“Nhật ký” bán hàng “online”
Bán hàng “online” những năm gần đây nổi lên như một trào lưu, sinh viên, người mới ra trường, chị em văn phòng đều xôn xao buôn bán. Tôi, Đinh Thùy - một người trẻ đã ra trường vài năm, đang có một công việc tạm gọi ổn định là làm biên tập viên cho một tạp chí, cũng bị hút theo làn gió “online” ấy.
Những sự cố ngoài ý muốn
Nếu bạn hỏi, cảm giác đầu tiên của tôi khi gia nhập thế giới bán hàng “online” là gì, tôi sẽ trả lời rằng đó là sự hoảng loạn. Nguyên do của cơn hoảng loạn ấy xuất phát từ sự non nớt, thiếu kinh nghiệm của một đứa lần đầu chạm ngõ kinh doanh.
Tôi bán nho Ninh Thuận, mối nhập hàng do một người bạn quen trên mạng giới thiệu. Thời điểm đó, tôi chưa thực sự hiểu về độ quan trọng của mối hàng “online” và ngay lập tức phải trả giá. Chuyến hàng đầu tiên, tôi liên hệ đặt số lượng với đầu mối trong Ninh Thuận và giao dịch chuyển tiền.
Tuy nhiên, cuối tuần nên họ chưa nhận được tiền ngay và tự động hủy đơn vì nguyên tắc của họ là “tiền đến thì hàng đi”. Mặc cho tôi giải thích, nài nỉ, đáp lại chỉ là tiếng dập máy khô khốc! Tôi không nhớ là hôm đó mình đã tự tìm kiếm trên mạng, gọi bao nhiêu cuộc điện thoại, nói chuyện với bao nhiêu đầu mối trong đó. Rất may là cuối cùng, tôi cũng chốt được một mối có giá cả hợp lý, đồng ý cắt hàng ngay trong buổi chiều hôm đó và nhận tiền sau.
Thế đấy, quy luật buôn bán vốn rõ ràng “tiền trao cháo múc”, hãy trao đổi cụ thể và thẳng thắn với mối hàng về chuyện tiền nong. Đừng bao giờ để đến phút chót lại phải hoảng loạn đi xử lý những sự cố không mong muốn như tôi. Còn tốt hơn cả, trước khi bán buôn, hãy lập danh sách một số mối hàng và những điều khoản của họ, để khi mối này bị lỡ, bạn đã có ngay phương án dự phòng.
Buôn bán thì luôn có đối thủ và có cả kẻ thù. Sợ nhất là những kẻ thù vô hình mà mình phải làm quen, thay vì “chiến đấu”. Với những người buôn hoa quả thì “kẻ thù” là thời tiết, bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hàng hóa và khâu vận chuyển. Gần ngày cắt nho mà trong Ninh Thuận trời mưa là nho dập nứt, mã xấu, giảm độ ngọt, rồi đến hôm cắt mà mưa thì phải hủy đơn.
Lại có lần, hàng về tới ga thì Hà Nội nổi giông gió, mưa tầm tã, ra ga nhận hàng mà lúc vận chuyển lo người ướt thì ít, lo hàng ướt thì nhiều. Về đến nhà, người ngợm ướt nhẹp nhưng lại bất chợt mỉm cười vì những thùng hàng vẫn vẹn nguyên.
Những chuyến nho của tôi vẫn thỉnh thoảng lại đi qua những trận mưa như thế. Tưởng đã đủ quen để không còn cuống quýt mỗi lần mưa thì bất ngờ bão đến. Ngập cả một dải mấy tỉnh, tàu bị mắc kẹt ở Thanh Hóa, ôm trong bụng nó cả chuyến hàng của tôi.
Sốt ruột gọi cho phía đầu mối, được trả lời là nước rút thì tàu chạy ngay, sáng mai hàng về (lẽ ra về từ 8h tối). Sáng vừa mở mắt, gọi ngay cho phía tàu, đáp lại là câu trả lời nhanh gọn: “Tàu vẫn đang trong Thanh Hóa, chưa có lịch về ga”.
Chuyến hàng “bão táp” ấy về chậm một ngày rưỡi. Lúc nhìn thấy những thùng carton méo mó, nhũn nhoét vì ngấm nước, mở ra thấy nho dập nát, không còn hình hài của quả, của chùm, mới hiểu một cách sâu sắc thế nào là “người tính không bằng trời tính”.
Kể ra những sự cố trên, tôi muốn nói đến rủi ro mà ai làm kinh doanh cũng phải đối mặt. Đừng tưởng bán hàng “online” không cần mặt bằng, không cần nhân viên là bạn đã “an toàn” về vốn. Các sự cố có thể ập đến bất cứ lúc nào, lấy đi của bạn cả tiền bạc lẫn tinh thần.
