Nhật ký nữ tù tuổi “ô mai”

“Hôm nay mẹ đến thăm con, biết tin bố mẹ sẽ mỗi người một ngả, con ngồi đó như muốn chết lặng... Trở về nhà (buồng giam) con đã khóc thật nhiều...”.

Đó là những dòng trích từ cuốn nhật ký của phạm nhân Nguyễn Phương Thảo, đang thụ án 7 năm 6 tháng tù về tội “cướp tài sản” tại trại giam Thanh Xuân (Thanh Oai - Hà Nội).


Nhật ký nữ tù tuổi “ô mai” - 1

Những giọt nước mắt ân hận của Thảo

 

Những “chuyến bay” đêm

 

“Thành tích bất hảo” của Thảo là năm 2005, cô cùng các bạn lêu lổng tổ chức một vụ cướp xe máy để lấy tiền ăn chơi. Chiều 28/8, tôi gặp Thảo ở trại giam Thanh Xuân. Thảo không có tên trong danh sách những người vừa được đặc xá, cô còn phải cải tạo hơn 1 năm nữa mới hết án phạt. Gần 5 năm qua, Thảo cũng như bao nhiêu cô gái khác đã nghĩ về tự do, bằng tất cả sự khao khát của tuổi trẻ...

 

Thảo kể: “Em từng có một gia đình hạnh phúc, bố mẹ thương yêu nhau lắm. Khi mẹ mới sinh em Ly (em Thảo), giữa bố, mẹ em bắt đầu xảy ra mâu thuẫn kịch liệt. Từ đó, em đâm ra chán mọi thứ, bỏ học và bỏ nhà đi bụi đời luôn”.

 

Từ đó, Thảo lao vào những cuộc “bay” thâu đêm suốt sáng với đám bạn xấu. Thỉnh thoảng, cả bọn “bay” từ đêm này sang đêm khác, ở những vũ trường danh tiếng. Cái không khí điên cuồng đó khiến Thảo say mê, khiến cô quên hết gia đình và sống bằng ảo giác. Thảo nói: “Hiếm hoi lắm em mới có những giây phút định thần lại, em nghĩ đến mẹ, nhưng em không dám “quay đầu” bởi mặc cảm về tội lỗi của mình”. Cứ thế, Thảo trượt dốc theo bạn bè trong những cuộc chơi thâu đêm. Cạn tiền, nhóm của Thảo tính chuyện đi cướp và điểm đến là trại giam.

 

Tiếng nấc nghẹn ngào

 

Ngày Thảo bị Công an phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội bắt giữ, cũng là ngày mẹ cô được nhìn thấy cô sau thời gian dài cô bỏ nhà đi bụi. Những ngày mất tự do, cô đã nghĩ về mẹ nhiều hơn. Thèm khát tự do và chất chứa cảm giác có lỗi với người thân, cô đã viết nhật ký và gửi vào đó nỗi ân hận, sự khắc khoải nhớ về mẹ.

 

Thảo có vẻ ngoài mạnh mẽ, không nỗi đau nào lấy nổi giọt nước mắt của cô, ngoại trừ mẹ và em gái. “Có lẽ vì bận bịu, mẹ đã quên mất đứa con tội lỗi này ở trong tù? Chứng kiến những người bạn tù hào hứng kể lể về gia đình họ, con chỉ biết quay lưng vào tường khóc thầm mẹ ạ! Con không trách mẹ, chỉ thấy lo lắng vì không biết do mẹ ốm hay vì lý do nào khác, mà mẹ không thể đến thăm con trong mấy tháng qua? Đầu óc con muốn nổ tung ra vì xót xa, thương mẹ. Một ngày, một tháng... nữa lại trôi qua trong lặng lẽ, mẹ vẫn bặt tin...”, nữ tù này đã viết như thế.
 
Nhật ký nữ tù tuổi “ô mai” - 2


Nhật ký nữ tù tuổi “ô mai” - 3

Những trang nhật ký của Thảo viết trong những đêm thức trắng.

 

Trong cuốn nhật ký, có những lúc Thảo thổ lộ rằng, cô yêu cái góc nhỏ bình yên trong tù, nếu một ngày rời xa nó hẳn sẽ nhớ, sẽ lưu luyến nhiều... Những ngày tháng dài ở trong trại giam, chính là khoảng thời gian hữu ích để cứu lấy nhân cách của cô bé Thảo hư hỏng ngày nào. Thảo của những năm cuối cấp 2 rất ngổ ngáo, thích chơi với bạn trai và muốn làm những việc mạo hiểm. “Em trượt dài trên con đường ăn chơi, sa đọa. Dùng thuốc lắc, chất kích thích... Tụi nó và em sẵn sàng làm cả những chuyện điên rồ nhất, dã man nhất để “xả” độ “phê” của thuốc lắc. Thỉnh thoảng tỉnh cơn mê, em thèm thuồng có một bàn tay tử tế nào đó chìa ra cứu mình khỏi vũng bùn lầy. Nhưng khó quá, không có ai. Khi đó, bố mẹ em còn mải lo toan cho niềm vui của riêng họ. May mà em bị bắt, vào đây coi như đời em mới được cứu vớt. Em gần như đã học lại nhân cách của một con người, học lại từ đầu chị ạ!”. Thảo hào hứng kể tôi nghe về quá khứ, con đường dẫn cô đến trại giam, hóa ra không phải vì điều gì khác ngoài tình bạn, tình yêu.

 

Tính đến nay, Thảo đã 3 lần được Ban Giám thị Trại giam Thanh Xuân đề nghị giảm án. Tính ra, cô đã được giảm 1 năm 3 tháng, trong tổng số thời gian 7 năm 6 tháng chấp hành án. Theo dự kiến, ngày 17/4/2011 Thảo sẽ được ra tù.

 

Tôi lật giở từng trang nhật ký, chỉ thấy duy nhất có trang Thảo viết về cha: “Ngày 24/10... Vậy là đã 2 tháng trôi qua con không được gặp mẹ, không có một dòng tin tức nào, con buồn quá mẹ ơi! Nhiều đêm rồi con đã thức trắng, nghĩ về mẹ, về gia đình mình. Mẹ ơi! Gia đình mình bây giờ ra sao? Nếu như những điều mẹ nói với con về sự tan vỡ đó là thật... thì con không biết mình sẽ phải sống như thế nào? Con cần tình yêu thương của cha, mẹ. Em Ly cũng vậy. Nếu điều đó xảy ra thì con sẽ cải tạo làm sao được đây? Sau này ra tù, con biết đi đâu, về đâu? Tương lai của con ở đâu, khi không có sự dìu dắt của cha, mẹ? Con xin bố mẹ đừng làm như vậy...”.

 

Theo Gia Đình & Xã Hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm