Nhân tài khoa học và kinh tế tri thức
Thành tích thi toán, vật lý, tin học quốc tế của học sinh Việt Nam trong những năm gần đây rất đáng tự hào và nên được duy trì, phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên tự đặt ra câu hỏi: tại sao nền khoa học và công nghệ của chúng ta vẫn còn yếu kém?
Nhiều “thầy đồ” và nhiều Bill Gates
Trong lần thăm Trung Quốc gần đây, ông Lý Quang Diệu đã nói đại ý như sau: "Thời kỳ trước, nước Trung Hoa phong kiến đã có rất nhiều nhân tài được tuyển chọn kỹ lưỡng qua hệ thống thi cử quan trường, nhưng tại sao vẫn tụt hậu so với thế giới dẫn đến suy yếu, sụp đổ và bị thuộc địa hóa (điều này cũng đúng như chế độ phong kiến VN)?
Nhân tài của nước Trung Hoa hiện đại ngày nay đã hoàn toàn khác, họ không chỉ là những thầy đồ dạy đạo Khổng, đạo Lão, làm câu đối, bình văn thơ cổ, mà quan trọng là những nhà tài chính, kinh tế, những nhà khoa học, sáng chế, những nhà công nghệ giỏi tầm cỡ quốc tế, họ sẽ biến Trung Quốc thành một siêu cường của những thế kỷ mới...".
Như vậy, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nếu muốn tiến tới nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, chúng ta cần phải có các "nhân tài khoa học". Đó là những học sinh ưu tú có trí tuệ hơn người, được chọn lựa và được đào tạo tốt nhất để trở thành các nhà hàn lâm, nghiên cứu hoặc các "thầy đồ" dạy toán, vật lý, các môn khoa học tự nhiên khác.
Nhưng không chỉ vậy, chúng ta cũng mong có một số lượng đáng kể trong số họ trở thành những người tương tự như Howard Hughes, David Packard, Bill Gates, Bill Hewlett, Jame Clark, Gordon Moore, Paul Allens, Larry Ellison, Steve Jobs, Michael Dell và nhiều tấm gương khác nữa.
Họ đã biến những nghiên cứu trong khoa học công nghệ thành những sản phẩm đem lại lợi ích thiết thực cho loài người, đã tạo nên động lực mới thúc đẩy nền kinh tế cũng như tạo ra hàng nghìn việc làm với thu nhập cao, đã đem lại hàng triệu, thậm chí hàng tỉ đôla do xuất khẩu công nghệ cao về cho đất nước, còn bản thân họ đã trở thành những nhà triệu phú hoặc tỉ phú bởi chính tài năng và trí tuệ của bản thân.
Nhiều con đường đi đến thành công
Trong nhiều năm làm việc, nghiên cứu và giảng dạy tại khoa y ĐH Quốc gia Singapore, tôi đã gặp rất nhiều SV VN học đại học hoặc sau đại học tại đây. Các em đều rất thông minh, trung thực và chăm chỉ, các em đã tạo ra uy tín tốt cho cộng đồng học sinh VN.
Rất nhiều đồng nghiệp của tôi tại đây đánh giá cao SV VN, một số người trong họ còn cho rằng SV của ta hơn hẳn SV Trung Quốc và Ấn Độ. Họ có xu hướng nhận SV VN nhiều hơn.
T.A. là một cựu SV chuyên toán tại Hà Nội và cũng là một SV xuất sắc của khoa công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia Singapore. Em được giữ lại làm tiến sĩ sau khi tốt nghiệp đại học. Một lần tình cờ gặp T.A. tại căngtin trường, em tâm sự với tôi rằng em không hứng thú với đề tài nghiên cứu sau hơn hai năm gắn bó.
T.A. cho rằng đề tài mang nặng tính lý thuyết và phi thực tế, em cũng chia sẻ với tôi rằng em có một vài ý tưởng mới có nhiều khả năng ứng dụng tốt và có một số công ty và doanh nghiệp Singapore quan tâm đến ý tưởng này. Họ sẵn sàng giúp T.A. thực hiện ý tưởng này cũng như sẽ thương mại hóa sản phẩm. T.A. muốn thôi học tiến sĩ để thực hiện ý tưởng này nhưng không được gia đình ủng hộ. Gia đình muốn em đỗ tiến sĩ và trở thành giảng viên.
Điều mà tôi, các em và mọi người đều thấy rằng nhiều tỉ phú Mỹ, những người đi tiên phong trong lĩnh vực này và là những người đã tạo ra một cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới cho thế giới là những người chưa tốt nghiệp đại học, đừng nói gì đến tiến sĩ, giáo sư.
Trong số đó có Bill Gates, Paul Allens, Larry Ellison và Steve Jobs. Tôi nói với T.A. quan điểm của tôi như sau: cách đây hơn 20 năm, thời cơ đến với Bill Gates và các bạn của ông ấy khi họ còn đang học tại ĐH Harvard.
Giả sử họ vẫn theo nếp suy nghĩ cũ và thực hiện như bình thường, tức là Bill Gates không bỏ dở đại học để thực hiện một việc "không rõ tương lai" thì chắc chắn Bill Gates sẽ không thể là một Bill Gates như ngày nay, và cơ hội đó chắc chắn sẽ rơi vào tay người khác.
Có rất nhiều con đường đi đến thành công, chứ không phải chỉ có một con đường duy nhất là phải học đại học, phải trở thành thạc sĩ, giáo sư..., nhất là trong thời đại công nghệ thông tin và hội nhập toàn cầu như hiện nay.
Chúng ta rất mong có nhiều công ty VN, khởi điểm bởi những nhân tài khoa học xây dựng thành công nền kinh tế tri thức của chúng ta.
Theo BS, TS Y khoa Phan Toàn Thắng
PGS bộ môn ngoại, khoa y ĐHQG Singapore
Tuổi Trẻ