Thời “vạn người bán, trăm người mua”
Cốt lõi của kinh doanh là khách hàng. Cùng một chuyến hàng, khách khen có, khách kỹ tính chê bai cũng có. Tôi thấy, nhiều bạn bán hàng “online” khi bị khách chê là “nổi điên” lên, cãi cọ, thậm chí chửi bới, chụp ảnh đoạn cãi vã đăng lên mạng, tỏ ra hả hê là đã cho khách một bài học nhớ đời.
Các bạn đó quên mất rằng, thời “người người, nhà nhà” kinh doanh “online” như hiện nay đâu phải “trăm người bán, vạn người mua” mà có khi ngược lại. Nếu không có dịch vụ tốt, cách ứng xử văn minh, bạn sẽ ngay lập tức bị đào thải.
Nhưng cũng có trường hợp, bạn cần phải “cứng”. Có lần, người vận chuyển (shipper) của tôi đến giao hàng cho một khách nữ, đứng trước cửa nhà gọi điện nhưng khách nhất quyết không chịu xuống nhận, chỉ vì đang bận… ngủ. Sau cú tắt phụt điện thoại đầy vô lý của vị khách ấy, tôi liệt cô gái đó vào “black list”, bởi cô nàng không hề biết tôn trọng sức lao động của người khác.
Gắn với bán hàng “online” là “shipper online”. Các chủ shop chỉ cần đăng đơn trên các hội nhóm “ship”, rất dễ dàng tìm kiếm được “shipper”. Thế giới “shipper online” cũng phức tạp, nhiều người thật thà song cũng lắm kẻ đáo để.
Cô bạn tôi có thâm niên bán nem chua “online” đã từng gặp bạn “shipper” tự động bớt một cái nem của khách để ăn, rồi còn nài nỉ khách trả thêm phí “ship”, khách không đồng ý thì… chửi luôn khách. Do đó, bạn có “shipper ruột” là tốt nhất, trong trường hợp khách cần nhanh, cần gấp hoặc “shipper ruột” không “gánh” hết được đơn thì hãy thuê “ship” ngoài.
Tôi có “shipper ruột”, cũng nhiều lần thuê “ship” ngoài, rất may đều gặp được đối tác thân thiện. Tôi nhớ nhất là lần gửi đơn hàng sang Long Biên. Vừa đăng trong hội “ship”, tôi nhận được cuộc gọi: “Đơn hàng của cháu cho bác nhận nhé!”.
Tôi nghĩ bụng, chắc “shipper” là một chú trung tuổi. Bất ngờ, người xuất hiện nhận hàng trong buổi chiều mưa gió ấy lại là một người đàn ông chạc 70, gầy còm, da dẻ nhăn nheo. “Ship” xong đơn, bác ấy còn cẩn thận gọi điện cho tôi báo: “Cô kia nhận hàng cứ bảo bác cầm luôn cả tiền hàng, bác nói rằng, cháu chỉ bảo bác là nhận tiền “ship” thôi nên bác không dám nhận. Bác già rồi nhưng yêu lao động lắm, cháu mà có đơn nào thì cứ gọi bác!”…
Người ta nói “phi thương bất phú”, khi bán hàng “online”, tôi thấy điều đó đúng. Không chỉ “phú” vì tiền bạc mà còn “phú” về các mối quan hệ, trải nghiệm sống và hàng loạt kỹ năng mềm. Đa số mọi người đều có một chuyên môn nhất định, là nhân viên kinh doanh, là kế toán, nhà báo, thu ngân… Còn bán hàng “online”, bạn sẽ cùng lúc kiêm nhiệm tất cả các vai trò, vừa là “chủ doanh nghiệp”, lại vừa là nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng, rồi thu ngân, kế toán…
Bán hàng “online”, bạn phải đối mặt với những bữa sáng quên ăn, những buổi đêm quên ngủ nhưng đó là một hành trình rất đáng để trải nghiệm, cũng chính là một “lớp học để trưởng thành”. Khi bạn còn trẻ, còn nhiều sự lựa chọn thì ngại gì không thử nhỉ?
4 bí quyết để bán hàng “online” đắt khách
- Bán hàng mình dùng, dùng hàng mình bán. Nên có kiến thức về hàng hóa mình bán để tư vấn cho khách hàng.
- Thỉnh thoảng có chương trình “free ship”. Nó sẽ giúp bạn “câu kéo” thêm các khách ở xa đang ngại ngần mua hàng vì phí “ship” đắt đỏ.
- Tổ chức “mini game” có thưởng với các điều kiện đi kèm là khách “like”, “share”, “tag” bạn bè. Đây là cách quảng bá sản phẩm với chi phí rất rẻ.
- Tham gia, đăng bài bán hàng vào các hội nhóm, cộng đồng trên mạng. Số lượng thành viên các hội nhóm càng nhiều thì lượng khách hàng tiềm năng của bạn càng đông. Đa số các hội nhóm đều có nội quy, hãy đọc kỹ trước khi đăng bài để không bị đẩy ra khỏi nhóm.
Theo Đinh Thùy
Sinh viên Việt Nam