê chơi game, tôi đã khiến tình cảm gia đình trở nên rạn nứt. Tôi thì luôn tìm cách né tránh bố mẹ để không bị mắng, còn bố mẹ thì thường xuyên xảy ra cãi vã vì họ cảm thấy bất lực khi không thể dạy dỗ được tôi".

Cùng con thoát khỏi thế giới ảo

Đứng trước vấn đề nghiện game của trẻ, cô Lê Thanh Tuyền cho hay, phần lớn phụ huynh cũng như thầy cô thường có xu hướng cấm cản một cách khắc nghiệt. Tuy nhiên, nhiều học sinh THCS, THPT có tâm lý là càng bị cấm lại càng muốn thử, muốn chơi. Và khi bị người lớn la mắng thì các em đối phó bằng cách trốn học, nói dối... để được thỏa mãn "cơn nghiện".

"Gần 25 năm gắn bó với nghề giáo, tôi rút ra bài học, cấm đoán, đặc biệt với trẻ nghiện game, không phải giải pháp tốt. Trước kia, tôi đã từng dùng một số cách đầy khắc nghiệt như la mắng, cấm cản, thậm chí là "phô bày" niềm ham mê lệch lạc của các em trước lớp để mong các em tự thấy xấu hổ và thay đổi.

Tuy nhiên, thay vì kết quả tích cực, cách làm ấy khiến các em trở nên ngáo ngược, ương bướng, và bày tỏ thái độ không tôn trọng người lớn".

Theo nhà giáo này, trước hết, phụ huynh cũng như các thầy cô giáo nên nghiêm túc tâm sự với con về sự nguy hiểm của game. Trong quá trình ấy, người lớn cần kể cho con em nghe những câu chuyện có thật được đăng tải trên các phương tiện truyền thông để các em hiểu rằng nếu không làm chủ được bản thân, thì game trực tuyến thì game sẽ điều khiển con và gây ra những hành vi đáng tiếc, thậm chí phạm pháp.

Bên cạnh đó, cha mẹ, thầy cô cũng cần là người đồng hành, hướng dẫn cho trẻ những tựa game phù hợp. Trên thực tế, không phải game nào cũng xấu. Nhiều game cũng có ích, giúp trẻ giải trí, giảm căng thẳng, tăng cường phối hợp tay - mắt, kỹ năng tư duy, giải quyết vấn đề, xử lý tình huống…

"Tuy nhiên, phụ huynh cần đặt giới hạn thời gian, ví dụ như 40 phút/ngày để tránh con sa đà vào thú vui vô bổ", cô Tuyền đề xuất.

Phụ huynh Trần Mạnh Tiến (Hà Nội) cũng đồng tình với quan điểm này. Tuy nhiên, theo anh Tiến, để những biện pháp mềm mỏng kia phát huy tác dụng thì cha mẹ cần là tấm gương để con noi theo.

"Phụ huynh, đặc biệt là các ông bố, bà mẹ trẻ cần tránh mình khỏi sự sa lầy vào game hay các trang mạng. Bố mẹ sống tích cực thì con mới có thể học hỏi.

Bên cạnh đó, bố mẹ cần thiết lập và kéo trẻ vào những hoạt động thực tế vui tươi. Điều này vừa giúp gắn kết tình cảm, đồng thời góp phần xóa tan "cơn nghiện" trò chơi trực tuyến cho trẻ. Con trai tôi cũng là đứa trẻ nghiện game. Và tôi và vợ cũng đang trên hành trình này…".

Còn với Lê H., thứ giúp anh thoát khỏi thế giới ảo không đến từ đòn roi, sự cấm cản, mà đến từ chính tình yêu của đấng sinh thành.

"Hôm ấy, giận mẹ, tôi bỏ ra tiệm net chơi game. Định gọi mì tôm ăn luôn ở quán để "chiến" tiếp, thì bạn tôi (ở cạnh nhà) đem cho tôi hộp cơm và lời dặn: "Mẹ bảo mày đừng ăn linh tinh".

Nửa đêm tôi về nhà, mẹ vẫn ngồi đợi, và tôi thấy mẹ khóc. Nhìn xung quanh, nhà cửa, đồ đạc không có gì quý giá; còn mẹ, ở tuổi 50, quanh năm chân lấm tay bùn, đang ngồi khóc vì tôi. Lúc ấy, trong tôi là một cảm xúc ân hận đến khó tả. Kể từ hôm đó, giọt nước mắt của mẹ đã thức tỉnh, cho tôi quyết tâm rời xa thế giới ảo.

Rất mong những bạn trẻ, đã từng "sa lầy" như tôi, có thể thức tỉnh và thoát khỏi u mê nơi cuộc sống ảo. Bởi ngoài đời, còn đó rất nhiều người cho ta những tình cảm thật mà trong game chẳng bao giờ có".